Ảnh: Internet
Chiều nay, má gọi điện thoại hỏi thăm vợ chồng tôi và các cháu. Cứ đôi ba ngày, má lại gọi chỉ để biết các con khỏe không, cháu hôm nay đi học ngoan không, công việc có áp lực?... Các cuộc chuyện trò giữa tôi và má chỉ đơn thuần là những câu thăm hỏi như thế nhưng chẳng hiểu sao, cuộc gọi hôm nay, tôi bỗng dưng cảm thấy buồn khi nghe má hỏi: “Chừng nào tụi con về thăm nhà? Đàn gà má nuôi sắp lớn rồi...”. Có lẽ, tôi nhớ má, nhớ quê, nhớ nồi canh gà (miền Trung gọi là gà nấu xáo) nóng hổi, thơm lừng, nghi ngút khói trong mâm cơm gia đình rộn rã tiếng nói cười vui tươi.
Cha với má thường thả nuôi vài con gà trong vườn để chờ con cháu về, làm thịt, nấu nhiều món ngon. Gà cha, má nuôi “chính hiệu” gà thả vườn, chỉ ăn lúa, bắp nên thịt rất vàng và ngon. Má nuôi gà nhiều năm nay, chủ yếu để chế biến thức ăn cho những bữa cơm gia đình. Nhưng bây giờ, các con đã lớn, đứa nào cũng đi làm xa nhà, chỉ mỗi mình cha, má ở quê nên gà nhiều, phải mang ra chợ bán. Đợt rồi, nghe tin các con sắp về, má dành lại vài con.
Ảnh: Internet
Má “khoe” đàn gà làm tôi nhớ, lần đầu về nhà má, nhìn mâm cơm có cá kho, cà pháo và canh gà, tôi cảm thấy lạ. Thấy tôi ngạc nhiên, má giải thích: “Bữa cơm của người miền Trung như vậy con à! Ngoài thịt hoặc cá thì lúc nào cũng có cà pháo, mắm tôm,... Còn canh gà là đặc biệt đãi khách”. Theo lời má, ngày xưa, đời sống người miền Trung rất khó khăn, không được như bây giờ. Cái xứ đồng khô, nắng cháy, hàng năm chịu ảnh hưởng của gió Lào và nhiều trận lũ lụt nên mùa màng thường xuyên thất bát. Nhiều gia đình vì thế phải muối cà, muối dưa cải, trồng rau, nuôi gà trong vườn để ăn quanh năm, ít khi đi chợ. Bây giờ, cuộc sống khá hơn, mùa màng đạt năng suất, bữa cơm gia đình cũng thêm phần sung túc nhưng canh gà vẫn là món không thể thiếu, nhất là những bữa tiệc đãi khách. Dường như, món ăn ấy “thay lời” mến khách của người miền Trung.
Tôi - cô gái miền Nam làm dâu xứ Nghệ nên mỗi lần về quê, má rất quý, rất thương, tự tay vào bếp nấu canh gà “đãi” tôi và cả nhà. Tôi hiểu, đó là tình thương má dành cho tôi, cho đứa con trai nhiều năm xa nhà, thiếu vắng những bữa cơm mẹ nấu nên đôi lúc, cũng nhớ, cũng thèm món canh quê. Thương má, tôi cố gắng ăn nhiều để cả nhà được vui dù trong lòng ái ngại vì chưa quen hương vị món ăn miền Trung. Không chỉ nhà má, mỗi khi hàng xóm mời sang chơi, tôi cũng được “chiêu đãi” món canh này. Sau vài lần thưởng thức, tôi thích canh gà của má, của người miền Trung lúc nào chẳng hay.
Ảnh: Internet
Má trêu tôi: “Mai này trở lại miền Nam công tác, có nhớ canh gà của má thì về quê. Còn không, để má dạy cách nấu cho con, nhìn cầu kỳ chứ chế biến rất đơn giản”. Nghe má nói, cha vội vã xuống bếp, lấy nắm thóc ra vườn rải cho gà ăn để bắt một con mang vào cho má nấu canh, vừa để dạy tôi, vừa chuẩn bị bữa cơm chiều. Má cũng theo cha ra vườn hái nắm lá chanh. Tôi phụ má làm gà, để ý cách chặt thịt thành những miếng vừa ăn. Gà rửa sạch, để ráo, má ướp chút hành tăm (không có hành tăm, thay bằng hành tím), ít muối, bột ngọt, tiêu và một muỗng mắm tôm. Má bắc chảo dầu, phi thêm ít tỏi cho thơm, sau đó cho thịt gà đã ướp ngấm gia vị vào xào. Khi thịt săn lại, má thêm nước xăm xắp, đun sôi đến khi thịt mềm thì tắt bếp. Má nói: “Tùy khẩu vị từng người, lúc gần tắt bếp có thể nêm thêm muối, bột ngọt hoặc đường cho vừa ăn nhưng không nên nêm nước mắm vì sẽ át mùi vị tự nhiên của thịt gà. Quan trọng là phải cho thêm lá chanh sắt sợi chỉ, hành lá,... để canh gà thêm thơm, hấp dẫn. Món này rất dễ dùng, có thể ăn cùng cơm trắng hoặc bún đều rất ngon”.
Những ngày nghỉ phép ngắn ngủi trôi qua, tạm biệt má, tạm biệt quê hương miền Trung nắng gió, tôi trở lại thành phố với bộn bề công việc. Giữa những tất bật đời thường, tôi lại nhớ má, nhớ quê, nhớ nồi canh gà nóng hổi, thơm lừng một góc bếp quê, nhớ vị đậm đà của nước canh, mùi thơm của hành và cả vị ngọt ngào của thịt. Mùi vị đậm đà bát canh gà của má cũng như tình mẹ, tình quê lúc nào cũng đong đầy, da diết.
Ảnh: Internet
Nghe má dặn: “Ráng sắp xếp công việc về thăm quê một chuyến nhen con!”, lòng tôi vừa nôn nao, vừa buồn vì lâu rồi, tôi chưa trở lại thăm quê. Mải miết với công việc, tôi bao lần lỡ hẹn với má, với mảnh đất miền Trung. Phương xa, tôi biết cha, má từng ngày mong ngóng con, cháu trở về nên chỉ biết an ủi: “Con sẽ về để được thưởng thức món canh gà má nấu”.
Tôi sẽ về, về để cảm nhận tình quê dạt dào, sự yêu thương đong đầy của má qua từng món ăn. Và, với nhiều người, món canh gà miền Trung rất xa lạ nhưng với tôi, nó rất quen thuộc, như tình mẹ, tình cha sưởi ấm lòng những đứa con xa xứ./.
Thùy Vy