Tiếng Việt | English

12/11/2019 - 18:16

Những điển hình học tập và làm theo gương Bác

Những câu chuyện xúc động về tình yêu thương, lòng vị tha; những tấm gương tận tụy vì cộng đồng,... Mỗi người, mỗi số phận, ngành nghề, từng việc làm tuy có khác nhau nhưng đều có điểm chung là cùng học Bác từ những điều bình dị trong cuộc sống.

Bà Tư (thứ 6, từ trái qua) nhận bằng khen qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Nhân lên những điều tốt đẹp

Đó là câu chuyện của cán bộ hưu trí “nghìn việc tốt” tuổi đã chạm ngưỡng 80 - bà Võ Thị Hà. Nhiều năm gắn bó với công tác Mặt trận, bà được người dân ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An quý mến và gọi với cái tên gần gũi, thân thương - bà Tư. Bà Tư là đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn miệt mài, tận tụy với công việc mà mình ưa thích. Bà nguyện tiếp tục cống hiến sức mình đến khi nào sức khỏe không còn cho phép nữa thì mới thôi.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, hơn ai hết, bà hiểu những nhọc nhằn ở miền quê và yêu quý mảnh đất mà biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để gìn giữ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bà luôn ray rứt nếu như không làm việc gì đó có lợi cho dân, cho nước. Bà nói: “Tôi luôn ghi nhớ câu thơ của Bác: Gốc có vững, cây mới bền/ Xây lầu hạnh phúc trên nền nhân dân. Trong bất cứ giai đoạn nào, Đảng và Nhà nước cũng phải luôn lấy dân làm gốc và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Do đó, khi cùng với ấp đi tuyên truyền, vận động nhân dân, chúng tôi cần nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải tìm hiểu hoàn cảnh, gia đình của đối tượng mà mình hướng đến, tránh hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Có như vậy, người dân mới tin tưởng mình”.

Hơn 10 năm qua, nhiều vấn đề ở địa phương gặp khó khăn khi vận động người dân nhưng với uy tín cá nhân, đó lại là chuyện dễ dàng đối với bà Tư. Từ năm 2016 đến nay, bà phối hợp vận động nhân dân trong ấp đóng góp hơn 480 triệu đồng, hiến trên 3.000m2 đất để nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng xã nông thôn mới ở địa phương. Nhờ công sức của bà, không chỉ nhiều tuyến đường được nâng cấp mà cảnh quan môi trường làng quê cũng thay đổi. Đó là sự chung tay của người dân khi cùng giữ gìn vệ sinh môi trường từ nhà ra đường, trồng cây tạo bóng mát;…

Bà còn vận động nhà hảo tâm trao tặng hơn 1.000 phần quà, hỗ trợ xây dựng 13 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở,… Bản thân là tổ trưởng tổ hòa giải, từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, bà nhận nhiều đơn hòa giải của công dân. Bà chỉ đạo, hướng dẫn các thành viên trong tổ nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nguyên đơn và bị đơn. Đồng thời, xác minh, tổ chức hòa giải đạt 90%, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xóm, ấp và hàn gắn tình làng, nghĩa xóm.

Một câu chuyện khác kể về ni sư Thích nữ Ngôn Liên - Trụ trì tịnh xá Ngọc Tháp, thị xã Kiến Tường - người dành khoảng 20 năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường để làm việc thiện.

Ni sư Thích nữ Ngôn Liên (người đeo mắt kính) luôn đồng hành trong công tác an sinh xã hội

Ni sư cười hiền: “Từ thuở nhỏ, gia đình và bản thân ni sư cũng gặp nhiều khó khăn nên mình nguyện ước khi có điều kiện sẽ làm việc thiện. Đạo Phật với tinh thần “từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha” nên ngoài chuyện tu hành, chúng tôi còn hướng đến những việc thiện để giúp ích cho đời”.

Với suy nghĩ giản đơn “thương người như thể thương thân”, ni sư không chỉ vận động tăng, ni, phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo” mà còn chấp hành tốt Hiến chương, quy định của giáo hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ni sư không quản ngại vất vả để tìm hiểu hoàn cảnh của những mảnh đời bất hạnh, “đi xin” từng phần quà cho những gia đình cơ nhỡ. 3 năm qua, ni sư cùng phật tử thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, tham gia ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách khó khăn, làm việc công đức, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài, đóng góp xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, tặng quà cho những đối tượng tàn tật, người không nơi nương tựa tại địa bàn thị xã cũng như các huyện lân cận,… với số tiền khoảng 1,3 tỉ đồng.

Từ trái tim yêu thương

“Công việc của trái tim” đôi khi bắt nguồn từ suy nghĩ rất bình dị. Nhóm phụ nữ (PN) tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức luôn tin rằng, “cứ giúp người đi rồi bạn sẽ được đền đáp”. Với thông điệp yêu thương và chia sẻ, gần 2 năm nay, mô hình mang tên gọi rất nhân văn Vòng tay yêu thương của các chị giúp nhiều hoàn cảnh không may có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

“Mỗi tháng một lần, chúng tôi hẹn nhau đến thăm nhà các dì, các chị mắc bệnh hiểm nghèo, neo đơn, con các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,… Có lúc chúng tôi đi luôn buổi trưa, không nghỉ ngơi để buổi chiều các chị còn lo chuyện gia đình. Đi riết thành quen. Lúc đầu mô hình này do tôi khởi xướng chỉ có khoảng 12 thành viên; nay thì mô hình nhận được sự tin cậy của cộng đồng, lan rộng trong địa bàn xã với số thành viên lên đến 120 người. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi ngày càng có nhiều mạnh thường quân tin tưởng, tìm đến để hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh” - chị Nguyễn Thị Cẩm Tú - Chi hội trưởng Chi hội PN ấp 4, xã An Thạnh, thông tin.

Đó là cách làm của các chị tại Hội Liên hiệp PN Việt Nam xã An Thạnh khi học theo Bác từ những điều bình dị trong cuộc sống. Theo Chủ tịch hội - Huỳnh Thị Lệ Thu, ngày đầu thành lập, Vòng tay yêu thương chưa thật sự lan tỏa. Sau này, các chị chịu khó đi vận động, mô hình vì thế được nhiều người biết đến. Mỗi thành viên tham gia mô hình, hàng tháng đóng góp tối thiểu 20.000 đồng. Thành viên nào có khả năng, đóng góp nhiều hơn hoặc có thể ủng hộ bằng nhu yếu phẩm như gạo, nước tương, mì gói,... Từ đầu năm đến nay, qua nguồn vận động, các chị hỗ trợ tiền, quà tặng trị giá hơn 50 triệu đồng cho các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo trong và ngoài địa bàn; hỗ trợ vốn cho PN nghèo phát triển kinh tế gia đình,…

Mắt đỏ hoe, chị Thu nhắc về những cộng sự đắc lực, hỗ trợ hội trong công tác an sinh xã hội, nay họ bỏ chị mà "về với đất". “Ai cũng nói chị em chúng tôi thích lo chuyện người khác. Nhưng tôi nghĩ, mình sinh ra đã may mắn hơn nhiều người nên mong muốn san sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Trước đây, nhóm của chúng tôi có 2 chị rất nhiệt tình, làm việc thiện bằng cả trái tim. Tuần nào họ cũng đi, bất kể sớm hay tối… Cho đến một ngày, 2 chị qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trước lúc đi xa, họ còn dặn dò tôi là phải cố gắng duy trì những công việc này để các chị được yên lòng” - chị Thu chia sẻ.

Chị Huỳnh Thị Lệ Thu hỗ trợ tiền cho hoàn cảnh khó khăn từ mô hình Vòng tay nhân ái

Ngoài mô hình này, xã cũng thực hiện thêm mô hình Chai nhựa yêu thương, Vòng tay nhân ái,… với mong muốn chia sẻ những khó khăn, nhọc nhằn với mảnh đời bất hạnh. Từ những việc làm bình dị mà cao quý, Hội Liên hiệp PN Việt Nam xã An Thạnh được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh qua 3 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là tập thể Hội PN cơ sở duy nhất được khen thưởng trong đợt vừa qua.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho biết, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Việc tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị 05 và các chuyên đề được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, bảo đảm chất lượng và tỷ lệ đảng viên, quần chúng tham gia học tập. Công tác thông tin, tuyên truyền về học tập và làm theo gương Bác được thực hiện thường xuyên. Các đơn vị tập trung lãnh đạo, khắc phục nghiêm túc các tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua kiểm điểm, tự phê bình, phê bình hàng năm, nhất là những nội dung giới thiệu kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời xác định nội dung đột phá, tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo gương Bác. Một số nơi duy trì hiệu quả mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, qua tổng kết các phong trào thi đua, có nhiều điển hình tiên tiến, tôn vinh những tập thể và cá nhân tiêu biểu; tiếp tục khẳng định việc học tập và làm theo gương Bác ngày càng thiết thực, có chiều sâu, mang lại hiệu quả. Từ đó, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng quê hương, đất nước vì mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết