Đá đẹp để rồi rời giải trắng tay như tuyển Bỉ có phải là hay cũng thua, dở cũng thua?
Câu này có thể áp dụng được vào trong bóng đá, vì bóng đá như ai đó từng nói, như một sân khấu cuộc đời với khán đài ở khán đài bốn xung quanh, chẳng giấu được gì đâu.
Câu này, nếu áp dụng vào bóng đá, có thể cách ngôn thêm lần nữa là "hay cũng thua, dở cũng thua, biết thì thắng".
Dở thua thì đúng rồi. Vậy còn hay? Đã bao nhiêu lần bạn được biết hoặc chứng khiến những đội bóng tinh tú, hay đến mức nghẹt thở thua đau đớn trên sân bóng? Nhiều, rất nhiều lần.
Đội Hungary năm 1954, đội Hà Lan 1974, đội Brazil 1982 là những điển hình. Danh sách kéo rất dài.
Điển hình của "biết thì thắng" trong bóng đá là người Đức, đã bao nhiêu lần họ thắng nhờ biết mình, biết ta, áp dụng đối sách hợp lý. Năm nay, người Đức mải mê truy cầu cái đẹp vốn không nằm trong mã DNA của họ, thế là họ ngã ngựa.
Cái sự "biết" để thắng trong bóng đá là một hỗn hợp bao gồm một chút tài năng, một chút ranh mãnh, một chút gan lì, thêm cả sự cay cú, được thể hiện rõ nét nhất có lẽ là trong đội bóng Argentina của Diego Maradona ngày nào.
Maradona lì đòn trước những cú đốn người, Maradona ranh mãnh với "bàn tay của Chúa", Maradona tài năng tột vời với pha đi bóng từ giữa sân vượt qua 5 cầu thủ Anh để ghi bàn.
4 năm sau, World Cup 1990, Argentina như võ sĩ giơ hai tay che mặt giống như bịch bông để Brazil tập đấm cả trận đấu. Gần cuối trận, Maradona hút 4 cầu thủ Brazil, chọc khe để Claudio Caniggia thoát xuống ghi bàn.
Cái sự "biết" này phải được tôi rèn qua những biến cố, chẳng có gì khác, người Ý là điển hình. Năm 1982, Ý đến World Cup với một đội hình tổn thương bởi bê bối "Totonero", họ vô địch. Năm 2006, họ đến World Cup sau siêu bão "Calciopoli", họ lại vô địch.
"Biết thì thắng" đã được thể hiện ở khắp World Cup này, những đội cầm bóng nhiều với ý đồ chơi bóng thì không đạt kết quả khả quan, tỉ lệ các bàn thắng ghi từ tình huống bóng chết rất lớn. "Biết thì thắng" thể hiện rõ hơn ở vòng bán kết này.
Eden Hazard nức nở chỉ trích lối chơi phản bóng đá của người Pháp, nói thà thua với đội Bỉ còn hơn là thắng với đội Pháp. Pháp có dàn cầu thủ cộng lại có trị giá lớn nhất thế giới, thế mà họ chấp nhận chơi kiểu "phản bóng đá" để thắng.
Đá bóng để làm gì? Để thắng. Muốn thắng phải làm gì? Phải ghi bàn và giữ sạch lưới. Pháp đã làm chính xác như vậy với bàn thắng không đẹp lắm của Samuel Umtiti, và đã bảo vệ bàn thắng đó bằng mọi cách, kể cả những pha bóng câu giờ lộ liễu của tài năng lớn nhất, có giá trị mua bán nhất của tuyển Pháp Kylian Mbappe.
Người Pháp học từ nỗi đau thua 0-1 trước Bồ Đào Nha ngay giữa Paris của họ trong trận chung kết Euro hai năm trước. Họ học cách "biết để thắng" từ chính đội bóng Bồ Đào Nha đã mang đến nỗi đau cho họ.
Croatia cũng là dạng "biết để thắng". Một đội có tài năng, thừa gan lì, rất ranh mãnh và cũng được tôi luyện qua những biến cố lớn trong thời gian gần đây.
Ở vòng loại World Cup năm ngoái, nếu không thắng Ukraine tại Kiev trận cuối cùng, Croatia sẽ bị loại.
Trước trận này, LĐBĐ Croatia họp và đưa ra quyết định sa thải HLV Ante Cacic để thay bằng ông Zlatko Dalic, một quyết định rất mạo hiểm, vì trong suốt 7 năm trước đó, ông Dalic chỉ làm việc cho các CLB ở Saudi Arabia, một nền bóng đá phát triển thấp so với mặt bằng châu Âu.
Dalic nhanh chóng thay đổi tình thế, Croatia thắng Ukraine 2-0, rồi hạ Hy Lạp ở vòng play-off.
Một tuần trước khi giải đấu ở Nga bắt đầu, một tòa án ở Croatia tuyên án ông Zdravko Mamic, cựu chủ tịch CLB Dinamo Zagreb 6 năm rưỡi tù giam. Ông Mamic là "bố già" ở bóng đá Croatia, nhiều người nói ông này đứng đằng sau các quyết định của chủ tịch LĐBĐ, cựu danh thủ Davor Suker.
Nhiều người tưởng bóng đá Croatia rất nhiều tài năng, có nền tảng đào tạo cầu thủ trẻ rất tốt. Không đúng. Dinamo Zagreb gần như là nguồn cung cấp cầu thủ duy nhất cho bóng đá Croatia, và những năm qua, ông Mamic đã gian lận cả núi tiền từ chuyển nhượng cầu thủ.
Luka Modric, Dejan Lovren và nhiều tuyển thủ Croatia từng nằm trong vòng quay của Mamic và đã phải ra tòa.
Nên dễ hiểu, các cầu thủ Croatia có "sạn trong đầu" nhiều hơn các cầu thủ Anh. Hiệp đầu, người Croatia lép vế hoàn toàn trước lối chơi của đội Anh, họ giở các tiểu xảo khiêu khích, phạm lỗi làm giảm hưng phấn chơi bóng của người Anh.
Lovren có ít nhất ba lần ném về trọng tài Cuneyt Cakir những tràng lăng mạ, mà nếu là trọng tài khác thì anh ta đã bị xử.
Hiệp sau, Ivan Perisic ghi bàn bằng một cú đá kiểu karate, Croatia lấy lại thế trận và trừng phạt đối thủ. Đáng trách cho người Anh, họ trẻ hơn, khỏe hơn, kỹ thuật cũng tốt mà cuối cùng họ như nhường lại sân đấu cho đối thủ, không dám phạm bất kỳ lỗi nào trước vòng cấm, kể cả khi rất cần thiết.
Anh có một đội hình đáng yêu, nhưng cách cư xử của họ trên sân bóng quá tử tế với một giải đấu đầy cạm bẫy.
Họ không có những Paul Scholes, Steven Gerrard sẵn sàng chuồi bóng trong chân đối thủ, không có những thủ lĩnh uy tín như John Terry, David Beckham sẵn sàng gây áp lực với trọng tài.
Nhiều người ca ngợi Croatia kiên cường (hoặc gan lì, nói theo cách khác), nhưng họ có hết gan lì, ranh mãnh, tài năng. Họ hội đủ yếu tố "biết thì thắng" cho một giải đấu đầy cạm bẫy. Và chờ họ trong trận chung kết tới ở Moscow cũng là một đội "biết thì thắng": Pháp!
Thái Hà/tuoitre.vn