Tiếng Việt | English

18/10/2017 - 11:46

Nhân rộng mô hình khu nhà trọ có tổ công nhân tự quản

Từ khi mô hình “Khu nhà trọ có tổ công nhân (CN) tự quản” đầu tiên ra đời tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào năm 2012, đến nay, mô hình được nhân rộng trên toàn tỉnh. Nhờ đó, tình hình an ninh, trật tự trong các khu nhà trọ CN được cải thiện.

"Toàn tỉnh có khoảng 1.800 khu nhà trọ với gần 17.000 phòng cho trên 40.000 công nhân, lao động thuê trọ, trong đó có 269 khu nhà trọ có tổ công nhân tự quản." 

Điểm tựa cho công nhân nhập cư

Chị Nguyễn Ánh Hoa - CN Công ty Rehang (Khu công nghiệp (KCN) Nhựt Chánh, huyện Bến Lức), cho biết: “Việc thuê nhà trọ cũng “hên xui” lắm! Có những khu nhà trọ bảo đảm an ninh nhưng cũng có nhiều khu thường xuyên bị trộm, cắp, gây rối, đánh nhau. Từ khi một số khu nhà trọ thành lập tổ CN tự quản, tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm hơn, CN có ý thức chấp hành luật pháp và gìn giữ vệ sinh môi trường. Với các khu nhà trọ này, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các cấp thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho CN”.

Tuyên truyền về chính sách pháp luật tại khu nhà trọ có Tổ công nhân tự quảnCòn anh Nguyễn Minh Khôi - CN Công ty TNHH Ray Tu (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc), chia sẻ: “Từ khi tham gia tổ tự quản, tôi và anh chị em trong khu nhà trọ thường xuyên được cập nhật thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Tổ được trang bị tủ sách pháp luật để sau giờ làm việc, CN có thể tìm hiểu. Nhờ vậy, chúng tôi có thêm kiến thức pháp luật. Nữ CN ở trọ còn được quan tâm chăm sóc sức khỏe, tư vấn về sinh sản, hạnh phúc gia đình,...”.

Theo ghi nhận, hiện nay, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ở những khu nhà trọ được địa phương và các chủ nhà trọ quan tâm. Trong các dịp lễ, tết, chủ nhà trọ tặng quà cho CN, lao động nghèo không có điều kiện về quê ăn tết, hỗ trợ các trường hợp khó khăn đột xuất. LĐLĐ các cấp phối hợp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến CN ở trọ kiến thức pháp luật. Qua đó, giúp người lao động từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, kỹ năng sống và nêu cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngay tại các khu nhà trọ.

Bà Lương Thị Ngoai - chủ một nhà trọ ở ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, nói: “Tôi có 12 phòng trọ với hơn 40 CN thuê. Thấy CN tăng ca, về trễ, tôi nhận đưa đón, nấu cơm cho mấy đứa nhỏ con của CN để cha mẹ chúng yên tâm làm việc. Riết rồi thân thiện như người trong nhà, tụi nhỏ kêu tôi bằng bà ngoại, nghe thấy thương lắm!”. Bên cạnh đó, bà Ngoai còn chia sẻ khó khăn với người thuê trọ bằng cách không lấy tiền nhà, điện, nước khi họ chưa có việc làm, cho trả góp tiền phòng trọ, cho mượn tiền khi CN chưa lãnh lương,...

Cần nhân rộng

Ông Nguyễn Văn Hòa - chủ nhà trọ Bảy Công (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), cho biết: “Từ khi tham gia mô hình Khu nhà trọ có tổ CN tự quản vào năm 2012, chúng tôi được chính quyền địa phương hướng dẫn xây dựng nền nếp tự quản tại khu nhà trọ; LĐLĐ tỉnh, huyện thường xuyên tuyên truyền về pháp luật cho CN. Tôi cũng kiên quyết không cho một số thành phần bất hảo thuê trọ”.

Được biết, nhà trọ Bảy Công có 100 phòng trọ với khoảng 360 CN thuê. Đây là khu nhà trọ CN tự quản đầu tiên được thành lập ở huyện Đức Hòa, do LĐLĐ tỉnh thí điểm. Từ khi thành lập khu nhà trọ CN tự quản, CN ở đây an tâm hơn. 

Ra mắt Khu nhà trọ có tổ công nhân tự quản tại nhà trọ Bảy Công, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa

Hiện nay, toàn tỉnh có 269 khu nhà trọ có tổ CN tự quản. Thực tế cho thấy, các tổ CN tự quản từng bước đi vào nền nếp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau của CN khi có khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, CN chấp hành tốt quy định tạm trú, tạm vắng của địa phương; thúc đẩy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Lới - chủ nhà trọ Duy Quý, đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 8, thị trấn Bến Lức, cho biết: “Tôi có 255 phòng trọ với hơn 700 công nhân nhập cư đang thuê trọ. Ban Tự quản khu nhà trọ của tôi có 7 thành viên, trong đó, tôi là Trưởng ban và 1 anh phó Dân phòng khu phố 8 là phó trưởng ban cùng 5 thành viên (4 nam, 1 nữ) là CN. Từ khi có ban tự quản, CN trong khu trọ thường xuyên được nhắc nhở về phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn an ninh, trật tự trong khu trọ, tương trợ, giúp nhau khi hoạn nạn,... Thông qua hoạt động khu nhà trọ CN tự quản, các cấp Công đoàn dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó chăm lo tốt hơn cho CN, lao động”.

Việc thành lập mô hình “Khu nhà trọ có tổ CN tự quản” không chỉ giúp chính quyền địa phương kiểm soát an ninh. Đây là một kênh thông tin hữu ích, giúp tổ chức Công đoàn nắm chắc tình hình quan hệ lao động để có biện pháp xử lý hiệu quả. Nhờ đó, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CN, lao động, nhất là CN, lao động nhập cư được tốt hơn.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: “Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh cùng Công đoàn các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục khảo sát, nắm bắt tư tưởng và số lượng CN, lao động tại các khu nhà trọ, khu tập thể doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động tổ chức thành lập các mô hình khu nhà trọ có tổ tự quản đối với những nơi có đông CN, lao động nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CN nói chung và CN nhập cư nói riêng”./.

"Hiện nay, tại hầu hết khu nhà trọ, các thành viên ban chủ nhiệm tự quản đều quyết tâm thực hiện cam kết 4 không (không ma túy, không mại dâm, không rượu, bia và không cờ bạc), góp phần thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa."

Ông Đỗ Văn Be - chủ nhà trọ 3 Be, tại huyện Cần Đước, chia sẻ.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết