Tiếng Việt | English

22/10/2019 - 14:12

Nhật Bản chính thức cử hành lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito

Trong trang phục hoàng bào, vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản bước vào Phòng Khánh tiết, theo sau là các thị thần cầm biểu trưng của Hoàng gia (gươm và đá quý), quốc ấn và ấn riêng.

Nhật hoàng Naruhito làm lễ tại Điện thờ cung Hoàng gia ở Tokyo, trước lễ đăng quang ngày 22/10/2019. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Đúng 13 giờ chiều 22/10 theo giờ địa phương (11 giờ, giờ Việt Nam), lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito đã bắt đầu tại Phòng Khánh tiết của Hoàng cung Nhật Bản, với sự tham dự của gần 2.000 quan khách trong và ngoài nước.

Trong số các quan khách nước ngoài có mặt tại lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito, có người đứng đầu Hoàng gia, nguyên thủ, lãnh đạo và quan chức cao cấp đến từ hơn 190 quốc gia và đại diện của nhiều tổ chức quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi lễ này.

Trong trang phục hoàng bào, vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản bước vào Phòng Khánh tiết, theo sau là các thị thần cầm biểu trưng của Hoàng gia (gươm và đá quý), quốc ấn và ấn riêng.

Sau đó, Nhật hoàng bước đến và ngồi lên ngai vàng Takamikura trong chính điện.

Tiếp đó, Hoàng hậu Masako bước vào Phòng Khánh tiết và ngồi lên ngai Hoàng hậu, bên cạnh ngai vàng của Nhật hoàng.

Theo trình tự nghi lễ, sau khi rèm che phía trước Nhật hoàng và Hoàng hậu được vén lên, Nhật hoàng Naruhito sẽ đứng dậy phát biểu, chính thức tuyên bố lên ngôi Hoàng đế.

Tiếp đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gửi những lời chúc mừng tới Nhật hoàng, cùng với các quan khách hô vang những lời chúc mừng Nhật hoàng.

Nhật hoàng Naruhito sinh ngày 23/2/1960, là con trai cả của Thái Thượng Hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko.

Năm 1991, ông được tấn phong làm Hoàng Thái tử vào đúng ngày sinh nhật của mình. Ông lên ngôi Hoàng đế Nhật Bản vào ngày 1/5/2019 với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là “sự hòa hợp tốt đẹp," sau khi Vua cha Akihito thoái vị một ngày trước đó vì tuổi cao và sức khỏe giảm sút.

Theo Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản, Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia và của hòa hợp dân tộc”./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết