Tiếng Việt | English

14/09/2018 - 20:23

Những điều cần biết khi tiêm ngừa vắc-xin

Tiêm ngừa vắc-xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả. Khi đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp cơ thể trẻ tạo miễn dịch, phòng bệnh và phát triển tốt về thể chất cũng như trí não. Tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế không chỉ tăng cường sức đề kháng cho trẻ mà còn ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh hiệu quả. Đây là việc làm cần thiết mà bất cứ phụ huynh nào cũng cần phải biết và thực hiện cho con.

Tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch không chỉ tăng cường sức đề kháng cho trẻ mà còn ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh hiệu quả

Lợi ích của tiêm vắc-xin

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu triển khai tại Long An từ năm 1983. Hàng năm, tỉnh luôn duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ đạt trên 90% và thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng theo Chương trình TCMR Quốc gia. Có thể nói, chương trình TCMR góp phần quan trọng làm giảm bệnh tật cho trẻ em trên cả nước nói chung và Long An nói riêng.

Theo đó, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000. Toàn quốc duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh (UVSS) từ năm 2015 (tỷ lệ mắc UVSS thường xuyên đạt 0,04/100.000 dân và 100% số huyện trên toàn quốc đạt chỉ tiêu loại trừ UVSS của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đề ra). Hiện chương trình TCMR triển khai trên địa bàn tỉnh với 9 loại vắc-xin phòng 9 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, sởi và Rubella.

Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Ngô Văn Hoàng cho biết: “Ngoài những vắc-xin của chương trình TCMR, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ có thể tiêm thêm các vắc-xin nhằm phòng bệnh phế cầu (khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi), phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu (khi trẻ trên 6 tháng), phòng bệnh viêm gan A (khi trẻ trên 12 tháng), phòng bệnh thủy đậu (khi trẻ trên 12 tháng) và phòng bệnh quai bị (khi trẻ trên 12 tháng)”.

Hiểu thêm về vắc-xin “5 trong 1”

Trước những băn khoăn của người dân về 2 loại vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim, bác sĩ Ngô Văn Hoàng thông tin: “Vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim đều là vắc-xin “5 trong 1” phòng được các bệnh: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Hai vắc-xin này có sự khác biệt là vắc-xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào, còn Pentaxim có thành phần ho gà vô bào. Vắc-xin thành phần ho gà toàn tế bào là vắc-xin tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vắc-xin thành phần vô bào là vắc-xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn”.

Điều này giải thích cho lý do tại sao gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc-xin ho gà vô bào. Tuy nhiên, vắc-xin ho gà toàn tế bào có ưu điểm quan trọng bởi kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vắc-xin ho gà vô bào. Ngoài ra, vắc-xin thành phần ho gà toàn tế bào có giá thành thấp hơn nhiều so với loại có thành phần ho gà vô bào. Bởi, vắc-xin Quinvaxem do hãng Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất, đạt tiêu chuẩn của WHO và được khuyến cáo sử dụng nên chương trình TCMR đưa vào sử dụng miễn phí từ năm 2006. Còn Pentaxim được sản xuất tại Pháp và Canada, bởi Công ty Sanofi Pasteur thuộc Tập đoàn Sanofi-Aventis (Pháp) là loại vắc-xin tiêm dịch vụ nên người dân phải chi trả chi phí.

Hiện nhà sản xuất Berna Biotech (Hàn Quốc) ngừng sản xuất vắc-xin Quinvaxem. Bộ Y tế có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc-xin Quinvaxem bằng loại vắc-xin phối hợp “5 trong 1” có tên là ComBe Five tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh do Ấn Độ sản xuất. Vắc-xin ComBe Five đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của WHO và được sử dụng trên 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Bộ Y tế cấp phép lưu hành vắc-xin này tại Việt Nam từ tháng 5/2017.

Việc chuyển đổi sử dụng vắc-xin ComBe Five trên toàn quốc vào tháng 8/2018. Được biết, trước khi triển khai trên toàn quốc, vắc-xin ComBe Five được triển khai tại 4 tỉnh: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum và Đồng Tháp. Kết quả tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vắc-xin như đau, quầng đỏ 5-15%, sốt 34-39%, không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, do thủ tục chưa hoàn tất nên Long An dự kiến triển khai vào tháng 10/2018.

Có thể nói, việc chuyển đổi, thay thế vắc-xin không ảnh hưởng đến việc tiêm chủng cũng như sức khỏe của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể an tâm đưa con em mình đi tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch nhằm phòng tránh bệnh./.

Ngọc Mận-Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết