Tiếng Việt | English

07/03/2019 - 16:43

Nhìn lại 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Bài 3: Giải pháp nào để phát triển bền vững?

Cách đây 5 năm, sau Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Long An bắt tay vào triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất.

Cần xây dựng thương hiệu nông sản

Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án, những kết quả đã đạt tạo ra sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thay đổi quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Để đạt kết quả cao hơn, ngành nông nghiệp, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ, đúng trọng tâm để tạo ra chuỗi sản xuất hiệu quả chứ không chỉ dừng lại ở những cơ chế hỗ trợ.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, trước thực trạng khó khăn về đầu ra cho nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các ngành, đơn vị liên quan xây dựng, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chủ động rà soát diện tích đất nông nghiệp, giới thiệu địa điểm, thực hiện nhanh chóng các thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đây là điều kiện quan trọng để “hút” các nhà đầu tư. Đồng thời, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường giúp nông dân, đơn vị sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Sở thường xuyên tham gia, hỗ trợ các đơn vị sản xuất của tỉnh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tại các kỳ hội chợ nông nghiệp. Một số hội nghị xúc tiến thương mại do sở tổ chức đã hình thành các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác, tiêu thụ sản phẩm có giá trị.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Group - Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Hiện công ty xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau, củ, quả lớn nhất Việt Nam. Thời gian qua, được tỉnh tạo điều kiện, công ty xây dựng tổ hợp sản xuất và chế biến hoa, quả xuất khẩu với hệ thống nhà xưởng sản xuất, máy móc được đầu tư theo dây chuyền công nghệ của châu Âu, gồm dây chuyền cô đặc với công suất 9.000 tấn/năm và dây chuyền IQF với công suất 2 tấn sản phẩm/giờ tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa. Nhà máy hoạt động sẽ góp phần ổn định thị trường tiêu thụ nông sản của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. “Để đầu ra sản phẩm ổn định, ngành nông nghiệp cùng địa phương cần xây dựng quy hoạch gắn với việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức cho người sản xuất, theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP,... cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản” - ông Hùng nhấn mạnh.

Cần xây dựng thương hiệu

Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh việc hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu, quảng bá và cung ứng sản phẩm rộng rãi trên thị trường cả nước với chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Một số sản phẩm đặc thù được tiêu thụ khá tốt tại các thị trường ngoài nước như thanh long, chanh,... Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Phát (huyện Châu Thành) - Nguyễn Thị Kim Thoa nói: “Để xây dựng thương hiệu cho trái thanh long Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn đầu tư hạ tầng và máy móc xử lý trái cây hơi nhiệt. Với uy tín và kinh nghiệm có được, chúng tôi vinh dự là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu thanh long sang thị trường Úc. Thêm một thị trường mới là thêm một điều đáng mừng, ổn định đầu ra và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Muốn đưa thanh long từ nhà vườn đi nước ngoài thì cần có các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu làm cầu nối, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông dân làm ra”.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) - Bùi Văn Khắp chia sẻ: “Nhờ trái chanh mà những năm qua, đời sống người dân trên địa bàn được cải thiện đáng kể. Chanh của HTX được Công ty Gapfood Hậu Giang bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất khẩu. Đồng thời, công ty đầu tư nguồn vốn và quy trình sản xuất cho 40ha chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu thị trường khó tính khác”.

Nông dân pahỉ thay đổi tư duy sản xuất, quan tâm tìm hiểu và đón đầu thị trường để tránh tình trạng cung vượt cầu

Cũng theo ông Nguyễn Chí Thiện, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, bảo đảm sản xuất nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu của từng vùng; quy hoạch lại ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trước mắt xây dựng cánh đồng một giống để sản xuất mang lại sản phẩm hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh đầu tư vào các địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết “4 nhà” nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, thực hiện tốt các dịch vụ công trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp những thông tin về thị trường, khoa học và công nghệ, các mô hình làm ăn hiệu quả để phổ biến, nhân rộng, giúp nông dân cùng học tập và áp dụng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thay đổi tư duy sản xuất tự cung, tự cấp, quan tâm tìm hiểu và đón đầu thị trường để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiểu một cách đơn giản là xác định sản phẩm chủ lực và triển khai hệ thống các giải pháp từ khoa học, hạ tầng, nhân lực đến đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, cơ chế, chính sách,... để phát triển hiệu quả các sản phẩm chủ lực gắn liền với thị trường, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh đã bộc lộ những hạn chế: Nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn hạn hẹp, trong khi đó chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện tái cơ cấu còn máy móc, hiệu quả chưa cao; còn một vài địa phương chưa thực sự triển khai quyết liệt, việc tổ chức thực hiện chưa có giải pháp đồng bộ. Mặt khác, một bộ phận nông dân do xuất phát điểm thấp nên tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp chưa đồng đều, dẫn đến sản xuất nông, lâm nghiệp ở một số vùng còn hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa cao. Vì vậy, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Tăng cường giới thiệu, quảng bá nông sản nhằm phát triển xuất khẩu

Thời gian tới, ngành phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân về chủ trương, nội dung chương trình cụ thể, bảo đảm người dân trong vùng đề án hiểu rõ về nội dung chương trình để cùng tham gia thực hiện đồng bộ; chú trọng liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, gắn kết với các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là đào tạo chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến nông, lâm, thủy sản; tăng cường khả năng xúc tiến thương mại, xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế nhằm phát triển xuất khẩu”./.

Huỳnh Phong-Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết