Tiếng Việt | English

15/03/2019 - 08:27

Nhiều mô hình hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Từ những mô hình, cách làm mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội.

"Phiên tòa giả định" - mô hình phố biến, giáo dục pháp luật mới mang lại hiệu quả cao đối với học sinh, sinh viên

Theo Sở Tư pháp tỉnh Long An, năm 2018, công tác PBGDPL tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật cả về hình thức lẫn nội dung. Các nội dung PBGDPL luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành, của từng lĩnh vực, địa phương. Trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu đưa pháp luật vào cuộc sống.

Điển hình như: Công an tỉnh thực hiện rất tốt Đề án Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang, cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021. Thông qua các mô hình: Câu lạc bộ người hoàn lương, Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, chương trình Thắp sáng niềm tin, lực lượng công an tuyên truyền cho các đối tượng đang chấp hành án tại nhà tạm giữ được 54 cuộc với 1.350 lượt bị can, phạm nhân dự. Đối với các phạm nhân đang tạm giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh đều được dự các lớp “Giai đoạn đầu vào”, “Giai đoạn giữa” và “Giai đoạn đầu ra” với 14 nội dung theo khung giáo dục và tổ chức cho phạm nhân học 15 điều nội quy, 20 điều nếp sống văn hóa và 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án vi phạm các quy định, nội quy của nhà tạm giữ, trại tạm giam. Đặc biệt, lực lượng công an còn làm nòng cốt phối hợp chính quyền, các tổ chức Mặt trận, đoàn thể tuyên truyền, PBGDPL về tôn giáo, vận động các tín đồ tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở thờ tự và nơi cư trú; tiếp xúc, vận động người có uy tín trong dân, chức sắc trong tôn giáo đấu tranh, lên án và ngăn chặn các hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo của Đảng với hoạt động trái phép của tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời” và các tổ chức, cá nhân liên quan khác. “Những mô hình: Tín đồ họ đạo Cao đài Chơn lý không vi phạm pháp luật (huyện Mộc Hóa), Xóm đạo bình yên (huyện Bến Lức), Đồng bào Công giáo chấp hành tốt Luật An toàn giao thông (thị xã Kiến Tường), Vùng giáo an toàn (huyện Đức Hòa),... đang trở thành những mô hình điểm, phát huy hiệu quả trong công tác PBGDPL đến với nhân dân có đạo” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung cho biết.

Ngoài ra, các mô hình tuyên truyền, PBGDPL: Điểm sáng pháp luật, Niềm tin trợ giúp tại huyện Cần Đước; Cà phê sách tại huyện Cần Giuộc; Cà phê doanh nhân tại huyện Bến Lức; Khu nhà trọ tự quản của Liên đoàn Lao động tỉnh; Phiên tòa giả định của Tỉnh đoàn; Ngày chính trị văn hóa tinh thần của Bộ đội Biên phòng, Quân sự,... cũng góp phần không nhỏ đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo từ tỉnh đến địa phương vào cuộc sống nhân dân. Thống kê của Sở Tư pháp tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến được 47.571 cuộc với 3 triệu lượt người dự. Đặc biệt, đối với những văn bản pháp luật mới ban hành, UBND tỉnh đổi mới hình thức phổ biến thông qua hội nghị trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí, vừa kịp thời thông tin, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật mới ban hành đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung cho biết: “Những kết quả của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh năm qua góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Người dân ngày càng có nhiều kênh thông tin tìm hiểu pháp luật, học tập pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết