Học sinh, học viên học nghề sẽ được cộng 1-2 điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT theo quy chế có hiệu lực từ ngày 03/5/2019 - Trong ảnh: Học sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM năm 2019 - Ảnh: Như Hùng
Thông tư về quy tắc ứng xử trong các trường mầm non, trường phổ thông, các cơ sở giáo dục thường xuyên được Bộ GD-ĐT ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 28/5. Đây là lần đầu tiên có một quy định về ứng xử trong cơ sở giáo dục ở cấp bộ.
Không thờ ơ, né tránh, che giấu
Mục đích xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục là để điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong các nhà trường theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Đồng thời, từ đây, ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong nhà trường.
Theo đó, từ cán bộ quản lý, giáo viên đến học sinh đều không được sử dụng mạng xã hội để phát tán tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Riêng với giáo viên, Bộ GD-ĐT quy định các thầy cô không được xúc phạm, trù dập, định kiến, bạo hành, không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Giáo viên không được xúc phạm, áp đặt phụ huynh học sinh. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục không được hách dịch, gây khó khăn cho giáo viên, nhân viên và không được có tư tưởng vụ lợi với phụ huynh học sinh.
Đối với học sinh, Bộ GD-ĐT quy định không được nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm bạn bè, đồng thời không được bịa đặt thông tin về giáo viên, không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
Đề cử rộng rãi ứng viên cho Hội đồng giáo sư nhà nước
Điểm mới này trong tổ chức hội đồng chức danh giáo sư sẽ được áp dụng từ ngày 13-5 theo thông tư ban hành quy chế tổ chức hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp do Bộ GD-ĐT ban hành.
Cụ thể, trước đây việc đề cử ứng viên cho Hội đồng giáo sư nhà nước chủ yếu bị giới hạn từ sự giới thiệu của các hội đồng nhà nước, hội đồng ngành nhiệm kỳ trước hay từ các hội đồng khoa học - đào tạo các trường ĐH. Theo quy định mới, tới đây nguồn đề cử này sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.
Theo đó, chính nhà giáo, nhà khoa học đang giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục ĐH cũng có thể giới thiệu ứng viên trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Hội đồng giáo sư nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước chỉ đạo xây dựng phương án giới thiệu trực tuyến phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể hằng năm.
Học nghề được cộng 1-2 điểm
Bộ GD-ĐT đã đưa quy định mới này vào Quy chế thi THPT quốc gia 2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 03/5.
Quy chế quy định học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do sở GD-ĐT, các trường dạy nghề cấp trong thời gian học THPT thì được cộng từ 1 đến 2 điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT, tùy theo xếp loại của giấy chứng nhận nghề và bằng trung cấp.
Trong đó, trường hợp được cộng 2 điểm được áp dụng nếu thí sinh xếp loại giỏi với giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp.
Ngoài ra, cũng theo quy chế này, từ kỳ thi THPT quốc gia 2019, các thí sinh có điểm thi thay đổi sau khi phúc khảo thì được cấp giấy chứng nhận kết quả thi mới, còn giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo được thu hồi và tiêu hủy./.
Ngọc Hà/tuoitre.vn