Tiếng Việt | English

23/09/2017 - 03:00

Những anh hùng chân đất

Họ là những nông dân “chân lấm, tay bùn”, quanh năm bám đất, bám ruộng, ấy vậy mà, trong công cuộc khai hoang, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, họ trở thành những anh hùng. Danh hiệu đó là cả một hành trình dài với những cống hiến, sáng tạo và đóng góp cho xã hội.

Nữ anh hùng khai hoang

Nhắc đến bà Bảy Hồng (Võ Thị Hồng), ngụ ấp Bắc Chan 1, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, có lẽ không còn xa lạ với người dân Đồng Tháp Mười - Long An. Bà Bảy là người phụ nữ đầu tiên của Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đợt đầu tiên vào năm 1986, với thành tích đặc biệt trong công cuộc khai hoang, chinh phục Đồng Tháp Mười, từ khi bà còn rất trẻ.

Bà Võ Thị Hồng (bìa phải) trò chuyện cùng Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thị Vẹn31 năm sau ngày vinh quang ấy, tôi gặp bà trên chính mảnh đất mà bà góp sức khai hoang. Ở tuổi 67, bà vẫn đi về một mình dù thời trẻ, bà có nhiều người theo đuổi. Giữa trưa nắng, bà vẫn còn ở ngoài đồng, làm cỏ, dẫn nước về ruộng.

Bà nói: “Có lẽ, cuộc đời tôi nó vậy! Gắn bó với đồng ruộng mấy chục năm rồi, ngày nào, tôi bị bệnh không ra ruộng được là lại thấy nhớ!”, vừa nói, bà vừa đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má. Lúc nhỏ, bà Bảy từng làm giao liên, bơi xuồng đưa thư từ, tài liệu phục vụ quân giải phóng đánh Mỹ. Đức tính cần cù, chịu khó, gan góc của bà có lẽ hình thành từ đó.

Những năm sau giải phóng miền Nam, thiên tai, lũ lụt, chiến tranh biên giới Tây Nam,... bao khó khăn, vất vả nặng oằn trên đôi vai người dân. Trong khi đó, vùng đất Đồng Tháp Mười lại bị nhiễm phèn, năng suất lúa rất thấp. Chính vì yêu nghề nông, hiểu được nỗi vất vả của nông dân là nguồn động lực lớn để bà Bảy chung tay khai hoang vùng Đồng Tháp Mười.

Với đôi tay nhỏ nhắn, bàn chân lấm phèn, bà khai hoang hơn 36ha đất cỏ dại, lác, sậy,... thực hiện các biện pháp dẫn nước vào ruộng, thau chua, rửa phèn, sục bùn, rải phân để trồng lúa. Về sau, hưởng ứng chủ trương “Nhường cơm sẻ áo”, bà đưa vào tập đoàn gần hết, chỉ giữ lại cho mình khoảng 2ha đất canh tác.

Bà Bảy cũng là người đầu tiên ở Đồng Tháp Mười mạnh dạn áp dụng thành công kỹ thuật trồng lúa từ
1 vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ trên vùng Đồng Tháp Mười nhiễm phèn nặng. Ngày đó, bà là người phụ nữ duy nhất ở vùng này biết lái máy cày để cày đất trồng lúa.

Trong căn nhà cấp bốn cặp bên sông, bà trồng nhiều cây ăn trái và rất nhiều loại rau. Một mình không ăn hết, bà hái tặng hàng xóm và những người khách ghé thăm. Bên trong căn nhà, bà dành riêng một góc nhỏ để lưu giữ những kỷ vật. Trong đó, có rất nhiều bằng khen, Huân chương Lao động, danh hiệu anh hùng,... được bà giữ gìn cẩn thận. “Tôi mong, ngày càng có nhiều anh hùng hơn nữa để góp sức xây dựng quê hương, đất nước” - bà Bảy chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thị Vẹn nói: “Cô Bảy được nhiều người dân địa phương kính trọng. Cô từng tham gia công tác hội, tổ phụ nữ do cô làm tổ trưởng có nhiều phong trào thiết thực, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình. Dù lớn tuổi lại hay đau yếu nhưng cô luôn mẫu mực trong các phong trào ở địa phương”.

“Kỹ sư nông dân”

Tôi có duyên được gặp chú Chín (Anh hùng Lao động Bùi Hữu Nghĩa, ngụ ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vài lần trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật dành cho nông dân. Và tôi để ý, hầu như lần nào, sản phẩm của chú Chín dự thi cũng đều có giải.

Gần cả cuộc đời là nông dân với hàng loạt sáng chế phục vụ nông nghiệp, chú Chín góp phần thực hiện giấc mơ cơ giới hóa đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch.

Chú Chín bộc bạch: “Cái nghiệp cơ khí như thấm vào máu của tôi. Trong rất nhiều sáng chế do mình sáng tạo ra, đâu phải cái nào cũng phát huy hết hiệu quả, công dụng của nó mà phải trải qua quá trình thử nghiệm trên đồng ruộng”. Chính suy nghĩ đó mà cho đến tận bây giờ, dù bước qua tuổi 60, chú Chín vẫn cặm cụi sáng tạo, tìm giải pháp giúp nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.


Chú Bùi Hữu Nghĩa đang nghiên cứu một sáng chế mới

Chú kể, ngày trước, cuộc sống nơi đây khó khăn nên người dân đành rời quê đi lập nghiệp. Từ đó, nhân công ngày một hiếm, nhu cầu về máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng cao hơn. Đó là một trong những lý do thôi thúc chú Chín phát minh những sáng chế.

Từ sau những năm đất nước đổi mới, chú Chín là chủ nhân của nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phải kể đến một số máy: Máy gặt xếp dãy, gặt đập liên hợp, phun thuốc, thu hoạch đay, gieo hạt,... Những sáng kiến này không chỉ được nông dân trong vùng đánh giá cao mà còn phát triển sang những địa phương lân cận.

Ngày đó, nơi chú ở là vùng đất bị nhiễm phèn, quanh năm ngập nước, thu nhập không đáng là bao. Để cho ra một sản phẩm, không chỉ lên ý tưởng, thời gian chuẩn bị mà chú còn phải bơi xuồng xuống tận trung tâm tỉnh, lên TP.HCM để tìm mua những thứ cần thiết. Mỗi chuyến đi của chú mất cả ngày công, có khi kéo dài cả nửa tháng. Có được nguyên liệu, đêm đêm, chú chong đèn, hì hục bên những ốc, vít, máy móc,... Tiền bạc, công sức đầu tư tốn kém nhưng chú vui hơn khi những chiếc máy ra đời không phụ lòng người.

Trong câu chuyện chú kể, chú hài lòng với hầu hết sản phẩm. Đặc biệt, với máy gặt xếp dãy, chú Chín được nông dân cả nước biết đến, có những nông dân ở tận miền Bắc như Bắc Ninh, Ninh Bình, ở tận Cà Mau gửi đơn đặt hàng. Thành công thôi thúc chú sáng chế nhiều loại máy khác: Máy gặt đay, máy gặt đập liên hợp, máy gieo hạt, máy thu hoạch mè,...

Trước đây, chú từng sáng chế máy đánh rãnh vào mùa khô, nay, chú ấp ủ và thử nghiệm loại máy đào xẻ rãnh đường thoát nước cho ruộng. Với địa hình thường bị ngập lũ, với cách làm này, không chỉ giúp nông dân thoát nước ruộng được nhanh hơn mà còn giải phóng sức lao động.

Thành công là vậy nhưng chú Chín chưa bao giờ tự hài lòng với chính mình mà luôn đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo. Bởi chú hiểu, trong tình hình sản xuất hiện nay, chỉ có cơ giới hóa đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Đầu năm, gặp gỡ người anh hùng chân đất 

Cập Nhật 06-02-2017

Vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi về xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An gặp Anh hùng Lao động Bùi Hữu Nghĩa - người “luôn cố gắng làm gì đó để giúp ích cho bà con mình”.

Gần đây nhất, chú cho ra đời chiếc máy liên hợp chăm sóc lúa. Chỉ với 1 máy (3 trong 1), nông dân có thể sử dụng để gieo hạt, bón phân và phun thuốc với công suất 30 phút/ha. Mỗi vụ mùa, thay vì phải mất vài triệu đồng thuê nhân công thì nay, nông dân chỉ mất khoảng 500.000 đồng vẫn có thể hoàn thành cùng khối lượng công việc trên 1ha đất lúa. Chiếc máy được chú ứng dụng thành công trên ruộng lúa của nhà mình và giới thiệu đến nông dân trong tỉnh.

Dù không qua nhiều trường lớp đào tạo nhưng với niềm đam mê sáng tạo cùng với kinh nghiệm thực tế, chú Chín trở thành “kỹ sư nông dân”. Đặc biệt, khi nhắc về chú, nhiều người khâm phục người anh hùng vốn xuất thân là nông dân.

Hiện tại, với sự hỗ trợ đắc lực từ 2 người con trai, xưởng cơ khí của chú Chín ngày càng phát triển. Thành công trong công việc giúp chú có điều kiện tham gia công tác xã hội, hiện chú là bí thư chi bộ ấp. Ngoài ước mơ sáng chế những loại máy mới, chú Chín luôn kỳ vọng nông dân sớm thay đổi tư duy sản xuất. Như chú nói, nông dân thời đại ngày nay cần phải có kiến thức, biết liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, tham gia cánh đồng lớn, cùng làm nên khối lượng sản phẩm mới cạnh tranh được trên thị trường./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết