Tiếng Việt | English

07/12/2024 - 17:00

Những 'kỹ sư hai lúa'

Xuất phát từ những trăn trở, khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân có những sáng tạo kỹ thuật mang tính ứng dụng cao. Những giải pháp ấy đã thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của nông dân trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả vào sản xuất.

1. Ông Nguyễn Anh Tuấn (ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vốn là giáo viên dạy môn Vật lý. Thời gian rảnh, ông làm nông nghiệp trên phần đất của gia đình. Biết nghề làm bánh tráng từ bà ngoại nên tranh thủ thời gian hè, ông đến huyện Củ Chi (TP.HCM) mua máy tráng bánh rồi học hỏi thêm từ nhiều người để nâng cao tay nghề. Muốn mở rộng quy mô, ông phá mảnh vườn để làm sân phơi bánh tráng.

Tháng đầu tiên lỗ vốn bởi lúc đó vỉ phơi làm bằng trúc, nước tiết ra từ trúc làm bánh tráng bị đắng, phải bỏ, dân trong nghề gọi là “phá vỉ” (nếu vỉ làm bằng cây nứa thì sẽ tránh được tình trạng này). Mỗi lần rửa vỉ phải tốn rất nhiều thời gian và công lao động. Từ thực tế đó, ông Tuấn nghiên cứu chế tạo máy rửa vỉ, chỉ cần 1 công nhân cho vỉ vào, máy tự động làm việc. Máy rửa vỉ giúp ông tiết kiệm nhiều chi phí, người lao động không bị trầy xước so với làm thủ công.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa) sáng tạo kỹ thuật Băng chuyền xếp bánh tráng vào buồng sấy góp phần giảm thất thoát và hư hỏng bánh tráng

Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, ông Tuấn mở rộng quy mô xưởng. Lúc này, lượng củi đốt khá lớn. Miệng lò nhỏ, những cây củi lớn phải chẻ ra. Đối với quy mô nhỏ có thể làm cách này nhưng sản xuất nhiều thì chẻ củi bằng tay tốn rất nhiều công sức và chi phí, có khi không đủ nhân công, gốc củi lớn phải gom lại thành đống, lâu ngày mục nát, gây lãng phí. Thấy vậy, ông Tuấn lại tiếp tục nghiên cứu máy chẻ củi. Máy này sử dụng khá đơn giản và an toàn, công nhân chỉ cần đặt củi vào và gạt cầu dao, máy sẽ tự hoạt động. Người vận hành chỉ lấy củi ra, nếu thanh củi nào còn to thì thao tác lại lần nữa.

Năm 2022, ông Tuấn sáng tạo ra giải pháp Băng chuyền xếp bánh tráng vào buồng sấy. Trước đây, khi vỉ bánh muốn vào buồng sấy phải qua 1 góc chữ L, cần có 1 người đứng xếp vỉ liên tục. Công việc này phải làm trên cao rất vất vả, hơn nữa công nhân phải hết sức tập trung vì máy chạy liên tục, nếu sơ sẩy dễ gây nghẹt chuyền. Thấy vậy, ông Tuấn nghiên cứu lắp thêm 1 băng chuyền dài 2m, cải tiến để tốc độ băng chuyền này đạt vận tốc nhanh hơn, khi vỉ bánh chạy tới sẽ tự động bẻ cua và đi thẳng vào buồng sấy, không cần công nhân đứng xếp nữa. Giải pháp này giúp ông tiết kiệm được 1,8 triệu đồng/ngày, giảm thất thoát và hư hỏng bánh tráng; được Hội Nông dân tỉnh trao giải Khuyến khích cho Sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2024.

Khi kinh tế phát triển, ông Tuấn kinh doanh thêm nhà trọ và có nhiều đóng góp vào an sinh xã hội địa phương. Hiện ông Tuấn là Giám đốc Hợp tác xã Hương Vàm Cỏ, thương hiệu bánh tráng cùng tên được chứng nhận OCOP 3 sao.

2. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vân, huyện Cần Đước - Võ Văn Toàn, ông Đào Đình Thả là đảng viên tiêu biểu của Chi bộ ấp 2. Đồng thời, ông còn là hội viên nông dân năng nổ, tích cực của xã, có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội. Ông có nhiều phát minh, sáng kiến phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp. Ông Thả vốn là thợ cơ khí chuyên nghiệp. Trước đây, ông là Tổ trưởng Tổ Cơ khí 6, Xí nghiệp Xây lắp cơ khí, Công ty Cổ phần Xây lắp cơ khí và Lương thực thực phẩm, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam. Ông từng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2016-2017.

Ông Đào Đình Thả được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen

Năm 2020, nhận thấy quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân ở quê còn khó khăn (trong đó có gia đình ông), chi phí ngày càng tăng, nhân công ngày càng khan hiếm, ông Thả quyết định dừng công việc hiện tại, mang kiến thức, kinh nghiệm, sự sáng tạo trở về phục vụ quê hương. Về quê, ông trồng 1.500m2 lúa, 2.000m2 hoa màu và mở cơ sở sửa máy nông nghiệp. Chẳng bao lâu, ông chế tạo ra máy xới giồng. Nông dân trồng màu, nếu làm thủ công, mỗi người chỉ xới được 500m2 đất/ngày nhưng với diện tích đó, chiếc máy chỉ mất 1,5 giờ là hoàn thành. Ngoài ra, ông còn tạo ra máy cắt chuối cây, máy chặt thuốc Nam,... Ước tính, trong vòng 4 năm, ông Thả chế tạo, cải tiến hơn 10 loại máy. Do là dân chuyên nghiệp nên ông không tốn nhiều thời gian chế tạo, máy có độ bền cao và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế địa phương, giúp quá trình sản xuất nông nghiệp của gia đình và người dân địa phương đạt hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.

Ông Đào Đình Thả (bên trái, ấp 2, xã Phước Vân, huyện Cần Đước) bên một sáng tạo của mình

Mới đây, nhận thấy người chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm (nông dân phải thực hiện nhiều thao tác như chuẩn bị dụng cụ, thái nhỏ, băm nhuyễn cỏ), ông Thả chế tạo máy băm cỏ (được Hội Nông dân tỉnh chứng nhận). Máy được làm bằng sắt vuông 30x30, chuyển động bằng dây curoa, có thể sử dụng động cơ xăng và động cơ điện. Máy vận hành theo cơ chế làm việc tự động và liên hoàn. Nguyên liệu đưa lên băng tải sau đó cho vào buồng cắt nơi có lưỡi dao. Tại đây, lưỡi dao sẽ cắt cỏ thành từng khúc và được băng tải vận chuyển đưa ra ngoài.

Máy có thể xử lý được nhiều loại nguyên liệu như thân cây bắp, lá mía, cỏ, thân chuối,... tạo ra nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm; tiết kiệm được công sức và thời gian cho người chăn nuôi. Máy có thiết kế nhỏ gọn, không lệ thuộc vào nguồn điện và sử dụng vào nhiều công việc khác như bơm nước, tưới hoa màu.

Sáng chế của những "kỹ sư hai lúa" có ý nghĩa thiết thực, giúp ích rất nhiều cho quá trình sản xuất nông nghiệp của nông dân./.

Lão nông đam mê sáng tạo 

Rặt nông dân, chỉ học hết lớp 9, không qua trường lớp cơ khí nào nhưng ông Võ Văn Lượm có nhiều sáng tạo kỹ thuật nông nghiệp, giúp ích cho mình và nhiều người dân trong vùng.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết