Tiếng Việt | English

27/03/2019 - 15:03

Nhộn nhịp mùa thả diều

Khi ngọn gió đầu hè bắt đầu thổi mạnh cũng là lúc nhiều người dân tìm đến các không gian rộng, thoáng giữa lòng TP.Tân An, tỉnh Long An để thư giãn, hóng gió và thả hồn theo những cánh diều đủ màu sắc, kích cỡ. Vì thế, trời chiều TP.Tân An, nhất là những ngày cuối tuần càng trở nên tươi vui, rộn ràng hơn.

Thả diều giúp trẻ em giải tỏa được căng thẳng sau những giờ học tập, đồng thời tránh xa thiết bị công nghệ

Chủ nhân của những chiếc diều đủ mọi lứa tuổi khác nhau, từ các em bé mẫu giáo đến những học sinh trung học, sinh viên, người lớn. Khoảng từ 16 giờ, khi cái nắng không còn gay gắt, nhiều gia đình, nhóm bạn bắt đầu cùng ráp khung diều, cột dây và cầm diều chạy đà. Khoảng từ 17 giờ trở đi, số diều phất phơ trên bầu trời nhiều hơn.

Giữa cuộc sống hiện đại, có phần ồn ào, gấp gáp, nhiều người có thể chọn cho mình các phương tiện giải trí khác nhau nhưng thả diều vẫn được nhiều người yêu thích. Cứ thế, sau giờ học tập căng thẳng, Nguyễn Tấn, ngụ phường 6, TP.Tân An, cùng nhóm bạn thi nhau thả diều, xem diều ai bay cao hơn. Tấn bộc bạch: “Thả diều giúp em có điều kiện giao lưu với các bạn cùng sở thích, tránh xa thiết bị công nghệ, nhất là học cách nhẫn nại khi diều gặp gió”.

Nếu như những năm trước đây, người dân thường tập trung về Công viên TP.Tân An (phường 3), phường 5 để thả diều thì nay, Khu dân cư Đồng Tâm, phường 6, với không gian rộng, thoáng, gió mạnh đã trở thành địa điểm “lý tưởng” để tập trung nhiều người chơi diều. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, hàng trăm người tập trung về khu đất rộng gần chục hécta này để thả diều. Gió càng lộng, diều càng bay cao, bay xa, mọi gánh nặng đời sống thường nhật cũng theo đó bay hết, người chơi diều chỉ còn cảm giác thư thái, thanh bình.

Nhìn bầu trời ngợp những cánh diều được mùa vi vút, mới thấy quý lắm bởi có một không gian như thế này giữa lòng thành phố. Và đây là dịp để những người buôn bán thời vụ kiếm thêm thu nhập. Anh Ngô Trường Xuân, ngụ phường 6, TP.Tân An, cho biết: “Thông thường, buổi sáng, tôi đi làm bốc vác, còn buổi chiều bán diều. Bình quân mỗi buổi chiều, tôi bán gần 20 con diều, mỗi con diều có giá dao động từ 60.000-120.000 đồng, kiếm được trên 200.000 đồng. Nhờ đó, gia đình có tiền trang trải cuộc sống”.

Bên cạnh những con diều đủ màu sắc làm bằng nylon, còn có những con diều giấy hết sức đơn sơ, bình dị. Và những con diều ấy là cả một miền ký ức tuổi thơ. Nguyễn Hoài Phúc, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, cho biết: “Lúc nhỏ, em và anh trai được mẹ hướng dẫn cách làm diều giấy. Mẹ em thường dạy, để có con diều đẹp phải có đuôi dài, diều khỏe phải có thân to, còn muốn diều bay cao phải vót nan tre thật mỏng. Bây giờ, có nhiều loại diều đủ màu sắc, kích cỡ khác nhau nhưng em lại thích tự tay làm, bởi nó nhắc về ký ức tuổi thơ, ở đó có cả một bầu trời yêu thương của các thành viên trong gia đình dành cho nhau”.

Anh Ngô Trường Xuân có thêm thu nhập từ nghề bán diều

Có thể nói, tự tay cắt giấy, vót tre, dán khung làm diều - đây là hình ảnh thân quen và bình dị với các em nhỏ nông thôn một thời. Nhưng giờ tìm lại hình ảnh này giữa lòng thành phố lại càng quý và yêu hơn thú vui thả diều. Hơn hết, không gì thú vị và vui sướng bằng khi ngắm nhìn những con diều do chính tay mình làm đang no gió và bay phấp phới trên nền trời xanh.

Từ bao đời nay, thả diều đã trở thành trò chơi truyền thống được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, thú chơi diều đã in dấu ấn trong ký ức tuổi thơ của hầu hết những người được sinh ra, lớn lên ở các vùng quê với tháng ngày rong ruổi trên những đồng khô, ruộng cạn sau một mùa gặt hái để thả những ước mơ... Nếu như những con diều được nối với gió bằng những sợi dây thì trẻ con nối với bầu trời bằng những cánh diều. Ở cánh diều ấy, không chỉ là thú vui của trẻ nhỏ mà còn là sự sáng tạo về hình dáng và sắc màu, là nghệ thuật làm chủ ngọn gió, đồng thời là nơi cho những ước vọng bay cao...

Minh Thư

Chia sẻ bài viết