Tiếng Việt | English

05/03/2019 - 11:10

Nhìn lại 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp - Bài 1: Đổi thay từ những cánh đồng

Cách đây 5 năm, sau Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Long An bắt tay vào triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất.

Mô hình trồng khóm mang lại hiệu quả cao

Nhờ điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tăng sản phẩm có lợi thế và thị trường như thanh long, chanh, rau màu,... nông dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Nhiều diện tích chuyển đổi

Thời gian qua, các lĩnh vực được tái cơ cấu có sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Đối với lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có trên 23.500ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại và nuôi thủy sản,... mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, định hướng đúng theo quy hoạch của tỉnh và lợi thế từng vùng. Cụ thể, thanh long hiện có 10.127ha, tăng 7.289ha so với năm 2013 (2.838ha), lợi nhuận bình quân từ 200-400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với cây lúa; chanh có 9.056ha, tăng 4.339ha so với năm 2013 (4.717ha), lợi nhuận bình quân từ 75-200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-8 lần so với cây lúa. Bên cạnh đó, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới,...) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có trên 13.549ha rau các loại, tăng 3.502ha so với năm 2013, lợi nhuận bình quân từ 10-20 triệu đồng/1.000m2/năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, tỉnh xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và thực hiện kế hoạch chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình có hiệu quả cao hơn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các cây trồng chuyển đổi như chanh, thanh long, rau màu các loại có diện tích, sản lượng tăng; công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản được chú trọng. Đồng thời, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao đời sống người dân, từ đó góp phần phát triển KT-XH chung của tỉnh.

Mang lại hiệu quả

Từ đề án tái cơ cấu và nhìn cách các địa phương đang triển khai, thời gian qua, chúng ta đang đi đúng định hướng về phát huy lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm khơi thông thị trường, tập trung vào chất lượng và giá trị hơn là số lượng sản phẩm thô; giảm chi phí đầu vào, giao dịch. Và quan trọng nhất là tăng lãi và thu nhập cho nông dân. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, qua 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2018 và định hướng đến năm 2020, nền nông nghiệp ở huyện từng bước thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo hướng thị trường và thu nhập của nông dân. Để đề án mang lại hiệu quả cao, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện những quy hoạch được duyệt; đồng thời, kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp.

Mô hình nuôi cá mang lại hiệu quả cao

Huyện Thạnh Hóa có trên 4.400ha chuyển đổi trồng rau màu, với chủ lực là khoai mỡ, khóm và chanh, trong đó khoai mỡ là cây trồng mang lại lợi nhuận cao, trung bình hàng năm từ 30-40 triệu đồng/ha. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè - Phan Thành Dũng thông tin: “Hiện hợp tác xã có 9 thành viên với tổng diện tích đất canh tác 40ha, chủ yếu trồng khoai mỡ, năng suất đạt từ 20-25 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trung bình từ 50-70 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, hợp tác xã vận động các hộ thành viên trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến sản xuất sạch để giảm chi phí, ổn định đầu ra và tăng lợi nhuận”. Ngoài ra, cây khóm cũng là loại cây trồng đang được quan tâm đầu tư để phát triển với quy mô lớn. Hiện toàn huyện có 379ha khóm, tập trung ở các xã: Tân Tây, Tân Đông, Thạnh An với lợi nhuận trung bình từ 40-50 triệu đồng/ha/năm. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Huỳnh Tấn Khuê cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 320ha khóm, năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha/năm. Đây là cây trồng mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Thời gian tới, UBND xã sẽ kết hợp các ngành, đoàn thể vận động nông dân chuyển đổi sang trồng khóm và xây dựng Tân Tây trở thành vùng chuyên canh cây khóm của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích khóm trên địa bàn xã đạt 600ha”.

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng các loại cây ăn trái. Đặc biệt, mô hình trồng xen canh các loại cây ăn trái có múi như bưởi, cam, quýt,... bước đầu mang lại kết quả, mở ra hướng đi mới cho nông dân. Năm 2015, ông Nguyễn Văn Phi, ngụ xã Khánh Hưng, mua gần 4ha đất, lên bờ bao, liếp, đầu tư hệ thống tưới nước tự động, trồng các loại cây ăn trái như quýt đường, bưởi da xanh và cam xoàn. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông còn tìm đến các mô hình canh tác hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học tập, rút kinh nghiệm. Nhờ đó, sau hơn 3 năm, vườn cây của ông bắt đầu cho trái. Hiện tại, với khoảng 2.500 gốc cam xoàn, quýt đường, bưởi, mỗi đợt thu hoạch khoảng 10 tấn (3 tháng thu hoạch 1 lần), giá bán từ 25.000-30.000 đồng/kg, gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng bưởi mang lại hiệu quả cao

Bên cạnh việc chuyển sang trồng những loại cây ăn trái, nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Hưng còn chuyển sang nuôi cá tra giống. Anh Nguyễn Văn Thiêm, ngụ ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, chuyển đổi từ 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá tra giống. Anh Thiêm cho biết: “Chỉ sau hơn 1 năm mà lợi nhuận nuôi cá tra giống mang lại đã cao hơn gấp 20-30 lần so với trồng lúa. Thời gian tới, tôi tiếp tục chuyển đổi thêm 4ha đất lúa còn lại sang nuôi cá tra giống”. Được biết, chỉ sau khoảng 2 tháng, 1ha mặt nước nuôi cá tra giống cho thu hoạch gần 20 tấn cá, lợi nhuận từ 700-800 triệu đồng.

Có thể nói, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, đời sống người dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao./.

(còn tiếp)

Bài 2: Cơ hội và thách thức

Huỳnh Phong-Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết