Bên cạnh thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tiêm vắc-xin biện pháp căn cơ, hữu hiệu nhất để phòng dịch Covid-19, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Sau thời gian chờ đợi, đến nay, cùng với các địa phương khác trên cả nước, các bậc phụ huynh có thể an tâm khi vắc-xin phòng Covid-19 đã được phân bổ, triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – BSCKII Huỳnh Hữu Dũng về những lưu ý khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ.
Trẻ được khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe rất kỹ trước khi tiêm chủng
PV: Hiện nay, có một số thông tin lan truyền rằng trẻ em có sức đề kháng tốt nên sẽ ít nhiễm bệnh, do đó, trẻ không cần phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19, điều này có đúng hay không, thưa bác sĩ?
BSCKII Huỳnh Hữu Dũng: Với thông tin trẻ em có sức đề kháng tốt nên sẽ ít nhiễm bệnh, đặc biệt là Covid-19, điều này hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Ngược lại, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, đang trong quá trình hoàn thiện thì càng phải cẩn trọng hơn với các tác nhân có thể ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, trong môi trường học tập, sinh hoạt tập thể, trẻ chưa có thói quen, ý thức cao trong phòng, chống dịch như người lớn; khi vui chơi, trò chuyện, tiếp xúc cùng bạn bè, đôi khi trẻ cũng quên giữ khoảng cách nên sẽ là “mồi ngon” cho vi-rút xâm nhập.
Khi trẻ mắc bệnh, cũng tương tự như người lớn thì sau một vài ngày, cơ thể đào thải vi-rút thì sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 là chủng vi-rút rất mới, lại biến chủng liên tục nên chúng ta sẽ không thể lường trước những diễn tiến của bệnh. Do đó, khi đến lượt tiêm, hãy đưa trẻ tiêm chủng càng sớm càng tốt để có đủ kháng thể chống chọi với dịch bệnh.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không chỉ là quyền lợi của cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng
PV: Một bộ phận phụ huynh cũng lo lắng với tác dụng phụ của vắc-xin nên còn e dè, chưa mạnh dạn cho trẻ tiêm phòng khi đến lượt. Bác sĩ có những lời khuyên nào để phụ huynh an tâm về tính an toàn của vắc-xin phòng Covid-19?
BSCKII Huỳnh Hữu Dũng: Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ bản thân, giúp tạo hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của vi-rút SARS-CoV-2 và cũng giúp chúng ta không bị diễn tiến nặng nếu mắc bệnh. Tiêm vắc-xin còn giúp bảo vệ những người xung quanh. Người được tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19 không chỉ ít có nguy cơ mắc bệnh mà còn giảm khả năng lây nhiễm cho người khác. Do đó, dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì việc tiêm vắc-xin không chỉ là quyền lợi của cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để tranh thủ nguồn vắc-xin, tạo “lá chắn” an toàn cho người dân trước nguy cơ dịch bệnh. Các loại vắc-xin phòng Covid-19 đang lưu hành hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới chứng minh tính an toàn đối với sức khỏe, đặc biệt, với trẻ em, việc bảo đảm an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu.
Vắc-xin là “vũ khí” quan trọng để tạo miễn dịch cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, sau thời gian “căng mình” chiến đấu với dịch bệnh, giai đoạn đầu, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 khá cao thì đến nay, số lượng bệnh nhân diễn tiến nặng và tử vong đã giảm đi đáng kể, cuộc sống được trở lại trạng thái bình thường mới. Chính vì vậy, các phụ huynh đừng ngần ngại mà hãy sẵn sàng cho con tiêm chủng ngay khi đến lượt.
PV: Bác sĩ có những lưu ý gì trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi?
BSCKII Huỳnh Hữu Dũng: Trước hết, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh cần tạo tâm lý thoải mái, động viên để trẻ an tâm, sẵn sàng cho việc tiêm chủng. Trước khi tiêm, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, không cho trẻ dùng cà phê, trà, nước tăng lực; theo dõi sức khỏe của trẻ, thông báo đến cán bộ y tế khám sàng lọc các triệu chứng, tiền sử dị ứng của trẻ để có chỉ định phù hợp. Đặc biệt, trẻ mắc Covid-19 vừa khỏi bệnh trong vòng 3 tháng cũng được hoãn tiêm, đến khi đủ thời gian quy định sẽ được tiêm phòng trong các đợt tiếp theo.
Sau khi tiêm xong, trẻ sẽ ở lại theo dõi sức khỏe 30 phút tại điểm tiêm. Phụ huynh tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ thêm 24 giờ tại nhà. Không chỉ riêng với vắc-xin phòng Covid-19, đối với tất cả các loại vắc-xin đều có khả năng gây phản ứng với cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết đều không có biểu hiện phản ứng hoặc chỉ phản ứng nhẹ như sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi sau tiêm. Các triệu chứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày.
Trong thời gian theo dõi tại nhà, nếu trẻ có biểu hiện sốt thì phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt thông thường, uống nhiều nước, ăn đủ chất, không hoạt động thể lực nặng. Khi có các biểu hiện như sốt cao trên 39oC, co giật, li bì, bỏ ăn, tím tái, khó thở,… hay bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra xem có liên quan đến vắc-xin không hay trùng hợp một bệnh lý nào khác để được khám, chẩn đoán và có biện pháp xử trí kịp thời./.
Phạm Ngân