Tiếng Việt | English

17/09/2021 - 09:13

Nhớ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Trong những ngày này, màu áo blouse trắng tỏa sáng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. “Chống dịch như chống giặc”, màu áo ấy lung linh như những thiên thần trước cửa tử, quyết giành lấy mạng sống cho những người nhiễm Covid-19... Hình ảnh ấy gợi nhớ vị Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từng lăn xả vào chiến trường chống Pháp và chống Mỹ - bác sĩ (BS), anh hùng Phạm Ngọc Thạch.

Từ thanh kiếm lệnh

Năm 1945, Thống đốc Nhật ở Nam kỳ trao cho BS Phạm Ngọc Thạch thanh kiếm lệnh để lôi kéo BS vào bộ máy phát-xít ở Đông Dương của Nhật. Nhưng chàng trai nước Việt yêu Tổ quốc ấy đã dùng thanh kiếm lệnh xây dựng lực lượng Thanh niên Tiền phong, góp lửa cho Cách mạng Tháng Tám bùng lên...

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch gặp lại 2 con trong chiến khu chống Pháp

Đọc Bác sĩ - Anh hùng Phạm Ngọc Thạch qua hồi ức của con gái - Colette Phạm Thị Như Mai trên Tạp chí Hồn Việt (số 26, tháng 8/2009) mà xúc động: Phạm Ngọc Thạch tốt nghiệp BS chuyên khoa phổi và lao, làm việc tại một bệnh viện bệnh phổi ở Pháp. Tại đây, anh đã yêu cô y tá Marie Louise.

Khi đặt vấn đề tiến tới hôn nhân, anh bày tỏ trong thư gởi người yêu: “Anh cần phải cho em biết là đất nước anh luôn luôn trên tất cả. Suốt đời, anh sẽ đấu tranh cho đất nước anh được tự do và độc lập. Nếu em đồng tình, hãy đến với anh, chúng ta sẽ sống bên nhau”. Marie nhận lời. Năm 1936, bất chấp bao hiểm nguy, cản trở, cô đã đáp tàu thủy đến Sài Gòn và làm lễ thành hôn với BS Phạm Ngọc Thạch đang giữ nhiều vai trò quan trọng của cách mạng. Kết quả viên mãn của hôn nhân là hai đứa con: Colette Phạm Thị Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định.

Ngày 2/9/1945, tại Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ - Trần Văn Giàu đọc diễn văn chào mừng ngày Độc lập trước hơn 200.000 người dự. Colette khi ấy lên 7 và Alain lên 5, được mẹ Marie dẫn vào ngày hội non sông... Bỗng đâu tiếng súng nổ vang, cả rừng người vỡ ra hoảng loạn. Trong cuộc hỗn loạn trên, Colette bị lạc, chạy tìm mẹ Marie và em trai Alain tứ tung. Rồi nhờ có người dẫn tới, Colette gặp được cha - BS Phạm Ngọc Thạch đang thảo luận với các sĩ quan cao cấp Nhật. Sau đó, hai cha con đi tìm Marie và Alain trong một trạm y tế. Alain bị thương ở trán, phải khâu cả chục mũi; Marie bị thương nặng ở mặt và gãy mấy cái răng...

Vào bưng kháng chiến

Tảng sáng ngày 23/9/1945, BS Phạm Ngọc Thạch và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cùng ra bưng kháng chiến. Ngay sau đó, bọn lính Pháp đã ập vào nhà để bắt. Marie bình tĩnh nói: “Các ông đến muộn rồi. Chồng tôi đã ra đi”.

Bác Hồ (hàng sau là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bên trái là Colette Phạm Thị Như Mai và bên phải là Alain Phạm Ngọc Định) tại Hà Nội năm 1969 (Ảnh do Phạm Ngọc Định cung cấp, đăng trên Hồn Việt)

Ở Sài Gòn, y tá Marie Louise như một thánh nữ suốt mấy tháng nuôi giấu, chạy chữa lành bệnh cho một chiến sĩ phá nổ kho đạn Pháp, bị bỏng cấp độ 3 toàn thân. Bà vẫn kiên cường trước mọi hoàn cảnh, một lòng thủy chung với người chồng là chiến sĩ, thầy thuốc cách mạng ở chiến khu. Nhiều lần bà dẫn hai con vào chiến khu thăm chồng. Tuy là Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông vẫn có mặt trên các chiến trường chống Pháp, rồi chống Mỹ ác liệt nhất, vừa chỉ đạo mạng lưới y tế chiến trường, vừa trực tiếp chữa trị, chăm sóc thương, bệnh binh,...

Colette còn nhớ, những năm 1960, khi ba mẹ con đã về Pháp sống, những lần ba cô dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang làm việc theo lời mời của Chính phủ Pháp, dù được bố trí ở khách sạn và ăn uống sang nhất, ba cô vẫn “trốn” về nhà sống với vợ con. Ông luôn đòi hỏi vợ con phải sống giản dị, dân dã.

Tháng 7/1968, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch gởi thư cho Colette: “... Con gái của ba hãy dũng cảm và xứng đáng”, ngờ đâu đó là lời trăng trối... Ông đã ngã xuống chiến trường Tây Ninh chỉ sau đó 4 tháng. Trong một thư Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi cho Colette, có đoạn viết: “Ngày nào bác cũng nghĩ tới ba cháu, mà nghĩ tới là bác khóc”. Tháng 12/1968, Hà Nội tổ chức Lễ truy điệu BS, anh hùng Phạm Ngọc Thạch, có Bác Hồ và đủ mặt lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước... Bà Marie Louise không đi được, cử 2 con đi, nhưng bà cũng kịp đan tặng Bác Hồ chiếc khăn quàng bằng len. Sau lễ, Bác Hồ vẫy Colette tới. Bác chỉ chiếc khăn len Bác đang quàng mà nước mắt rưng rưng.../.

Quang Hảo

(Lược ghi Hồi ức của Colette và Saigon Septembre của Trần Tấn Quốc)

Chia sẻ bài viết