Tiếng Việt | English

11/08/2022 - 09:36

Nhiều kỳ vọng đối với nội các mới của Thủ tướng Nhật Bản Kishida

Thủ tướng Nhật Bản Kishida nhấn mạnh đây sẽ là “nội các thực thi quyết sách” kết hợp giữa các thành viên giàu kinh nghiệm và năng lực, cùng hành động quyết liệt để đưa Nhật Bản vượt qua khó khăn.


Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chụp ảnh cùng các thành viên nội các mới. (Ảnh: AP)

Sau đợt cải tổ sâu rộng vào ngày 10/8, nội các mới của Nhật Bản đã chính thức ra mắt với nhiều gương mặt mới và được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, thúc đẩy quá trình thực thi quyết sách hiệu quả hơn.

Phát biểu tại họp báo sau lễ ra mắt nội các mới tối 10/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh đây sẽ là “nội các thực thi quyết sách” kết hợp giữa các thành viên giàu kinh nghiệm và năng lực, cùng hành động quyết liệt để đưa Nhật Bản vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. 

Trước mắt, nội các mới sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên trọng điểm gồm tăng cường mạnh mẽ năng lực quốc phòng, thúc đẩy các chính sách an ninh kinh tế, đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế, đối phó với dịch bệnh COVID-19 và nỗ lực giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng giải thích rõ quan điểm về vấn đề được dư luận quan tâm là mối quan hệ giữa chính trị gia với Liên đoàn Gia đình vì hòa bình và thống nhất thế giới (hay còn gọi là Giáo hội Thống nhất) - một tổ chức đã thu hút sự chú ý sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Kishida đã yêu cầu quá trình chuẩn bị nhân sự cho nội các mới cần phải rà soát nghiêm ngặt  mối quan hệ cá nhân của từng ứng cử viên với tổ chức tôn giáo này, tránh để công chúng nghi ngờ, ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ.

Thủ tướng Kishida cho rằng mặc dù quyền tự do tôn giáo đã được quy định rõ trong Hiến pháp, nhưng các tổ chức tôn giáo cũng là một bộ phận trong xã hội nên phải tuân thủ luật pháp và các quy định liên quan. Mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh.

Ông cũng chỉ thị tân Bộ trưởng Tư pháp và các bộ trưởng liên quan nỗ lực thảo luận đánh giá về các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức tôn giáo nói chung, bao gồm hành vi bất minh về kinh tế, đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ cho những người bị hại nếu có./.

 Phạm Tuân (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết