Tiếng Việt | English

05/12/2024 - 14:20

Những sáng tạo hữu ích của nhà nông

Xuất phát từ những trăn trở, khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhiều nhà nông có những sáng tạo kỹ thuật hữu ích, góp phần tăng năng suất sản phẩm, tiết kiệm chi phí, công sức. Những sáng tạo ấy còn đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa trong sản xuất, hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững.

Ông Võ Văn Bé (ấp Nhà Việc, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) sáng tạo máy nhổ trụ thanh long, giúp giảm công sức, tiết kiệm chi phí

Sáng tạo kỹ thuật từ trồng thanh long

Ông Võ Văn Bé (ấp Nhà Việc, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) có kinh nghiệm trồng thanh long hơn 25 năm. Ông là một trong những người trồng thanh long đầu tiên của xã. Giai đoạn đầu, mỗi 1.000m2 đất, ông chỉ trồng khoảng 70-80 gốc thanh long. Sau khi nghiên cứu, học tập, ông Bé tăng mật độ trồng, từ đó năng suất và thu nhập tăng theo. Hiện tại, ruộng thanh long của ông Bé có diện tích gần 9.000m2.

Sau vài năm trồng, ông Bé ứng dụng kỹ thuật xông đèn thanh long. Cầu dao điện đặt ngoài ruộng, mỗi khi bật, tắt tốn thời gian và công sức. Những lúc trời mưa, việc này càng nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn điện. Từ khó khăn ấy, ông nghiên cứu tạo ra hệ thống điều khiển từ xa. Mỗi cầu dao điện có hệ thống cảm biến được kết nối với sim điện thoại. Người dùng chỉ cần cầm điện thoại là có thể bật, tắt dù khoảng cách xa hàng trăm kilômét. Hệ thống còn có chế độ hẹn giờ giúp nông dân tiết kiệm điện.

Gần 20 năm trước, người dân chủ yếu dùng điện thoại di động bàn phím số, chưa có nhiều phần mềm như điện thoại cảm ứng ngày nay. Việc ông Bé sáng tạo ra hệ thống điều khiển từ xa đã tạo nên tiếng vang trong và ngoài địa phương. Hiện tại, sáng kiến của ông vẫn hữu ích và được áp dụng rộng rãi, giúp nhiều nông dân trồng thanh long. Ngoài ra, ông còn đổi bóng đèn từ 75W sang 9W giúp tiết kiệm điện nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng trái.

Ông Võ Văn Bé (ấp Nhà Việc, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) ứng dụng công nghệ cao trong trồng thanh long

Theo khuyến cáo của Nhà nước, ông Bé chuyển sang hệ thống tưới thanh long sử dụng béc tưới tự động hơn 3 năm nay. Trước đây, do ruộng xa nguồn nước nên việc tưới thanh long khá vất vả. Ông Bé phải bơm chuyền từ nguồn nước sang ao rồi bơm từ ao lên ruộng, tốn nhiều chi phí. Để giải quyết khó khăn, ông mạnh dạn đầu tư đường ống dài 400m từ nguồn nước đến ruộng, kết hợp với béc tưới tự động, giúp tiết kiệm nhiều công sức, tiền bạc.

Ruộng ông Bé xa đường lớn. Nhận thấy chở hàng bằng xe máy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hiệu suất thấp, ông sáng chế ra xe kéo hàng, mỗi lần vận chuyển có thể được 1 tấn thanh long. Ngoài ra, ông còn sáng tạo hệ thống tời để vận chuyển sọt thanh long từ đất lên xe.

Thanh long được trồng bằng trụ bêtông, có loại trụ dài hơn 2m, chôn sâu xuống đất, mỗi lần nhổ lên cần nhiều người, nhiều sức nhưng không phải lúc nào cũng tìm được công nhổ. Trước khó khăn ấy, năm 2023, ông Bé sáng tạo ra máy nhổ trụ thanh long. Giải pháp này được Hội Nông dân tỉnh chứng nhận cho Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông lần thứ VIII.

Ông Bé tìm hiểu trên mạng xã hội, sau đó mua dụng cụ, thiết bị về nhà chế tạo. Cấu tạo máy gồm 1 máy Honda 110cc, dàn xới máy cày tay, sắt và một số phụ kiện khác. Với chiếc máy này, ông Bé có thể làm việc một mình, năng suất đạt 20 trụ/giờ, tiết kiệm thời gian, công sức gấp nhiều lần so với làm thủ công.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long - Ngô Nguyễn Duy Linh, đây là máy nhổ trụ thanh long đầu tiên ở địa phương, từng bước thay thế sức lao động của con người trong trồng thanh long cũng như các hoạt động nông nghiệp khác.

Bản vẽ máy nhổ trụ thanh long của ông Võ Văn Bé 

Ông Bé chia sẻ: “Tôi nhận thấy sản xuất nông nghiệp hiện nay cần được cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới theo kịp thời đại, làm ra nông sản tốt với chi phí tiết kiệm”. Năm 2024, ông Bé được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông thôn năm 2023.

Nông dân đam mê sáng tạo

Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, từ nhỏ, anh Lê Văn Lừng (SN 1976, ngụ ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) đã có niềm đam mê sáng tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Dù không được học hành bài bản và cũng không có bằng cấp chính quy nhưng với đôi tay khéo léo và óc sáng tạo không ngừng, anh nghiên cứu và cải tiến thành công chiếc máy sạ hàng 3 trong 1 (máy sạ hàng, cụm - trang bằng mặt ruộng - đánh rãnh thoát nước). Sáng chế của anh không chỉ giải quyết những khó khăn trong canh tác mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trước thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, khi lao động ngày càng thiếu hụt và chi phí lao động tăng cao, anh Lừng suy nghĩ và tìm cách giảm bớt nhân công, hạ chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ ý tưởng đó, anh nghiên cứu và cải tiến máy sạ hàng 3 trong 1 có tính ứng dụng cao, giúp giảm sức lao động, nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Lê Văn Lừng (thứ 2, trái qua, ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) nhận giải Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ VIII

Máy hoạt động đơn giản, gọn nhẹ và hiệu quả cao, chẳng hạn như dùng sức kéo của máy cày, đầu máy cấy để kéo thiết bị “máy sạ hàng 3 trong 1”. Máy được thiết kế gồm 1 thùng chứa hạt giống với chiều dài 2,5m, 1 trục xoay gắn với 2 bánh xe để khi máy kéo vận hành làm cho 2 bánh xe chuyển động thì làm hạt giống rơi xuống mặt ruộng, phía dưới trục xoay là thiết bị trang phẳng mặt ruộng, kết hợp thêm thiết bị đánh rãnh thoát nước.

So với sạ theo phương pháp truyền thống sạ lan, sạ dày trong sản xuất, máy sạ 3 trong 1 đã giảm được 40-50% lượng giống sử dụng (sử dụng 70-80kg/ha, so với lượng giống thực tế sử dụng trong sản xuất 120-150kg/ha), giảm được 15-20% lượng phân bón vô cơ, giảm được 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa tăng thêm 0,3-0,5 tấn/ha (5-10%). Mô hình sạ cụm có hiệu quả kinh tế tăng thêm 2-3 triệu đồng/ha. Máy sạ hàng 3 trong 1 cũng hạn chế được tình trạng đổ ngã khi lúa trổ, chín gặp gió, mưa lớn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lạc - Lê Hoàng Khanh cho biết: “Sáng tạo của anh Lừng mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân tiết kiệm chi phí đáng kể, không chỉ giảm công lao động mà còn tạo điều kiện để người dân địa phương học hỏi và ứng dụng vào thực tế”.

Có thể nói “máy sạ hàng 3 trong 1” của anh Lừng góp phần không nhỏ trong quá trình thực hiện bền vững Đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Với sáng kiến này, anh đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần thứ VIII, năm 2023-2024./.

Lê An - Phương Thảo

Chia sẻ bài viết