Tiếng Việt | English

02/06/2023 - 08:00

Góc sức khoẻ thai kỳ với Bệnh viện TWG Long An

Nhiễm GBS ở phụ nữ mang thai: Nhiều nguy cơ đối với trẻ sơ sinh

Phó Giám đốc Trung tâm Sản-Phụ khoa, Bệnh viện TWG Long An - BS.CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà

Trong quá trình mang thai, sinh nở, ai cũng mong muốn đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh, an toàn. Tuy nhiên, có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, trong đó, nhiều trường hợp thai phụ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B Streptococcus (GBS) đã truyền cho em bé trong quá trình sinh con và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Trung tâm Sản- Phụ khoa, Bệnh viện TWG Long An - Bác sĩ (BS) CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà những thông tin về nguy cơ ảnh hưởng đối với trẻ khi mẹ nhiễm GBS cùng những khuyến cáo hữu ích về vấn đề này.

PV: Thưa BS, liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là gì và những nguy cơ khi nhiễm GBS ở phụ nữ mang thai ra sao?

BS Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là một trong những loại vi khuẩn thường trú ở cơ thể người, được tìm thấy ở âm đạo hoặc trực tràng (20-40%). GBS không lây truyền qua đường tình dục.

Nguy cơ khi nhiễm GBS: Phần lớn GBS thường vô hại, có thể tái nhiễm, tự khỏi mà không cần điều trị nhưng đối với thai phụ thì GBS có thể gây ra ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Nhiễm GBS khi mang thai làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu cho mẹ, dễ gây vỡ ối sớm, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ, thai chết lưu, sinh non,… Một đứa trẻ có mẹ bị nhiễm GBS sẽ tiếp xúc với GBS trong quá trình chuyển dạ, phần lớn trẻ không nhiễm bệnh nhưng vẫn có một tỉ lệ nhỏ nhiễm GBS dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh rất nặng, thậm chí tử vong.

PV: Dấu hiệu và những biểu hiện khi thai phụ nhiễm GBS ra sao, thưa BS?

BS Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Để xác định nhiễm GBS sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm GBS trước sinh dương tính; vỡ ối non trước 37 tuần; tiền căn nhiễm GBS trong lần mang thai trước; thai phụ có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sốt trong quá trình chuyển dạ hoặc vỡ ối lâu trên 24 giờ trước sinh.

Bệnh viện TWG Long An xét nghiệm GBS trước sinh cho thai phụ. Ảnh tư liệu

Hầu hết phụ nữ mang thai nhiễm GBS không có biểu hiện những triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Do đó, muốn biết có nhiễm GBS hay không thì thai phụ cần làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Bởi vì khi mẹ nhiễm bệnh sẽ dễ dẫn đến những nguy cơ nặng nề đối với trẻ, do đó, việc xét nghiệm GBS trước sinh tại cơ sở y tế uy tín là rất cần thiết.

PV: Thai phụ có những phương pháp nào để phát hiện nhiễm GBS cũng như cách phòng tránh, giảm nguy cơ lây nhiễm đối với trẻ?

BS Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Thời điểm 35-37 tuần, thai phụ sẽ được chỉ định xét nghiệm đối với đơn thai; 32-34 tuần đối với đa thai hoặc khi có dấu hiệu sinh non, vỡ ối non. Sau khi có sự đồng ý từ thai phụ, mẫu xét nghiệm được lấy từ âm đạo và trực tràng. Tại Bệnh viện TWG Long An, kết quả sẽ có sau 1 tuần. Trường hợp sinh non, vỡ ối non thì sẽ có kết quả sớm hơn.

Thời điểm 35-37 tuần, thai phụ sẽ được chỉ định xét nghiệm đối với đơn thai; 32-34 tuần đối với đa thai hoặc khi có dấu hiệu sinh non, vỡ ối non. Ảnh tư liệu

Cách giảm nguy cơ lây nhiễm với trẻ bị GBS là điều trị kháng sinh cho những sản phụ bị nhiễm trùng do nhiễm GBS. Sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, khi vào giai đoạn chuyển dạ, thai phụ sẽ được điều trị kháng sinh dự phòng (Penixilin) để phòng ngừa nhiễm GBS khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh. Việc điều trị này được thực hiện càng sớm càng tốt khi bắt đầu chuyển dạ hoặc vỡ ối. Thai phụ nhiễm GBS được điều trị kháng sinh trong quá trình chuyển dạ có tỷ lệ lây truyền cho con còn rất thấp (chỉ khoảng 1%).

Khi chích thuốc, cơ thể có những phản ứng không thích hợp với Penixilin thì bác sĩ có thể chuyển sang những kháng sinh khác. Nếu thai phụ không đồng ý sử dụng kháng sinh khi chuyển dạ thì cần theo dõi chặt chẽ trẻ trong ít nhất 12 giờ đầu sau sinh (theo dõi, đánh giá nhịp tim, nhiệt độ, nhịp thở, khả năng bú,…) vì trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm GBS giai đoạn sớm; còn sau 12 giờ thì nguy cơ nhiễm GBS rất thấp.

Người mẹ nhiễm GBS vẫn được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ vì việc cho bú mẹ không làm tăng nguy cơ nhiễm GBS mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sản phụ và cho bé.

Tầm soát, sàng lọc trước sinh góp phần bảo đảm cho trẻ chào đời khỏe mạnh

Nói tóm lại, các bà mẹ mang thai không nên chủ quan khi nhiễm GBS vì có thể khiến trẻ mắc bệnh, suy giảm sức khỏe thậm chí là tử vong. Do đó, thai phụ cần chú trọng xét nghiệm sàng lọc trước sinh tại các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn cùng phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho kết quả chính xác cao. Hiện nay, tại Bệnh viện TWG  Long An đã triển khai xét nghiệm GBS trước sinh cho thai phụ thường quy. Khi có chỉ định của bác sĩ, thai phụ nên tuân thủ để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Trung tâm Sản - Phụ khoa Bệnh viện TWG Long An với đội ngũ y, BS giỏi chuyên môn, trang thiết bị hiện đại cùng dịch vụ toàn diện luôn sẵn sàng cùng mẹ yên tâm chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh, cán đích thành công./.

Bệnh viện TWG Long An

Địa chỉ: Số 136C, Đường tỉnh 827, khu phố Bình An 1, phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An                      

Điện thoại: 02723550507

P.N

Chia sẻ bài viết