Tiếng Việt | English

08/12/2021 - 15:00

Nhiều hệ lụy nếu trẻ không đến trường

Kết quả khảo sát hơn 70% phụ huynh lớp 1 ở TP.HCM không muốn cho con đến trường vào thời điểm này khiến các chuyên gia giáo dục, thầy cô, bác sĩ quan ngại. Nhiều người đặt vấn đề về những hệ lụy khi con trẻ ở nhà quá lâu.

Giáo viên và nhân viên Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM) đang làm vệ sinh và khử khuẩn phòng học chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại - Ảnh: NHƯ HÙNG

Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp làm sao để học sinh đến trường an toàn trong mùa dịch.

Lo ngại về "con người xã hội"

Theo PGS.TS Lê Minh Khôi, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, trẻ con được chơi với trẻ con, cùng chơi với nhau có tác dụng cực kỳ quan trọng. Bởi con người là con người xã hội, bắt buộc phải tương tác với bạn bè đồng trang lứa mới phát triển được. 

Cha mẹ chơi với con cũng tốt, nhưng so ra không thể giúp con trẻ phát triển bằng chính bạn bè của mình. Khi trẻ phát triển, vui chơi sẽ tạo ra xung đột và giải quyết xung đột để phát triển.

"Tôi tuyệt đối phản đối hình thức học tập online thời gian quá dài đối với trẻ nhỏ, trẻ lớp 1. Cha mẹ mong muốn giữ con được an toàn trong nhà nhưng chưa hiểu con người xã hội thì cần phát triển và đi vào xã hội, gặp điều kiện thuận lợi và kể cả những điều kiện không thuận lợi thì mới phát triển" - ông Khôi nói.

Đồng quan điểm, thạc sĩ giáo dục Lương Dũng Nhân - giám đốc đào tạo huấn luyện Hệ thống giáo dục ATY - bày tỏ việc trẻ ở nhà quá lâu ảnh hưởng vừa nhất thời vừa lâu dài đến các em, khiến cơ hội phát triển của con sẽ không trở lại. 

Ông Nhân thông tin rằng trong tổng hợp từ hơn 500 nghiên cứu về tâm lý trẻ em được thực hiện trên khắp thế giới trong giai đoạn đại dịch, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Uberlandia (Brazil) đi tới nhận định trẻ con không được đến trường sẽ thiếu vắng các tương tác xã hội đa dạng, nhất là những tương tác đồng lứa. Sự thiếu vắng này ảnh hưởng đến các phương diện của trẻ.

"Về tâm lý, các nghiên cứu cho thấy việc ở nhà quá lâu làm tăng lo âu, căng thẳng, thậm chí là các dấu hiệu trầm cảm ở cả trẻ rất nhỏ cho tới độ tuổi thanh thiếu niên; có thể thay đổi vĩnh viễn mức nhạy cảm của hệ thần kinh với các dẫn xuất thần kinh và hormone gây căng thẳng trong cơ thể. 

Về thể chất, làm giảm sức đề kháng của các bạn nhỏ, tăng khả năng gặp các vấn đề về tim mạch và cân nặng. Về phát triển trí tuệ, việc thiếu vắng các tương tác xã hội đa dạng còn làm giảm chỉ số trí tuệ IQ, giảm các phản xạ xử lý thông tin từ môi trường" - ông Nhân cảnh báo.

Con không được ra ngoài học tập vui chơi thì khó mà cấm con vào những trang web, chơi game... Đó là chưa kể ngồi ở nhà học online có sẵn đồ ăn ở tủ lạnh, ăn uống thả ga gây ra béo phì, không chạy nhảy, không đổ mồ hôi dẫn đến nhiều tệ hại khác.

PGS.TS Lê Minh Khôi

Học sinh Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) vui mừng khi trở lại trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phụ huynh đồng hành

Con ở nhà không có nghĩa là an toàn vì thực tế con ở nhà nhưng ba mẹ, người thân vẫn đi làm khắp nơi, vậy nên việc lây nhiễm hoàn toàn có thể diễn ra. Vậy làm sao để con đến trường an toàn?

Theo các chuyên gia, học sinh lớp 1 đi học trước trong 2 tuần là để các thầy cô có thể tập trung tối đa để huấn luyện cho các em những thói quen học tập song song với đảm bảo an toàn trong dịch bệnh. Đây là quãng thời gian đẹp nhất để các bạn làm quen với nhà trường và hoạt động học tập trong một ngôi trường không có các học sinh khối khác.

"Phụ huynh nên yên tâm và tin tưởng, phối hợp cùng nhà trường để động viên, rèn luyện cho con, vì những trải nghiệm này không chỉ là học tập, mà còn là cơ hội để con phát triển những tố chất quan trọng trong đời như sự tự tin, sự tuân thủ, khả năng kết nối xã hội, khả năng thích nghi... 

Ngoài ra, bản thân tâm lý phụ huynh phải bình an, không lo lắng thì con cũng bình an, không sợ sệt và phát triển được sự bền bỉ tâm lý - tức là khả năng chống chọi với những nghịch cảnh trong đời" - ông Lương Dũng Nhân tư vấn.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM, nhận định: "Học sinh bậc mầm non, lớp 1 cần trở lại trường vì lứa tuổi này, trong giai đoạn này cần sự hướng dẫn đầu đời bởi thầy cô, cha mẹ không thể làm được điều này. Tôi cho rằng việc không đến trường lâu dài gây hệ lụy cho các em. 

Để ủng hộ đến trường an toàn, cần thời gian truyền thông cho phụ huynh dưới nhiều hình thức, lấy ý kiến tin cậy của chuyên gia về y tế, về ảnh hưởng dịch bệnh ở trẻ em, vắc xin cho trẻ em, quy trình vận hành... để phụ huynh hiểu, yên tâm và đồng hành cùng nhà trường"./.

Mong sớm gặp lại các con

Sắp thi học kỳ 1 nhưng 35 em lớp tôi hiện nay có đến một nửa lựng khựng viết, đọc cũng như các thao tác khác. Số còn lại có thể chưa chính xác vì được bố mẹ hỗ trợ, làm thay.

Nếu kéo dài việc không đến trường thì không những chuyện đọc thông viết thạo bị hạn chế mà tâm lý, những hoạt động phù hợp với độ tuổi này bị "lướt" qua, thiếu tiếp nối cho những hoạt động dạy học khác ở giai đoạn sau. Giáo viên cũng vậy, cũng lo và căng thẳng, mong sớm được gặp các con.

(Một giáo viên nhiều năm dạy lớp 1 của một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP.HCM)

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết