Khi còn chưa kịp mừng vì gặp lại đứa bạn thời “ở truồng tắm mưa” đã hình dung ra được sự cách xa nhau qua ngần ấy năm trong mớ lời bạn nói. Bạn vịn vào be xuồng, càu nhàu với bà cụ “nhanh lên đi, sóng đánh vầy, chìm xuồng ướt đồ bà có đền nổi không?”. Mình ngó mấy khóm lục bình trôi trên sông như mớ lời bạn nói, đành vậy để lòng bớt đi chút đổ vỡ.
Minh họa: Hữu Phương
Bạn trề môi lúc nghe tin thằng Tí về quê lập nghiệp. Bạn cười, ở thành phố sướng gần chết, về cái xứ “khỉ ho cò gáy” làm gì. Mình nghe giọng bạn hồ hởi lắm nên sự đổ vỡ trong mình ào ạt rơi xuống. Ừ thì, bạn đâu phải thằng Tí. Có lần mình hỏi thằng Tí “sao mày về quê?”. Thằng Tí cười, “không đâu bằng quê mình”. Cho nên nó từ bỏ cơ hội làm giảng viên trên thành phố để về giúp đỡ những người nông dân tay lấm chân bùn. Hỏi nó, có giây phút nào hối hận hay không. Nó trả lời tỉnh bơ, ở quê bình yên, có ba má, có bạn bè, vui gần chết! Mình cũng từng xa quê với giấc mơ ngược dòng thành phố. Mình từng bật khóc giữa dòng người xa lạ, mình từng thèm được ngửi mùi rơm rạ đồng chiều, thèm nghe tiếng ếch nhái gọi nhau trong những ngày mưa rả rích.
Xuồng cập bến, bạn nhìn mình cười “chút qua nhà chơi, có chút đồ bên bển đem về, qua ăn cho biết”. Mình gật đầu mà lòng dạ bời bời, sự chờ đợi của mình đâu phải là những thứ “bên bển” mang về. Những ký ức mình định nhắc cho bạn giờ tan thành khói, mà khói thì đâu có lưu lại chút gì. Thằng Tí giận không qua với cái thái độ “sính ngoại”, “nghi kỵ láng giềng” của bạn. Mình buồn tan nát khi hay bạn mang chục hột gà ta của mình cho thằng bé bán vé số. Nghe đâu bạn nói với người ta, dạo này cúm gia cầm mà gà vịt ở quê nguy hiểm lắm. Mình lặng người đi, nghe gió bấc thổi qua ngày tất tưởi. Thằng Tí cười, buồn gì với người như nó. Dẫu biết nghĩ vậy cho bớt buồn nhưng mình vẫn thấy có chút gì rã rời, rát xót.
Bạn rời quê trong một buổi chiều mưa rả rích, mình đứng trông theo dáng bạn mà nhớ cái lần đầu tiên bạn khăn gói lên thành phố. Bạn nắm tay mình khóc mướt, để những lần chia tay nhau bạn chẳng còn lưu giữ được chút gì, nước mắt ngày đó đâu có ở lại bến sông này. Chiếc đò nhỏ đâu có mang theo nỗi lòng của người ở lại. Mình cũng chẳng biết những lần về sau, mình còn nhận ra bạn hay “bên này, bên nọ” lại ném mình ra xa bạn. Hình dung đó đủ làm mình vỡ vụn mà bạn thì đâu có hay. Bạn còn mải mê chạy theo những cái bóng quá lớn mà sông quê thì không níu bạn lại được.
Đành vịn vào câu nói “không phải ai cũng vậy” để đi qua những cơn buồn. Ngẫm ra lại càng thấy đúng khi thằng Tí vừa mới nghiên cứu thành công một giống lúa chịu mặn tốt cho năng suất cao, mấy cái mô hình thâm canh tăng vụ của nó cứ đều đều hái ra tiền. Đi đâu cũng thấy người trong xóm nở nụ cười tươi rói, những ngôi nhà khang trang mọc lên mặc kệ mưa nắng, mấy đứa trẻ trong xóm ngồi kể cho nhau nghe về những giấc mơ. Mình lại thấy đời mình trong mắt trẻ, thấy ước mơ của mình như thêm một lần được vẽ lên. Mai này khi chúng lớn, chúng sẽ tan vào phố mang theo những nỗi lòng của người con Miệt Thứ cần cù. Thằng Tí vẫn nói với mình “làm giàu trên chính mảnh đất quê mình đâu có khó, chỉ khó ở lòng người”. Nó lại bắt đầu cho cuộc hành trình đó với những cây trồng giống má bằng tấm lòng nặng nợ với quê.
Qua cánh đồng xanh rì, mình thấy lòng chộn rộn những niềm thương. Trong bài giảng sáng nay trên lớp, mình kể cho học trò nghe về những miền đất mới, về giọt mồ hôi sáng nay của các bà, các mẹ, về đôi chân trần của những người nông dân với manh áo bốn mùa không kết nút. Trong bài giảng của mình sáng nay, có hương lúa trổ đòng, có lời ru ngọt ngào bên cánh võng, có con sông quê lở bồi vun đắp phù sa cho những cánh đồng. Những đôi mắt trong veo với niềm khát khao con chữ cứ mang mình qua những tháng ngày xuôi ngược, trang giáo án lại thao thức những mầm xanh.
Ba bạn khoe với cả xóm “vài năm nữa lên thành phố sống”. Cái bảng treo bán đất cũng bắt đầu ngấp nghé trong mớ lời của ba bạn. Ngang qua nhà bạn, mình vẫn thấy đâu đó những bước chân quanh quẩn của ngày xưa. Ba bạn nói, khi nào bạn về nước sẽ dọn hẳn lên thành phố, ở trên đó tiện nghi hơn nhiều. Mình thoáng chút bùi ngùi, chẳng biết ai sẽ lẻ loi trong cuộc rời đi này.
Buổi chiều trên bến sông quê, có hai thằng ngồi lại với những cũ càng che lấp. Mình nhìn từng con sóng xô vào bờ mang theo ánh nhìn của người ở lại. Hoàng hôn đổ dài cả mặt sông, chiếc xe đò cuối ngày đưa những người con Miệt Thứ trở về. Trong dòng người vội vã bước xuống, có những dáng người quen lắm với chiếc ba lô chật đầy. Mùi quê có đủ giữ chân người ở lại?
Nguyên Khối