Tiếng Việt | English

03/04/2019 - 05:30

Những bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu

Những năm gần đây, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập được triển khai sâu, rộng đến đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Long An. Thông qua những phong trào ấy, nhiều thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp và vươn lên làm giàu từ những mô hình phát triển kinh tế cũ nhưng được xây dựng theo hướng mới.

Xây dựng trang trại nuôi gà lấy trứng 

Đến thăm trang trại nuôi gà lấy trứng của đoàn viên Nguyễn Thành Chiến (SN 1994, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước), trước mắt chúng tôi là khu vực chuồng nuôi được trang bị kiên cố, hiện đại, các khu nuôi được chia tách khoa học. Được biết, gia đình anh bắt đầu nuôi gà thịt từ năm 2006 với quy mô khoảng 3.000 con nhưng chăn nuôi theo phương thức truyền thống, hiệu quả không cao, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đầu ra sản phẩm không ổn định.

Năm 2013, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh Chiến quyết định theo học trung cấp thú y với mục tiêu phát triển mô hình chăn nuôi gà của gia đình. Sau khi ra trường, anh bắt tay ngay vào thực hiện ước mơ. Với những kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều năm chăn nuôi của gia đình, anh xây dựng chuồng trại theo mô hình chăn nuôi khép kín với số lượng đàn gà ban đầu 10.000 con nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao. 

Anh Nguyễn Minh Chiến với sản phẩm trứng gà mà anh đã và đang đặt nhiều tâm huyết

Năm 2016, sau nhiều lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi gà trong và ngoài tỉnh, anh Chiến mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi gà lấy trứng. Nhờ sự ủng hộ và giúp sức của gia đình, chỉ sau hơn nửa năm, lứa gà đầu tiên cho trứng, kết quả khá tốt, từ đó, anh mạnh dạn mở rộng trang trại và tăng đàn.

Được biết, ban đầu từ 5.000 con gà nuôi lấy trứng, đến nay, trang trại của anh Chiến tăng lên 22.000 con, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 12.000-15.000 quả trứng, thu nhập hàng tháng khoảng 200 triệu đồng. Sắp tới, anh Chiến dự định xây dựng trang trại lạnh để nâng cao năng suất, giảm mùi hôi và bảo đảm cung cấp cho thị trường những sản phẩm trứng gà sạch, an toàn cho sức khỏe.

Nuôi bò vỗ béo mang lại thu nhập cao

Giống như anh Chiến, anh Đặng Hồng Phong (SN 1987, ngụ ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) cũng là một trong những đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu của địa phương. Trò chuyện với anh Phong, điều dễ dàng nhận thấy ở anh đó là thái độ nghiêm túc và trách nhiệm với công việc. 

Anh Đặng Hồng Phong đang vỗ béo cho đàn bò của mình

Anh Phong cho biết, để vỗ béo đàn bò, anh cho bò ăn đúng theo quy trình phối trộn thức ăn hỗn hợp. Với quy trình này, hàng ngày, đàn bò của anh được cung cấp đầy đủ các chủng loại thức ăn cần thiết (thô, tinh,...) và có đầy đủ chất dinh dưỡng (năng lượng, protein, khoáng và vitamin,...). Nhờ áp dụng quy trình này mà anh tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào, sẵn có ở địa phương như rơm rạ và cỏ; đồng thời, kích thích tiêu hóa, giúp bò ăn nhiều và hạn chế được các bệnh về đường ruột. Ngoài ra, để phòng bệnh cho bò, anh luôn tuân thủ khâu tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng theo định kỳ; chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại, phun xịt các loại thuốc khử trùng.

Khi được hỏi cơ duyên nào đưa anh đến quyết định chuyển từ nuôi heo sang nuôi bò vỗ béo, anh Phong chia sẻ: “Sau lần đi Đức Hòa tham quan mô hình nuôi bò vỗ béo của người bạn, tôi nhận thấy đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao mà lại không cần mất nhiều thời gian để chăm sóc. Sau đó, tôi quyết định vừa tìm tòi, học hỏi, vừa nuôi thử nghiệm 10 con bò. Sau gần 1 năm chăm sóc và vỗ béo đàn bò, tôi xuất bán lứa đầu tiên và thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng”.

Trồng cây ăn quả theo hướng xen canh 

Tạm biệt anh Phong, chúng tôi đến ấp 1B, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tìm gặp đoàn viên trẻ Lê Hiếu Đan (SN 1993). Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp anh Đan là giọng nói trầm ấm, dáng người nhỏ nhắn, rất nhiệt tình và hay cười.

Anh cho biết, năm 2015, sau khi xuất ngũ, anh trở về quê nhà và thực hiện ngay kế hoạch làm giàu của mình. Mặc dù gặp không ít khó khăn sau những thất bại liên tiếp với mô hình nuôi dê và trồng khóm nhưng không vì vậy mà anh Đan nản chí hay bỏ cuộc. Mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương vẫn luôn cháy bỏng trong anh, do đó, anh cố gắng, nỗ lực và không ngừng tìm tòi, học hỏi thêm những phương thức kinh doanh mới, những mô hình sản xuất hiệu quả. Năm 2017, anh biết đến mô hình trồng cây ăn quả xen canh theo hướng “lấy ngắn nuôi dài” và quyết định đầu tư thực hiện.

Anh Lê Hiếu Đan với vườn cây ăn quả xen canh

Theo anh Đan, chi phí đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả gần 1 tỉ đồng. Chính vì vậy, anh phải cân nhắc, tính toán rất kỹ để chọn ra những loại cây trồng phù hợp, bảo đảm “lấy ngắn nuôi dài” và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Với tổng diện tích 3ha, anh Đan trồng xen canh 2.000 gốc tắc, 2.000 gốc ổi Nữ hoàng, 1.000 gốc cam. Ngoài ra, anh còn trồng thêm một số loại cây khác như mít Thái Lan, dừa xiêm lùn,... Và chỉ sau hơn 1 năm, những cố gắng của anh đã bắt đầu cho “trái ngọt”, ổi và tắc đạt năng suất khá cao. Anh Đan ước tính, mỗi tháng, anh thu hoạch khoảng 5 tấn ổi và 3 tấn tắc, sau khi trừ chi phí, có lãi gần 70 triệu đồng.

Khi được hỏi, động lực nào thôi thúc anh vượt qua khó khăn, cố gắng vươn lên làm giàu, anh Đan cho biết: “Sau nhiều lần vấp ngã, tôi hiểu được gia đình vẫn luôn ở cạnh hỗ trợ và giúp đỡ. Do đó, tôi lại càng cố gắng tự đứng dậy và tự hứa với lòng phải mạnh mẽ vươn lên để gia đình không phải lo lắng cho mình. Đồng thời, tôi luôn tự trấn an bản thân “mình còn trẻ, cứ tiếp tục cố gắng, nhất định thành công sẽ mỉm cười với mình vào một ngày không xa””. 

Sau những cuộc trò chuyện với anh Chiến, anh Phong và anh Đan, chúng tôi nhận ra, các anh đều có chung những đức tính rất đáng quý như cần cù, chịu khó, tinh thần ham học hỏi, đặc biệt luôn rất nghiêm túc và trách nhiệm với công việc. Các anh là những thanh niên trẻ tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm mà các bạn trẻ cần học tập, noi theo./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết