Tiếng Việt | English

17/12/2016 - 07:03

Những sự kiện nổi bật của thế giới trong năm 2016

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, người dân Anh bỏ phiếu để quyết định việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là hai trong số những sự kiện nổi bật của thế giới trong năm 2016.

 

[Infographics] Những sự kiện nổi bật của thế giới trong năm 2016

Chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ, Brexit, nội chiến tại Aleppo của Syria, là những sự kiện thống trị tin tức thế giới 2016,...


Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ - Ảnh: Reuters

“Địa chấn” mang tên Trump

Ngày 8/11, tỉ phú 70 tuổi Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của đảng Cộng hòa, vượt qua đối thủ nặng ký Hillafry Clinton để chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Năm 2016 cũng là năm chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy ở những quốc gia khác, điển hình là ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines hồi tháng 5 nhờ những chính sách dân túy, trong đó có tuyên bố thẳng tay quét sạch tội phạm ma túy.

Xu hướng này đang có những ảnh hưởng nhất định đến các cuộc bầu cử quan trọng trong năm sau ở châu Âu.

Brexit

Ngày 23/6, sau cuộc trưng cầu dân ý, 52% người Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron cũng từ chức và bà Theresa May lên thay. Bà Theresa May hứa rằng sẽ thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành việc rời khỏi EU trước ngày 31/3/2017.

Khủng hoảng di cư ở châu Âu

Từ tháng 2, "tuyến đường Balkan" nối từ Hy Lạp đến Đức - con đường mà hàng trăm ngàn người di cư vẫn đi vào năm ngoái - bị đóng cửa.

Một tháng sau đó, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận ngăn chặn dòng di cư đến châu Âu, đạt được thành công trong việc giảm số người vượt qua Biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Tuy nhiên, dòng di cư tới Ý qua biển Địa Trung Hải vẫn đạt mức kỷ lục, và ít nhất 4.700 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

Ở Pháp, trại tị nạn "Rừng Calais" nổi tiếng gần cảng Calais cuối cùng cũng đóng cửa vào tháng 10, và chính quyền tiến hành di dời khoảng 7.000 người ở đây vào các khu tập trung mới để thực hiện các thủ tục tiếp nhận hoặc trục xuất họ.


Người di cư từ Afghanistan ngồi trên thảm cỏ bên cạnh một hàng rào biên giới tại cửa khẩu Macedonia - Hy Lạp ở Gevgelija, Macedonia ngày 23/2 - Ảnh: REUTERS

Cơn ác mộng Aleppo

Để chiếm lại thành phố Aleppo từ tay quân nổi dậy, quân đội Syria cùng các đồng minh đã liên tiếp tấn công vào các khu vực bị quân nổi dậy chiếm đóng ở phía đông thành phố.

Bên cạnh việc tố cáo “tội ác chiến tranh” và chỉ trích Nga vì ngăn chặn các nỗ lực của Hội đồng Bảo an LHQ để có được một thỏa thuận ngừng bắn, phương Tây còn chứng minh rằng các cuộc tấn công ở đây là “không thể kết thúc được”.

Cuộc nội chiến tại Syria đã khiến hơn 312.000 người chết kể từ tháng 3/2011.

Khủng bố

Trong khi liên tục để mất lãnh thổ ở Iraq, Syria và Libya, lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm, hoặc cũng “truyền cảm hứng”, cho các cuộc tấn công chết người trên thế giới.

Một số nước phương Tây bị tấn công trong năm qua gồm có Pháp với 86 người chết trong vụ đâm xe ở Nice, Mỹ với 49 người chết trong vụ thảm sát hộp đêm ở Orlando, và Bỉ với 32 người chết trong vụ đánh bom ở Brussels.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công được cho là do IS hoặc lực lượng phiến quân người Kurd tiến hành, khiến hàng chục người chết.

Trong khi đó, Tây Phi cũng bị Al-Qaeda tấn công, đặc biệt là ở Burkina Faso và Bờ Biển Ngà.

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ trong hai đêm 15 và 16/7 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thất bại khiến hơn 37.000 người bị bắt và hàng chục ngàn người bị sa thải trong các cuộc thanh trừng sau đó.


Hàng ngàn người ủng hộ chính phủ đổ ra đường trong cuộc đảo chính hồi tháng 7 - Ảnh: CNN​

Sự thay đổi ở Mỹ Latin

Tháng 7 năm nay, Peru bầu cựu Bộ trưởng Kinh tế Pedro Pablo Kuczynski, người theo đường lối cánh hữu làm Tổng thống.

Một tháng sau đó, Brazil cũng đặt dấu chấm hết cho 13 năm lãnh đạo của phe cánh tả bằng việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff với các cáo buộc liên quan vụ tham nhũng khổng lồ Petrobras. Phó Tổng thống Michel Temer đã lên thay thế bà Rousseff.

Ở Venezuela, những người phản đối Tổng thống Nicolas Maduro huy động hơn một triệu người xuống đường biểu tình hồi đầu tháng 9 nhằm gây áp lực đòi ông Maduro phải từ chức.

Lãnh tụ Cuba qua đời

Ngày 25/11, cha đẻ của cuộc cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời ở tuổi 90, tạo nên làn sóng thương tiếc cho người dân trong và ngoài nước.

Khoa học đột phá

Tháng 2 năm nay, các nhà khoa học tuyên bố lần đầu tiên “quan sát được sóng hấp dẫn”, loại sóng được nhà bác học Albert Einstein tiên đoán từ thế kỷ trước.

Năm mất mát của làng nhạc

Năm 2016 cướp đi 3 cây đại thụ của làng nhạc thế giới: David Bowie của Anh, Prince của Mỹ và Leonard Cohen của Canada.

Bên cạnh đó, 2016 cũng là năm khá bất ngờ khi ca sĩ - nhạc sĩ Bob Dylan trở thành nhạc sĩ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương./.

Theo TTXVN và Tuoitre online

Chia sẻ bài viết