Tiếng Việt | English

13/03/2019 - 11:20

Những thầy thuốc của nhân dân

Mỗi bác sĩ (BS) đến với ngành y với chuyên môn khác nhau nhưng đều có chung một tâm niệm “chữa bệnh, cứu người”. Họ chính là những thầy thuốc của nhân dân.

BS.CKII Võ Văn Hận làm việc với phương châm “Sống vì mọi người; đối với bệnh nhân thì thương yêu như người thân của mình”

Luôn sống vì mọi người

Gần 24 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy thời gian BS.CKII Võ Văn Hận làm việc với phương châm “Sống vì mọi người; đối với bệnh nhân thì thương yêu như người thân của mình”. Đã nhiều lần, BS Hận không thể kìm được nước mắt khi thấy hoàn cảnh khó khăn, éo le của bệnh nhân (BN). Có lẽ niềm vui lớn nhất của các BS chính là nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh trở về nhà.

Bà Trương Thị Liêm (ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Tôi cảm thấy an tâm mỗi khi được BS Hận khám và điều trị bệnh. Bởi, BS rất giỏi về chuyên môn và có lối sống giản dị. BS Hận còn rất tận tình, chu đáo, thường xuyên hỏi han, chia sẻ, đồng cảm với mọi BN”.

Khi còn là học sinh cấp 3, anh đã yêu thích màu áo blouse trắng cũng như xem nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người là việc làm vô cùng thiêng liêng, cao cả. Vì vậy, anh không ngừng phấn đấu và biến ước mơ thành hiện thực. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP.HCM,
năm 1995, anh về công tác tại Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng. Đến năm 1999, anh được tín nhiệm làm Trưởng khoa Cấp cứu cho đến nay.

Đi đôi với học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước, anh không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2009, anh tốt nghiệp BS.CKII Nội Thần kinh. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học. Thời gian qua, anh có 4 đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao, trong đó có 1 đề tài báo cáo trong Hội nghị Khoa học toàn quốc tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đó là đề tài Đặc điểm lâm sàng và yếu tố nguy cơ viêm màng não mủ ở người lớn.

Chia sẻ về chuyên môn tại khoa, BS Hận cho biết: “Đặc thù của khoa cấp cứu là tiếp nhận bệnh nhân đông, nhiều thành phần, bệnh đa dạng, phức tạp. Vì thế, đòi hỏi BS cũng như ê kíp cấp cứu phải có tính phản xạ, xử lý thật nhanh. Bởi, khi tiếp nhận những ca bệnh nặng thì sự sống được tính bằng từng giây, từng phút”.

Không chỉ tận tụy trong công việc, anh còn gương mẫu, quyết đoán, tạo tinh thần đoàn kết trong khoa. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ BS trẻ bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Là người sống tình cảm nên anh luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên và kịp thời động viên, giúp đỡ đồng nghiệp những lúc khó khăn.

Tận tụy với nghề

BS.CKI Lữ Văn Quí làm việc tại Khoa Lao và HIV, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An, được lãnh đạo bệnh viện đánh giá là người luôn tận tụy trong công việc, làm việc với phương châm “hết việc chứ không hết giờ”.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 BN lao kháng thuốc. Trong đó, BS Quí quản lý 55 ca. Mong muốn của anh là góp một phần công sức của mình để giảm bớt nỗi đau cho người bệnh. Vì vậy, mỗi ngày, anh thường đi sớm, về muộn hơn so với đồng nghiệp. Ngoài theo dõi sát BN trong quá trình điều trị, anh còn phân tích để BN hợp tác tốt trong quá trình điều trị và phòng tránh lây lan bệnh cho người thân, cộng đồng.

BS.CKI Lữ Văn Quí được lãnh đạo đánh giá là người luôn tân tụy với nghề

Dẫu biết rằng, làm việc tại Khoa Lao và HIV có nguy cơ lẫy nhiễm bệnh rất cao nhưng BS Quí vẫn không ngần ngại khi tiếp cận và tận tình cứu chữa BN đến nơi, đến chốn. Anh Quí chia sẻ: “Nếu ai cũng sợ lây bệnh mà không làm thì ai sẽ là người cứu chữa, chăm sóc BN. BS phải gần gũi, chia sẻ khó khăn của BN, phải xem họ như chính người thân của mình. Mỗi BN được điều trị khỏi bệnh là niềm vui và hạnh phúc lớn đối với tôi”.

Để làm tốt hơn nghề mình đã chọn, anh không ngừng nghiên cứu tài liệu y khoa và học hỏi chuyên môn từ đồng nghiệp. Bên cạnhnâng cao về y thuật, anh còn chú trọng nâng cao y đức, tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt đối xử với BN. Vì vậy, anh cùng đồng nghiệp nỗ lực xây dựng môi trường bệnh viện thân thiện, kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực và gây sách nhiễu, giúp BN an tâm điều trị và giảm đi sự mặc cảm.

Khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng thì không chỉ BS Hận, BS Quí mà còn nhiều y, BS khác xem nhiệm vụ cứu chữa người bệnh là việc làm thiêng liêng không gì có thể so sánh được. Công việc thầm lặng ấy đã tạo nên hình ảnh “thầy thuốc như mẹ hiền”, xứng đáng được tôn vinh, yêu quý và kính trọng./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết