Tiếng Việt | English

10/03/2021 - 05:55

Nhiều ông lớn đổ bộ, bất động sản Long An trở nên sôi động

Vị trí liền kề thành phố Hồ Chí Minh, được dành nhiều ngân sách cho đầu tư hạ tầng nhất nhì cả nước, Long An đang trở thành “miếng bánh ngon” hấp dẫn các ông lớn bất động sản có tầm nhìn tìm đến đầu tư.

Động lực thu hút đầu tư

Long An cùng với Bình Dương và Đồng Nai được ví như 3 điểm của "tam giác vàng" phát triển kinh tế vùng ven TP.Hồ Chí Minh, và cũng là điểm nối chiến lược giữa trung tâm kinh tế của cả nước với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm qua, Long An nhanh chóng bứt phá trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Động lực để Long An chuyển mình mạnh mẽ đầu tiên phải kể đến sự đầu tư về hạ tầng. Đây là một trong các địa phương giành nhiều ngân sách để phát triển hạ tầng nhất cả nước.

Về hạ tầng giao thông, khoảng 5 năm trở lại đây, Long An đã có nhiều đột phá. Theo đó, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc kết nối địa phương với các vùng phụ cận nhanh chóng hình thành. Cụ thể như tuyến quốc lộ (QL) 1, QL 50, QLN1 và N2, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, tuyến ĐT 830...đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa phụ vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó góp phần quan trọng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 9,11%/năm.

Long An không ngừng phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư

Không chỉ vậy, từ Long An, người dân có thể giao thương với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ (các tuyến đường cao tốc) và đường thủy (hệ thống sông Mê Kông và sông Vàm Cỏ), trở thành đầu mối vận chuyển và trung tâm kho vận lưu thông hàng hóa giữa miền Tây Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 tới đây, Long An tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông với tổng số vốn hơn 13.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc TP.HCM chuẩn bị khởi công tuyến đường Vành đai 3 cũng giúp giao thông khu Tây Sài Gòn kết nối với các quận nội thành và Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở nên thuận tiện hơn.

Lợi thế rõ nét hơn để thu hút đầu tư đó là đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Long An có gần 12.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động, thu hút đầu tư nước ngoài gần 1.000 dự án và trở thành một trong những địa phương hấp dẫn nhà đầu tư hàng đầu của vùng Tây Nam Bộ.

Một đòn bẩy nữa giúp Long An "nóng lên" đó là sự tập trung của các khu công nghiệp trọng điểm của phía Nam. Toàn tỉnh có gần 30 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với gần 150.000 lao động.

Các khu công nghiệp đang hoạt động thu hút được 1.514 dự án, gồm 731 dự án FDI và 783 dự án DDI. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp là 4.144 triệu USD và 84.385 tỷ đồng.

Sẵn sàng đón đại bàng về làm tổ

Sự phát triển về hạ tầng, kinh tế - xã hội tại Long An đã kéo theo sức cầu lớn về chốn an cư chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm này trên địa bàn còn thiếu vắng, đó chính là động lực để các ông lớn địa ốc đổ về đầu tư. Ngoài ra, lợi thế về giá đất và quỹ đất cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy bất động sản tại đây tiếp tục phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 168 dự án trên địa bàn tỉnh Long An.

Nổi bật nhất phải kể đến thành phố bên sông Waterpoint do Tập đoàn Nam Long đầu tư tại huyện Bến Lức. Là một trong những địa phương phát triển sôi động của tỉnh, tính đến hết năm 2020 huyện Bến Lức có 2.190 chi nhánh và doanh nghiệp trong nước, 114 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Con số này hứa hẹn khả năng lấp đầy tại Waterpoint khi dự án được đầu tư bài bản về tiện ích và cảnh quan.

Waterpoint hiện đang trở thành dự án dẫn dắt thị trường Long An khi chỉ hơn 1 năm triển khai, cuối tháng 11/2020, Tập đoàn Nam Long đã bàn giao những sản phẩm đầu tiên thuộc phân khu Rivera 1 cho cư dân về ở. Từ thành công trong giai đoạn 1, Tập đoàn Nam Long tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng, tiện ích để tiếp tục giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm chất lượng trong giai đoạn 2.

Nhà đầu tư dành sự chú ý cho bất động sản tại Long An

Bên cạnh đó, Long An còn là điểm đến của nhiều chủ đầu tư lớn quy tụ, cụ thể như: Trần Anh Group với một loạt dự án tại TP. Tân An, huyện Đức Hoà. Vingroup cũng đang tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh các dự án tại 2 huyện Đức Hòa và Cần Giuộc.

Công ty TNHH Hoàng Cầu Việt Nam đến từ Đài Loan xúc tiến đầu tư dự án có diện tích 831ha ở huyện Cần Giuộc, bao gồm dự án đô thị - thương mại và tái định cư rộng khoảng 700ha được UBND tỉnh Long An quyết định chủ trương.

Địa ốc Him Lam cũng đầu tư dự án khu kinh tế mở rộng sẽ có quy mô hơn 32.300 ha, nằm trên địa bàn huyện Cần Giuộc và Cần Đước.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư dự án 2.086 ha tại Cần Giuộc. Đồng Tâm Long An triển khai kế hoạch đầu tư dự án nằm trong quần thể Khu đô thị mới TP. Tân An, đây là khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Long An trong tương lai với tuyến đường Quốc lộ 1A đi qua.

Cuộc đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản về Long An khiến giá bất động sản tại đây tăng mạnh. Báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam cuối năm 2020 ghi nhận, một số dự án nhà ở trên địa bàn có tiềm năng tốt, có giá bán dao động từ 21-26 triệu đồng/m2. Các vùng khác tại Long An có giá bình quân đạt 13-15 triệu đồng/m2. Còn giá đất nền trên địa bàn khoảng 6,6 triệu đồng/m2.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Long An nói riêng và khu vực miền Tây nói chung được ví như "vùng đất chín Rồng còn đang ngủ đông" mang nhiều lợi thế được các nhà đầu tư săn đón. Nhất là ở thời điểm hiện tại, khi quỹ đất sạch vẫn còn, giá đất chưa quá cao, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể sớm nắm bắt cơ hội để sở hữu một sản phẩm tiền năng.

Bình An/Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ bài viết