Từ lâu ngô đã được biết đến là một loại rau, loại ngũ cốc nguyên hạt bổ dưỡng. Tuy ngô tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Dưới đây là tác dụng của ngô và những người không nên ăn ngô luộc.
Giá trị dinh dưỡng của ngô và tác dụng của ngô với sức khỏe
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, ngô là loại ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ, carbs, vitamin và các loại khoáng chất. Thông thường, trong 164 gram ngô ngọt vàng (một cốc) sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng sau:
- Calo: 177.
- Chất đạm: 5,4 gram.
- Carbs: 41 gram.
- Chất béo: 2,1 gram.
- Chất xơ: 4,6 gram.
- Magie: 11% DV.
- Vitamin C: 17% DV.
- Folate (vitamin B9): 19% DV.
- Kali: 10% DV.
- Thiamine (vitamin B1): 24% DV.
Với bảng thành phần dinh dưỡng ấn tượng, hầu hết chúng ta có thể nhận được các lợi ích sức khỏe từ việc ăn ngô và bổ sung chúng vào thực đơn ăn uống của mình. Đặc biệt, ngô cũng là loại thực phẩm tự nhiên không chứa gluten, do đó, nó rất phù hợp cho những người mắc bệnh Celiac.
Mặc dù dinh dưỡng cao nhưng cũng cần lưu ý là những sản phẩm chế biến từ ngô có thể không chứa nhiều chất giá trị, chẳng hạn như siro và dầu tinh luyện. Điều này là do quá trình sản xuất đã làm mất đi phần lớn các chất xơ có lợi cùng những chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Dưới đây là những tác dụng của ngô đối với sức khỏe
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS. Tuyết Mai nói về tác dụng khi ăn ngô như sau:
Cải thiện sức khỏe tim: Các chất chống ôxy hóa trong ngô sẽ tăng lên khi được chế biến và giúp duy trì một trái tim khỏe mạnh.
Cải thiện thị lực: Ngô, đặc biệt là ngô ngọt chứa chất lutein giúp tăng cường các dây thần kinh thị giác và cải thiện thị lực.
Nạp đầy năng lượng: Ngô chứa rất nhiều chất tinh bột giúp bổ sung năng lượng cần thiết cho cơ thể và không ảnh hưởng đến cân nặng của bạn.
Ngăn ngừa táo bón: Ngô chứa nhiều chất xơ hỗ trợ hoạt động của ruột nhằm ngăn ngừa các triệu chứng như táo bón.
Các đặc tính chống ung thư: Nhiều nghiên cứu cho thấy các chất dinh dưỡng thực vật rất dồi dào trong ngô có khả năng chống lại các tế bào gây ung thư trong cơ thể người.
Hỗ trợ giảm cân: Ngô sản sinh lượng calo thấp và chứa ít hàm lượng sucrose, do vậy ngô là một loại đồ ăn vặt rất phù hợp cho những người muốn giảm cân.
Hỗ trợ tiêu hóa: Ngô khả năng cải thiện việc sản xuất các vi khuẩn có lợi cho đường ruột và hỗ trợ đường tiêu hóa của bạn.
Không chứa chất gluten: Ngô không chứa chất gluten, vì vậy những người không dung nạp gluten có thể lựa chọn ngô thay thế bánh mì.
Ngô là món ăn yêu thích của nhiều người
Những người không nên ăn ngô
Ngô tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Báo Lao dộng dẫn nguồn tờ Baidu chỉ ra những người không nên ăn ngô như sau:
Người có sức đề kháng kém
Xenlulo trong ngô rất phong phú, sau khi ăn sẽ bị cản trở quá trình hấp thụ và bổ sung protein, dẫn đến lượng chất béo nạp vào cơ thể sẽ giảm đi rất nhiều, vì vậy những người có sức đề kháng kém nên ăn ít ngô, vì nó có khả năng gây hại cho một số cơ quan.
Người lao động chân tay
Những người lao động chân tay thường rất tốn sức, cần nhiều calo và năng lượng để hỗ trợ, trong khi năng lượng và calo trong ngô tương đối ít, vì vậy những người lao động chân tay trong thời gian dài không nên ăn ngô như một loại lương thực chính.
Người già
Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, chức năng tiêu hóa của người già sẽ kém dần đi, vì vậy tốt nhất là không nên ăn ngô, vì chất xơ trong ngô sẽ làm tăng gánh nặng cho đường ruột, dẫn đến khó tiêu hoặc táo bón.
Người đang thiếu canxi, sắt
Lượng chất xơ dồi dào và axit phytic trong ngô có tác động tiêu cực đối với những người bị thiếu sắt, thiếu canxi. Các chất này kết hợp với nhau tạo thành chất kết tủa làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.
Ngoài ra, hàm lượng acid trong dạ dày cũng giảm đi đáng kể khi bạn ăn ngô với số lượng lớn, đó cũng là một trong những yếu tố hạn chế hấp thụ sắt của cơ thể.
Trên đây là những tác dụng của ngô và những người được khuyến cáo không nên ăn ngô. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa ngô nhé.
Thanh Thanh/VTCNews