Tiếng Việt | English

03/07/2017 - 19:50

Những năm tháng không quên

Chiến tranh lùi xa nhưng ký ức về năm tháng đấu tranh gian khổ vẫn hằn sâu trong lòng những người từng tham gia cuộc kháng chiến. Và những ký ức ấy trở thành bài học giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về tinh thần yêu nước.


Ông Nên, bà Thanh kể về những năm tháng hào hùng

Năm tháng hào hùng

Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Nên, thương binh 3/4, ngụ ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa vào những ngày hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Ông Nên kể: “Tham gia kháng chiến, có lần, tôi bị thương, trong khi đó, lương thực cạn kiệt, nhiều đồng đội nhường phần ăn của mình cho tôi. Những tình cảm ấy như tiếp thêm sức mạnh cho tôi rất nhiều. Thời chiến, mỗi đồng đội ra đi, lòng căm thù giặc càng dâng cao và chúng tôi quyết chiến đấu để trả thù cho đồng đội nằm xuống, giành lại nền độc lập nước nhà. Hòa bình lập lại, cuộc sống ngày càng ổn định nhưng tôi vẫn canh cánh nỗi đau, còn nhiều đồng chí, đồng đội mình vẫn chưa tìm được hài cốt”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng (2 người anh là liệt sĩ Nguyễn Văn Hoài và Nguyễn Văn Tưởng, mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Lầu), ông Nên sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1960, phong trào Đồng khởi phát triển rộng khắp cũng là lúc ông Nên tham gia cách mạng khi tròn 20 tuổi. Nhiều lần bị giặc bắt và tra tấn dã man nhưng ông vẫn một mực trung thành với Đảng và cách mạng. Sau khi hòa bình, ông mang trên mình nhiều vết thương và được đưa về miền Bắc điều dưỡng. Năm 1980, ông trở về quê hương và lập gia đình. Tại đây, ông được tin tưởng giao giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Tân Đông, huyện Tân Thạnh (nay là xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa). Với vai trò mới, ông tiếp tục phát động khai khẩn đất hoang, khai thông kênh, rạch, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

Trong gia đình, ông Nên là người chồng luôn biết chia sẻ công việc với vợ. Bà Huỳnh Thị Kim Thanh (vợ ông Nên) tâm sự: “Ngoài giờ làm việc, ông ấy tranh thủ về sớm giúp tôi nấu cơm, chăm sóc các con. Tôi làm gì không đúng, ông ấy nhắc nhở, góp ý. Lấy nhau mấy chục năm, vợ chồng tôi chưa giận nhau quá 3 ngày”.


Đối với bà Huỳnh Thị Bài, ông Cao Văn Vô thì bộ đội chẳng khác nào người thân, máu mủ trong gia đình

“Có chết vẫn nuôi giấu bộ đội”

Mới 14 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng bà Huỳnh Thị Bài (ngụ ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) tham gia giao liên tại xã. Lúc đó, bà dùng sự mưu trí, dũng cảm để qua mặt bọn cướp nước, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Nhiều lần bị giặc bắt, đánh gãy xương sống, gãy tay nhưng bà thà chết chứ không khai. Bà Bài chia sẻ: “Thời chiến, dân thương bộ đội lắm! Không chỉ tôi mà những người dân khác cũng hết lòng bảo vệ bộ đội, vì chúng tôi luôn hiểu, chỉ có hòa bình mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Sau này, bà Bài lập gia đình và sinh được 7 người con, trong đó, 4 người con đều tham gia cách mạng. Ông Cao Văn Vô, một trong những người con của bà Bài, cũng tham gia tiếp tế lương thực khi mới 14 tuổi, chia sẻ: “Gia đình tôi ai cũng tham gia cách mạng, tôi là người con nhỏ nhất trong gia đình. Các anh đều vào căn cứ để hoạt động, tôi luôn nghĩ, mình dù có chết cũng phải làm tròn nhiệm vụ”.

Trong chiến tranh, biết bao người không tiếc máu xương vì nền hòa bình, độc lập dân tộc như bà Bài, ông Vô. Hòa bình lập lại, họ tích cực sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Nhờ cần cù lao động, hiện nay, ông Vô không chỉ có được căn nhà khang trang, sạch đẹp, sở hữu 7ha đất nông nghiệp mà còn nuôi các con ăn học thành tài. Ông còn là người tích cực tham gia công tác xã hội.

Chiến tranh lùi xa nhưng những trang sử hào hùng cùng nhân chứng lịch sử vẫn còn đó. Điều này chính là ngọn lửa thôi thúc thế hệ hôm nay tiếp tục ra sức xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước để xứng đáng với sự hy sinh của ông cha./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết