Tiếng Việt | English

27/02/2020 - 09:49

Những thầy thuốc của nhân dân

Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, các y, bác sĩ (BS) đều chung một tâm niệm “chữa bệnh, cứu người”. Những cống hiến thầm lặng của các y, BS để mang đến niềm vui, sức khỏe cho bệnh nhân đã tô thắm thêm nét đẹp của nghề cao quý đã chọn. Họ xứng đáng là những thầy thuốc của nhân dân.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Duyên (bên trái) luôn tận tụy, hết mình vì công việc

Hết lòng với công việc

Nhờ làm tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) nên môi trường Bệnh viện (BV) Đa khoa Long An luôn bảo đảm sạch sẽ, an toàn cho bệnh nhân đến khám và điều trị cũng như nhân viên y tế đang công tác tại đây. Đạt kết quả ấy là nhờ sự góp sức không nhỏ của khoa KSNK, đặc biệt là sự tận tụy, hết mình vì công việc của Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Duyên - Trưởng khoa KSNK.

Nhiều năm qua, chị Kim Duyên luôn làm tốt công tác giám sát vệ sinh, điều tra nhiễm trùng BV nhằm bảo đảm các khoa, phòng luôn sạch sẽ để bệnh nhân và nhân viên y tế làm việc trong môi trường an toàn, tránh lây nhiễm chéo trong BV. Trong KSNK, vệ sinh bàn tay là rất quan trọng nên chị Kim Duyên thường xuyên nhắc nhở nhân viên y tế thực hiện và sử dụng trang phục phòng hộ đúng theo quy định. Các thông tin, hướng dẫn, quy định mới của Bộ Y tế được chị cập nhật thường xuyên và triển khai kịp thời cho tất cả nhân viên y tế tại BV. Bên cạnh đó, chị còn hỗ trợ đào tạo công tác KSNK cho tuyến huyện và Trường Trung cấp Y tế Long An. Trong mùa dịch Covid-19 thì hoạt động này được tăng cường hơn.

Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chị Kim Duyên thường xuyên đi sớm, về trễ để tăng cường công tác giám sát môi trường, hướng dẫn nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình KSNK nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Trước thực trạng khan hiếm nguồn cung khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, chị có sáng kiến may khẩu trang vải cho tất cả cán bộ, nhân viên y tế BV. Nghĩ là làm, chị cùng đồng nghiệp trong khoa tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để may khẩu trang. Hiện Khoa KSNK hoàn thành hơn 2.000 cái khẩu trang vải và tiếp tục may theo nhu cầu sử dụng.

Chị Kim Duyên chia sẻ: “Tất cả công việc tôi đều làm cùng nhân viên y tế mới thấy được những khó khăn. Từ đó, tìm ra nhiều phương pháp bảo đảm cho công tác KSNK đạt hiệu quả cao. Nếu làm tốt công tác KSNK theo quy trình trong chăm sóc bệnh nhân sẽ giúp họ rút ngắn thời gian và giảm chi phí điều trị”.

Hơn 30 năm cống hiến trong ngành y tế, đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng nhiệm vụ nào chị Kim Duyên cũng hoàn thành tốt. Với chị Kim Duyên, “nói phải đi đôi với làm”, phương châm làm việc là “hết việc chứ không hết giờ”. Suốt gần 9 năm công tác tại Khoa KSNK, chị Kim Duyên luôn tận tụy, hết mình với công việc. Dù trong hoàn cảnh nào, chị cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bệnh nhân, cán bộ và nhân viên y tế được bảo đảm an toàn.

Bác sĩ Trần Phương Linh không ngừng nghiên cứu, học hỏi để tìm ra phương pháp chữa bệnh hiệu quả

Tận tâm với nghề

Tính tình cởi mở, hòa nhã với đồng nghiệp và tận tâm với công việc, hết lòng phục vụ BN là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với BS CKI Trần Phương Linh - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Tâm thần Long An). Năm 2010, BS Phương Linh bắt đầu công tác tại Khoa Tâm thần (BV Đa khoa Long An). Đến năm 2015, khi BV Tâm thần Long An đưa vào sử dụng, anh vừa đảm nhận khám và điều trị bệnh tại Khoa Tâm thần Tổng hợp nam, vừa giữ chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp.

BS Phương Linh bày tỏ: “Khám và điều trị bệnh tại Khoa Tâm thần Tổng hợp nam thì việc điều dưỡng, y, BS bị tấn công, hành hung là không tránh khỏi. Bởi, bệnh nhân không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình, nhất là bệnh nhân mới nhập viện”. Thế nhưng, điều đó không làm BS Phương Linh nản lòng, ngược lại, anh xem đây là thách thức và động lực để cố gắng hết mình vì bệnh nhân. Khi BV được bổ sung thêm BS, BS Phương Linh chuyển qua khám và điều trị ngoại trú. Bình quân mỗi ngày, anh khám và điều trị cho 60 bệnh nhân.

Để làm tốt “sứ mệnh” chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, BS Phương Linh không ngừng nghiên cứu sách và học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước nhằm tìm ra các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên tâm thần hay bệnh lý kết hợp với tâm thần. “Khó nhất là điều trị cho bệnh nhân kích động, chống cự, đập phá, thậm chí hành hung y, BS ngay trong lúc cấp cứu. Muốn điều trị hiệu quả thì chúng tôi phải luôn “kề vai sát cánh” với bệnh nhân; phải lắng nghe, thấu hiểu tâm lý, điều trị và chăm sóc họ như người thân của mình. Làm việc ở đây tuy bệnh nhân ít nhưng rất áp lực. Nhiều khi, mình giải thích thật nhiều, có khi nói mãi mà bệnh nhân vẫn không hiểu. Tuy vất vả, khó khăn nhưng chẳng có niềm vui nào sánh bằng khi sức khỏe tinh thần, thể chất bệnh nhân ổn định” - BS Phương Linh thổ lộ.

Bác sĩ Hồ Thị Thanh Xuân có 33 năm gắn bó với Bệnh viện Y học cổ truyền Long An

33 năm gắn bó với Y học cổ truyền

Trong số những thầy thuốc tâm huyết đang công tác tại BV Y học cổ truyền Long An, có lẽ BS Hồ Thị Thanh Xuân - Trưởng khoa Khám bệnh, là một gương mặt tiêu biểu. Bởi, BS Thanh Xuân có 33 năm công tác tại BV với nhiều vai trò, vị trí khác nhau. Dù ở bất cứ vai trò, vị trí nào, BS Thanh Xuân cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhớ lại hành trình chinh phục ước mơ khoác áo blouse trắng, BS Thanh Xuân kể: “Từ nhỏ, thấy mẹ hay bị đau nhức, sưng khớp nên tôi ấp ủ ước mơ làm BS để có thể chữa bệnh cho mẹ và mọi người. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp trung cấp tại Viện Y học dân tộc TP.HCM, tôi về công tác tại Khoa Nội Tổng hợp, BV Y học cổ truyền Long An. Năm 2007, tôi tiếp tục học liên thông tại Viện Y học Quân y Trung ương. Lúc đó đã 40 tuổi nên lắm khó khăn, vất vả nhưng tôi cố gắng để đạt ước mơ của mình”. Niềm vui cũng đến với BS Thanh Xuân khi ước mơ ngày nào đã thành sự thật và khóa học này, chị tốt nghiệp thủ khoa. Mọi nỗ lực của chị đã được đền đáp xứng đáng.

Năm 2014, BS Thanh Xuân được chuyển công tác đến Khoa Khám bệnh và trở thành Trưởng khoa quản lý 30 cán bộ, nhân viên y tế với 10 phòng khám, phòng chức năng. Hiện mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận 80-120 bệnh nhân. Với vai trò là trưởng khoa, BS Thanh Xuân luôn là “đầu tàu” gương mẫu. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, BS Thanh Xuân còn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống.

BS Thanh Xuân chia sẻ: “Với phương châm “lấy bệnh nhân làm trung tâm”, tôi luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ từ việc đọc sách và học tập kinh nghiệm của những đồng nghiệp đi trước. Bệnh nhân đến BV thường mắc bệnh mạn tính nên đòi hỏi thầy thuốc phải kiên trì, nhẫn nại. Đã chọn nghề thì phải yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài được. Năm 2016, tôi có sáng kiến kinh nghiệm về đánh giá hiệu quả điều trị sỏi thận. Bài thuốc này được áp dụng hiệu quả trong điều trị tại BV”.

Công việc vất vả, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lây nhiễm bệnh, thế nhưng những người thầy thuốc luôn tận tâm với nghề, tận hiến cho đời. Họ là những “chiến sĩ áo trắng” luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết