Tiếng Việt | English

02/09/2022 - 08:30

Những người lính thông tin, liên lạc năm xưa

Thời chiến, nhiệm vụ của các chiến sĩ thông tin, liên lạc không kém phần nguy hiểm, gian nan như các chiến sĩ cầm súng ra mặt trận, có lúc còn nguy hiểm hơn vì phải đối diện trực tiếp với kẻ địch. Các chiến sĩ ấy không chỉ gan dạ, dũng cảm mà còn mưu trí, khôn khéo mới qua mặt được lớp lớp tình báo, mật vụ của địch.

Nữ giao liên anh hùng

Đến huyện Bến Lức, tỉnh Long An anh hùng trong những ngày đầu tháng 8, chúng tôi dừng chân tại căn nhà ở ấp Phước Tĩnh, xã Long Hiệp. Đó là nhà của bà Phan Thị Lớn (SN 1942) - cựu giao liên trong những năm 1963-1964. Bà Lớn kể, năm 1963, nối gót chồng, bà xin gia nhập vào lực lượng cách mạng tại địa phương. Những năm đầu, bà đảm nhận vai trò giao liên tại xã Thanh Phú. Công việc chủ yếu là chuyển thư, báo tin. Tuy nhiên, bà cũng làm luôn nhiệm vụ mua, vận chuyển đồ, súng, đạn cho bộ đội địa phương. Những năm tháng ấy vô cùng gian khổ nhưng với ý chí căm thù giặc và lòng yêu nước, bà vẫn cố gắng bám trụ và làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ bộ đội, phục vụ cách mạng.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức đến thăm cựu chiến binh Phan Thị Lớn (ấp Phước Tĩnh, xã Long Hiệp)

“Khi vận chuyển thư qua các đồn, bót của địch, tôi thường cùng một đồng chí nam đóng vai vợ chồng và chở theo một em nhỏ để tránh sự nghi ngờ và kiểm soát, nhờ vậy mà công tác vận chuyển thư được thuận lợi” - bà Lớn kể thêm.

Được biết, bà Lớn hoạt động cách mạng từ năm 1963-1975. Lúc đầu, bà tham gia công tác giao liên ở xã Thanh Phú; từ năm 1964-1969, bà làm y tá của Huyện đội Bến Thủ. Đến tháng 01/1969, bà bị bắt giam ở nhà tù Long An và tháng 12/1969 bị đưa ra nhà tù Côn Đảo.

Đến nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng bà Lớn vẫn cố gắng đến dự những buổi họp mặt cựu chiến binh, những cựu binh bị địch bắt tù đày,... Bà Lớn chia sẻ: “Mặc dù đã già yếu, sức khỏe không còn được như xưa nhưng tôi chỉ mong có nhiều cơ hội gặp lại đồng đội, ôn lại kỷ niệm cũ. Nghĩ tới những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc là tôi lại xúc động. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn con đường này”.

Cựu chiến binh Phan Thị Lớn trao đôi áo gối và chiếc quạt tay cho Phòng truyền thống Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức

Trung tá Nguyễn Quốc Khánh - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Bến Lức, cho biết, vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bà Lớn đã trao tặng Phòng truyền thống Ban CHQS huyện Bến Lức đôi áo gối và chiếc quạt tay. Đây là những kỷ vật mà bà tự tay làm lúc bị giam tại nhà tù Côn Đảo, những kỷ vật này là minh chứng cụ thể cho những gian khổ, khó khăn của thế hệ đi trước trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, qua đó, góp phần nhắc nhở, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Sáng mãi gương Bộ đội Cụ Hồ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cựu chiến binh Trần Văn Đờn (SN 1957), hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tân An, kể lại: “Năm 16 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi tham gia vào lực lượng du kích xã, thực hiện nhiệm vụ liên lạc, đưa thư từ xã đội đến bí thư xã và bí thư xã đến bí thư huyện”.

Cựu chiến binh Trần Văn Đờn luôn gương mẫu, đi đầu và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo

Khi ấy, mỗi lần nhận thư, ông Đờn đều giấu vào lai áo và mỗi lần đưa thư, ông lại đến một địa điểm khác và gặp một người khác để giao, điều này giúp tránh sự nghi ngờ, theo dõi của địch. Và hàng trăm lá thư cũng nhờ đó mà được vận chuyển đến nơi cần đến một cách kịp thời, an toàn và tuyệt mật. “Ngoài làm công tác chuyển thư, tôi còn làm nhiệm vụ cắm bảng tử địa xung quanh căn cứ của lực lượng bộ đội ta nhằm hạn chế sự càn quét, bắn phá của địch. Đồng thời, tôi còn mang cơm, lương thực cho bộ đội. Trong một lần mang cơm cho bộ đội, tôi bị địch nghi, chúng bắt và đánh tôi nhưng do chúng nghĩ tôi còn nhỏ và chỉ đang đi bắt cá, bắt cua nên thả tôi về” - ông Đờn kể thêm.

Đến năm 1975, sau ngày giải phóng, ông về công tác tại Đại đội Vệ binh của Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh. Đến năm 1977, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, ông được cử đi bảo vệ Bộ Chỉ huy tiền phương ở huyện Đức Huệ. Đến năm 1982, khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, ông trở về công tác tại Bộ CHQS tỉnh với vai trò là Đại đội trưởng Vệ binh, rồi về công tác tại Ban Dân quân. Năm 2000, ông được phân công về làm Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng  Ban CHQS huyện Tân Hưng. Năm 2003, ông về Trường Quân sự tỉnh giảng dạy kiến thức quốc phòng - an ninh cho đối tượng 3. Đến năm 2007, ông về làm Chỉ huy phó rồi Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP.Tân An và về hưu vào năm 2014.

Sau khi về hưu, ông tham gia công tác và hoạt động xã hội tại địa phương với vai trò là bí thư chi bộ khu phố, tiếp tục giữ vững và nêu cao phẩm chất của người lính Cụ Hồ, khí phách, lập trường của người chiến sĩ năm xưa, phẩm giá của người cựu chiến binh ngày nay. Năm 2017, ông được giới thiệu vào vị trí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tân An, nhiệm kỳ VI (2017-2022) và vào đầu tháng 7 vừa qua, ông tiếp tục tái đắc cử vị trí này nhiệm kỳ VII (2022-2027).

Trong chiến tranh, tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của những người lính Cụ Hồ được xem là kiệt tác chiến lược, mốc son ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. “Thế hệ chúng tôi ngày đó, ai ai cũng mong được góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước, dù có phải hy sinh vẫn không sờn lòng. Thời bình, chúng tôi luôn gương mẫu, đi đầu, vượt mọi khó khăn để vươn lên, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo” - ông Đờn khẳng định.

Chiến tranh đã lùi xa, những chiếc áo màu xanh ngày ấy đã bạc màu, mái tóc của những người chiến sĩ năm xưa cũng đã điểm sương nhưng thời gian không thể làm bà Lớn hay ông Đờn quên đi được ký ức oanh liệt của mình. Ngày nay, các chiến sĩ năm xưa trở về địa phương, tiếp tục cống hiến, góp phần làm sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết