Tiếng Việt | English

25/09/2019 - 10:30

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Qua thời gian thực hiện kết luận số 720-KL/TU về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (BT, GPMB, TĐC) trên địa bàn một số địa phương trọng điểm của tỉnh Long An có những kết quả quan trọng. Các vướng mắc đối với một số dự án (DA) cụ thể bước đầu được tháo gỡ, từ đó tiến độ bồi thường chuyển biến tích cực.

Khảo sát một dự án trên địa bàn huyện Bến Lức

Bồi thường thêm được gần 170ha

Ngày 29/3, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 720-KL/TU về công tác BT, GPMB, TĐC trên địa bàn các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An.

Bên cạnh một số kết quả, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập được thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra. Đó là công tác quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác BT, GPMB, TĐC chưa thường xuyên, liên tục trong hệ thống chính trị và người dân vùng DA. Việc công khai, minh bạch thông tin liên quan đến các công trình, DA đầu tư trên địa bàn thực hiện chưa tốt, từ đó, một bộ phận người dân, kể cả cán bộ, đảng viên chưa hiểu rõ và đồng thuận.

Ban thường vụ cấp ủy một số địa phương chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Công tác kê biên, đo đạc, áp giá, bồi thường, chỉnh lý biến động đất đai còn nhiều sai sót, chậm tiến độ. Khâu thẩm định năng lực khi tiếp nhận nhà đầu tư, công tác hậu kiểm, theo dõi và giám sát của các cơ quan chức năng chưa tốt. Từ đó, dẫn đến nhiều công trình, DA gặp vướng mắc kéo dài; nhiều DA, nhà đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm trễ, kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa thông suốt, chấp hành không tốt chủ trương, chính sách liên quan, còn kì kèo, khiếu nại về giá, không bàn giao mặt bằng, xuất hiện một số đối tượng kích động, gây mất an ninh, trật tự,...

Từ những vấn đề tồn tại được chỉ ra, Kết luận số 720 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, các đơn vị, địa phương, cấp ủy cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót. Từ đó, phải có trách nhiệm, giải pháp thực hiện, chấn chỉnh để công tác BT, GPMB, TĐC tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, rõ nét trong thời gian tới. “Năm 2019 là năm đột phá về BT, GPMB, TĐC”.

Thực hiện Kết luận số 720 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số huyện xây dựng nghị quyết để lãnh đạo thực hiện công tác BT, GPMB, TĐC các DA trên địa bàn. Theo đó, UBND các huyện xây dựng, ban hành các kế hoạch cụ thể, đề ra những giải pháp, mục tiêu để thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực.

Các sở, ngành liên quan tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Công tác củng cố bộ máy làm nhiệm vụ BT, GPMB, TĐC và tăng cường quản lý chặt chẽ DA được quan tâm thực hiện.

Cấp tỉnh lấy ý kiến thực hiện kiện toàn Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng. UBND cấp huyện quan tâm tổ chức kiện toàn Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng trực thuộc theo hướng tăng cường lực lượng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông cho biết: “Sở có văn bản gửi UBND cấp huyện công khai panô, minh bạch DA, các thông tin về chủ đầu tư, sơ đồ, mục tiêu quy mô, tiến độ thực hiện. Qua đó, nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, tạo được sự đồng thuận, thông suốt cho người dân”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thông, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 720-KL/TU, ngày 29/3/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bồi thường thêm được gần 170ha. Huyện Cần Giuộc chi trả bồi thường, hỗ trợ 631 hộ gia đình, cá nhân, với diện tích 70ha, tổng số tiền 540 tỉ đồng. Huyện Bến Lức chi trả, bồi thường, hỗ trợ 579 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng kinh phí hơn 454 tỉ đồng, diện tích thu hồi hơn 64ha; kiểm đếm 7 DA, 258 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích 348,3ha; giải quyết vướng mắc 10 trường hợp của 7 DA với số tiền bồi thường hơn 3,3 tỉ đồng. Với huyện cần Đước, riêng DA Đường tỉnh 830 chi trả thêm 90 hộ với diện tích 2ha; DA Khu công nghiệp và Cầu cảng Phước Đông chi trả thêm 15 hộ với diện tích 2,7ha;...

Tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

6 tháng thực hiện Kết luận 720 đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác BT, GPMB, TĐC đối với sự phát triển KT-XH. Qua đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, nhất là các DA trọng điểm và kéo dài nhiều năm. Bước đầu hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, bộ máy làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được kiện toàn, tăng về số lượng và nâng cao chất lượng. Các vướng mắc đối với một số DA cụ thể bước đầu được tháo gỡ, từ đó, tiến độ bồi thường chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Kết luận 720 còn những tồn tại, hạn chế được chỉ ra. Về tiến độ, do đa số DA trên địa bàn các huyện phát sinh vướng mắc kéo dài qua nhiều năm nên chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian, tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Công tác BT, GPMB, TĐC tuy được Ban Thường vụ huyện ủy quan tâm và có chuyển biến nhưng chưa thật sự đồng bộ, chưa quyết liệt trong thực hiện những việc liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất. Trình tự, tổ chức thực hiện thu hồi đất chưa thống nhất, chưa chặt chẽ ở một số địa phương (nhất là các DA kéo dài qua nhiều năm). Tình trạng người ngoài địa phương đến đầu cơ đất, nhận chuyển nhượng đất lúa không đúng quy định gây sốt đất, tăng giá đất ảo, ảnh hưởng lớn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là việc chỉ đạo trong công tác giải phóng mặt bằng còn dàn trải; vai trò quản lý, điều hành của địa phương chưa thật sự sâu sát, quyết liệt, chưa kịp thời phối hợp các sở, ngành, tỉnh để giải quyết các tồn đọng phát sinh. Nhiều DA triển khai chậm, trễ hạn, gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng huyện chưa thật sự quyết liệt, kiên quyết xử lý.

Sau Kết luận 720, đến nay đã bồi thường thêm được gần 170ha

Vì vậy, thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần Kết luận 720 đến các sở, ngành, đồng thời kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quán triệt Kết luận 720 đến các tổ chức cơ sở Đảng nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện cùng sở, ngành tỉnh tăng cường công tác quản lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm;...

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về BT, GPMT, TĐC. Đồng thời, rà soát, phân loại các trường hợp còn lại chưa đồng ý nhận bồi thường ở các DA để có phương án tập trung vận động hỗ trợ, xử lý cụ thể đối với từng trường hợp, trong đó tập trung các công trình, DA trọng điểm.

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác BT, GPMB, TĐC, huyện tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Xác định kê biên, bồi thường, giải phóng mặt bằng là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. “Đặc biệt, phải làm tốt công tác đối thoại với người khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân để xử lý đúng quy định. Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường cùng tham gia trực tiếp đối thoại với người dân để giải quyết những vướng mắc” - ông Trần Văn Tươi thông tin./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết