Tiếng Việt | English

20/12/2024 - 11:15

Nhức nhối vấn nạn vi phạm bản quyền

Tại Hội thảo quốc gia thường niên lần thứ nhất về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức phối hợp tổ chức, các đại biểu nhận định, vi phạm bản quyền đang diễn ra dưới muôn hình vạn trạng và ngày càng có những cách thức tinh vi.

Hội thảo quốc gia thường niên lần thứ nhất về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Vi phạm bản quyền, quyền sao chép diễn ra công khai, hiển nhiên

Theo chuyên gia, qua đánh giá sơ bộ, hiện nay ở Việt Nam, các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn nhận thức rất hạn chế về sở hữu trí tuệ. Tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra khá phổ biến, nhất là trên các trang mạng xã hội, website của các doanh nghiệp,...

Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - Đoàn Hoài Trung cho biết: Nhiều khách sạn hiện nay lên mạng lấy hình in ra, treo trong các phòng mà không hề xin ý kiến cũng như trả tiền nhuận ảnh cho tác giả. Như trường hợp Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo phát hiện một khách sạn lớn ở Hà Nội treo hơn 100 bức ảnh của ông mà không xin phép. Hoặc tác giả Nguyễn Xuân Hãn vô tình vào website muoibaclieu.com.vn và phát hiện trang này sử dụng đến 15 ảnh của anh nhưng không xin phép, không ghi tên tác giả, không dẫn nguồn,... Chẳng những thế, website này cũng đăng lại hình ảnh ruộng muối Bạc Liêu và 1 ảnh trong bài giới thiệu công ty trên sàn giao dịch thương mại điện tử của website thuonghieuvietnoitieng.vn nhưng vẫn không có tên tác giả.

Tương tự, vì thiếu hiểu biết về quyền tác giả, quyền liên quan mà Hoa hậu hoàn vũ Khánh Vân đã phóng tác bức ảnh của tác giả Lưu Trọng Đạt thành tranh cổ động phòng, chống dịch mà chưa xin phép tác giả, đồng thời thông tin chưa chính xác về nhân vật trong bức ảnh.

Việc vi phạm các tác phẩm nhiếp ảnh diễn ra thường xuyên, tuy nhiên, vấn đề xử lý vi phạm lại rất ít được những người có trách nhiệm quan tâm. Khi “chính chủ” lên tiếng thì những tổ chức, cá nhân vi phạm lại cố tình né tránh trách nhiệm.

Thực trạng này đang tạo ra một tiền lệ xấu mà những người bị vi phạm bản quyền lại không biết kêu ai. Một vấn đề nan giải nữa là việc xử lý sau khi phát hiện vi phạm gặp khó khăn. Hiện nay, chưa có một công cụ nào được coi là tiêu chuẩn trong vấn đề truy quét, phát hiện một cách chủ động các hoạt động vi phạm trên không gian mạng liên quan đến hình ảnh hay liên quan đến các lĩnh vực khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Đào Duy Quát - nguyên Phó ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển thì tình trạng xâm phạm bản quyền này cực kỳ phổ biến, trong nhiều lĩnh vực.

Theo chuyên gia, việc vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là quyền sao chép tác phẩm ở Việt Nam hiện nay diễn ra một cách công khai, hiển nhiên, mọi lúc, mọi nơi với tất cả các loại hình tác phẩm, kể cả ở môi trường vật lý cũng như trên môi trường số, từ việc photocopy, download tài liệu trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu đến sao chép, đánh cắp ý tưởng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội,...

Với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm tác quyền còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường mà nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số với lối mòn suy nghĩ rằng sử dụng sản phẩm sao chép, đạo nhái, vi phạm bản quyền là việc… bình thường.

Thực trạng này không những xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu tác phẩm mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với công cuộc phát triển nguồn lực của đất nước. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - Nguyễn Thị Sánh, hiện tượng vi phạm bản quyền thế giới, đặc biệt là sao chép tác phẩm tự do ở nước ta đã thành vấn nạn từ nhiều năm nay. Không chỉ các cơ quan chức năng đau đầu mà các tổ chức thế giới cũng đánh giá Việt Nam là nước có tỷ lệ xâm phạm bản quyền ở tốp cao.

Sách giả, phim lậu,… tràn lan

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, cho biết, trong thị trường sách, các trường hợp vi phạm quyền sao chép vẫn diễn ra với quy mô lớn và phức tạp, rất khó khăn để xử lý triệt để. Thái Hà Books phải cảnh báo độc giả trên các phương tiện truyền thông cách phân biệt sách thật, sách giả. Theo đó, các đầu sách của đơn vị này nhanh chóng bị hàng chục đơn vị phát hành sách giả, sách không bản quyền để trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau.

First New Trí Việt đã phải in tờ hướng dẫn phân biệt sách thật để kẹp trong mỗi cuốn sách. Nhà Xuất bản (NXB) Trẻ cho biết, hiện nay, hơn 300 đầu sách đang bị làm giả, làm lậu. Đây là nhóm 20% số sách bán chạy nhất, đem lại 80% doanh số cho NXB. Trên nền tảng số, việc vi phạm bản quyền sách dưới hình thức sách PDF, sách audio (sách nói) diễn ra phức tạp, cấp số nhân, gây thiệt hại lớn không chỉ đối với các NXB mà còn với các đối tác, đơn vị được NXB cấp quyền.

Đối với phim ảnh, theo số liệu của Phan Law Vietnam, từ tháng 1 đến tháng 5-2024, có 66.433 trường hợp vi phạm quyền đối với phim Việt Nam của K+ trên các nền tảng số, đã xử lý được 46.684 trường hợp.

Đối với chương trình phát sóng bóng đá, từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các chủ thể quyền sở hữu ngăn chặn gần 1.000 website vi phạm. Theo số liệu của Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử), có khoảng 100 trang website vi phạm, một mùa giải 2022-2023 có 1,5 tỉ lượt xem.

Tình trạng sách giả, sách lậu đang phổ biến trên thị trường (Ảnh: Vũ Tuấn)

Theo số liệu của Phan Law Vietnam, riêng mùa giải 2023-2024, K+ đã có hơn 5,8 triệu trường hợp vi phạm trên nền tảng số. Trong đó, website hơn 38.000 trường hợp; app 31 trường hợp; nhiều nhất là Facebook với gần 5,8 triệu trường hợp vi phạm.

Giám đốc Trung tâm Pháp luật và Tác quyền - Lê Thị Minh Hằng cho biết: Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia vi phạm bản quyền lớn nhất trên thế giới. Theo bà Hằng, nạn “xài chùa”, sao chép, đánh cắp tác phẩm, ý tưởng,... diễn ra thường xuyên. Vi phạm sao chép bản quyền diễn ra dưới muôn hình vạn trạng và ngày càng có những cách thức tinh vi. Theo kết quả khảo sát của Dự án tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, có 43% chủ thể sáng tạo từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Thời đại công nghệ phát triển vừa thuận lợi, vừa thách thức trong việc bảo vệ bản quyền. Để bảo vệ bản quyền tác giả cần có phần mềm chuyên dụng hỗ trợ phát hiện việc vi phạm bản quyền; đồng thời, cần có trung tâm bảo vệ bản quyền cho tác giả” - ông Đoàn Hoài Trung  nêu ý kiến và cho biết một trong các giải pháp mà Hội Nhiếp ảnh đã và đang thực hiện đó là phối hợp Trung tâm Pháp luật và Tác quyền để xây dựng chương trình đăng ký bản quyền tác phẩm ảnh cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Theo chuyên gia, bảo vệ bản quyền và quyền sao chép là sức mạnh của nền kinh tế, của nền văn hóa trong nền kinh tế tri thức. Đây cũng chính là nền tảng của sức mạnh con người sáng tạo của một quốc gia, dân tộc.

Các đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý đối với vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả; nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề vi phạm quyền tác giả./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết