Tiếng Việt | English

21/06/2018 - 20:30

Những tín hiệu vui từ Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Thành

Thanh long Châu Thành, tỉnh Long An hiện có mặt trên nhiều thị trường khó tính: Nhật Bản, Australia,... Đặc biệt, từ khi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), trái thanh long xuất khẩu ngày càng nhiều hơn, người trồng có cuộc sống ổn định.

Trái thanh long Châu Thành hiện có mặt tại nhiều thị trường khó tính: Nhật Bản, Australia,...

Hướng đến sản xuất hàng hóa chất lượng

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Huyện ủy Châu Thành có Nghị quyết 03 về sản xuất 2.000ha thanh long ƯDCNC gắn với thành lập tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX). Trên cơ sở Nghị quyết Huyện ủy, UBND huyện xây dựng Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết: Huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn (trừ xã Thanh Vĩnh Đông) sản xuất thanh long với diện tích 100-200ha/xã, riêng xã Long Trì và An Lục Long 300ha theo quy trình VietGAP, hướng tới GlobalGAP.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, thành lập các HTX, THT, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất: Hệ thống tưới tiết kiệm, các loại máy móc hỗ trợ nông dân trong việc xác định lượng nước, lượng phân bón cần dùng,... Qua đó, hình thành chuỗi cung ứng thanh long an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền mục đích và các giải pháp thực hiện đề án. Qua đó, người trồng thanh long bước đầu ƯDCNC vào các khâu chính: Giống, canh tác và sau thu hoạch” - ông Nguyễn Văn Thình cho biết thêm.

Nâng cao thu nhập

Qua 2 năm thực hiện đề án, huyện có hơn 577ha thanh long ƯDCNC với hơn 900 hộ tham gia; thành lập mới 5 HTX, 27 THT. Theo Giám đốc HTX Dương Xuân - Nguyễn Hữu Gia, tham gia đề án, người dân được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán, tư duy canh tác, hình thành thói quen sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật,...

Tham gia sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, người dân được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Minh, xã Long Trì, sản xuất thanh long theo kiểu truyền thống, nhiều lần bị mất mùa và giá cả đầu ra không ổn định. Từ khi ƯDCNC, sản xuất hiệu quả hơn. Mỗi năm, ông có thu nhập gần 500 triệu đồng, đời sống gia đình được nâng cao. “Tham gia sản xuất ƯDCNC, gia đình tôi được Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho 0,5ha thanh long” - ông Nguyễn Văn Minh thông tin.

Với hơn 1ha sản xuất thanh long theo hướng sạch, sau khi trừ chi phí, ông Trần Văn Năm, xã Long Trì, lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Theo ông Trần Văn Năm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái thanh long có giá trị cạnh tranh cao hơn. Hiện nay, chúng tôi phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu loại giống thanh long tốt, ít nhiễm sâu, bệnh hơn”.

Năm 2018, huyện triển khai sản xuất thanh long ƯDCNC trên diện tích 688ha với hơn 2.000 hộ dân tham gia; xây dựng 12 mô hình điểm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, tỉnh phụ trách 5 mô hình, huyện 7 mô hình. Để thực hiện tốt kế hoạch, huyện phối hợp các ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến các hội viên HTX, THT.

Theo đề án, đến năm 2020, toàn huyện có 2.000ha thanh long ƯDCNC, 50 hố xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 16 kho lạnh với tổng sức chứa 8.000 tấn. Qua đó, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập người dân địa phương./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết