Ngày 21/3/2017, tròn 5 tháng nhà văn Lê Văn Thảo ra đi, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tưởng niệm và giới thiệu tập sách Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ và bạn đọc quý mến tác giả Ông cá hô.
Những kỷ niệm xúc động về nhà văn Lê Văn Thảo được nhắc lại. Nhiều gương mặt đẫm nước mắt nhớ về ông. Ngồi lặng lẽ dưới khán phòng có những người cùng thế hệ với nhà văn Lê Văn Thảo: Họa sĩ Trang Phượng, nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim, nhà văn Tô Hoàng hoặc thế hệ đi sau như đạo diễn Trần Mỹ Hà, các nhà văn, nhà thơ: Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim, Nguyễn Minh Ngọc, Lê Minh Quốc, Lê Tú Lệ, Trầm Hương, Trần Nhã Thụy,... và những người thân trong gia đình ông: Đạo diễn, nhà văn Lê Văn Duy, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, nhà báo Lê Tiền Tuyến,...
Thủ bút và những bức ảnh cuối cùng
Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 01/10/1939, quê nội ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cha đi kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, thuở nhỏ, ông và các em theo mẹ về quê ngoại An Giang sinh sống, sau đó quay lên học Khoa Toán - Đại học Khoa học Sài Gòn. Từ năm 1962, ông thoát ly vào chiến khu chống Mỹ, bắt đầu viết văn từ năm 1965. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII (2005-2010), Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khóa IV và V (2000-2010).
Nhà văn Lê Văn Thảo là tác giả của nhiều tác phẩm, tiêu biểu như các tập truyện ngắn: Con mèo, Chuyện nhỏ tình yêu, Ông cá hô, Lên núi thả mây. Về tiểu thuyết, ông có: Con đường xuyên rừng, Một ngày và một đời, Cơn giông, Sóng nước Vàm Nao, Những năm tháng nhọc nhằn,... Ông cũng được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 và 2003, Giải thưởng ASEAN năm 2006, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2012.
Tôi nhớ vào ngày 11/10/2016, một ngày trước khi bay ra giàn khoan dầu khí làm việc, kỹ sư điện, nhà văn trẻ Trương Anh Quốc cùng tôi đến thăm nhà văn Lê Văn Thảo. Nghe tin, 2 nhà thơ Xuân Trường và Trương Tri ở Gò Vấp cũng tìm đến cùng thăm tác giả Ông cá hô. Mặc dù sức khỏe rất yếu nhưng nhà văn Lê Văn Thảo vẫn nằm chuyện trò chậm rãi không ngừng. Ông nhớ lại những kỷ niệm thời trẻ ở phố và trong rừng, những bóng hồng thoáng qua đời mình và những chuyến đi vui tươi cùng bạn viết trẻ. Ông cũng cho biết, mình đích thực sinh ra ở Sài Gòn chứ không phải ở quê nội Long An như giấy khai sinh.
Sợ nhà văn Lê Văn Thảo mệt, mấy lần chúng tôi xin phép về nhưng ông vẫn không dứt chuyện. Muốn lưu giữ thủ bút của ông, tôi đề nghị ông ký tặng tôi mấy quyển sách, trong đó có cuốn tặng cho Tiến sĩ Cao Thị Hồng ở Đại học Thái Nguyên để chị hướng dẫn sinh viên làm luận văn về truyện của Lê Văn Thảo. Ông cẩn thận kê lên gối ghi và ký với nét bút vẫn còn mạnh. Tôi đặc biệt thích thú với tập truyện ngắn Ông cá hô, bản in năm 1995 do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tôi đề nghị tất cả bạn văn có mặt cùng ký vào làm kỷ niệm.
Nhà văn Lê Văn Thảo từng là giám khảo chấm giải nhất Cuộc thi Văn học tuổi 20 cho Trương Anh Quốc, khuyến khích anh sáng tác và ủng hộ gia nhập hội nghề nghiệp. Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc mê chụp ảnh bộ về các nhà văn lão thành để lưu giữ, nhưng riêng nhà văn Lê Văn Thảo thì anh chưa có cơ hội. Lần này, anh mang máy ảnh theo quyết tâm chụp bằng được.
Tiếc rằng, sắc diện của nhà văn Lê Văn Thảo không còn tốt. Căn bệnh nan y kéo dài hơn 10 năm lấy dần hết sinh lực của ông. Dù vậy, thủ bút và những bức ảnh chụp với nhau hôm ấy vô tình trở thành quý giá và có lẽ cũng là những hình ảnh sau cùng của nhà văn Lê Văn Thảo lưu lại trên cõi đời, bởi đúng 10 ngày sau, ông vĩnh viễn ra đi sau một cơn hôn mê.
Bìa sách Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp |
Lên núi đọc thơ và nghĩa tình với bạn van trẻ
Không phải “lên núi thả mây” như tên một tập truyện ngắn gần đây của nhà văn Lê Văn Thảo mà là ông lên núi đọc thơ thực sự. Viết văn nhưng thi thoảng, ông làm vài bài thơ. Biết rõ thơ là sở đoản, làm cho vui nhưng ông vẫn luôn có cảm hứng với “nàng thơ” khi vui thú với bạn bè. Cách đây vài năm, nhà văn Lê Văn Thảo còn cùng chúng tôi về tỉnh Phú Yên dự Lễ hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn có truyền thống lâu bền nhất nước, và đọc một bài thơ xúc động do ông sáng tác dưới ánh trăng rằm tháp cổ.
Lần đầu nhà văn Lê Văn Thảo về miền Trung lên núi đọc thơ núi Nhạn cũng là lần cuối nhà văn Nguyễn Quang Sáng được nhâm nhi ly rượu trước lúc đột ngột ra đi tại TP.HCM. Một lần khác, vào giáp Tết Nguyên đán năm 2010, nhà văn Lê Văn Thảo gọi điện ra Phú Yên nhờ tôi viết kịch bản và đạo diễn chương trình thơ trẻ trong Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Nhà hát thành phố, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Suốt cái Tết Nguyên đán năm ấy, hầu như tôi chẳng được yên với cái tết quê nhà. Vì tầm quan trọng của chương trình nên kịch bản không chỉ nhà văn Lê Văn Thảo thông qua mà còn phải được nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc duyệt. Dù hơi cực nhưng Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội khá vui và chu toàn. Đặc biệt, chương trình thơ trẻ tạo thêm động lực hoặc trình làng khá nhiều gương mặt mới mà đến nay dần quen thuộc trong đời sống thi ca.
So với thơ, tất nhiên, nhà văn Lê Văn Thảo chú ý hơn đến các cây bút trẻ viết văn xuôi. Những lần trò chuyện với chúng tôi, ông tỏ ra rất vui mừng trước sự trưởng thành nhanh chóng của các nhà văn trẻ thành phố.
Trong những chuyến đi hay hội ngộ hàn huyên với nhau, 2 nhà văn trẻ Tiến Đạt và Trần Nhã Thụy luôn gắn bó mật thiết với nhà văn Lê Văn Thảo. Cuối tháng 4/2016 vừa qua, vào đêm trước lúc Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm văn học về nhà văn Lê Văn Thảo, tôi cùng Trần Nhã Thụy đến thăm và ngồi trò chuyện với ông khá khuya. Biết quỹ thời gian dành cho mình còn ít, ông thổ lộ nhiều điều chân thành như người anh đối với em, người cha đối với con. Tiếc là sức khỏe không cho phép ông có mặt tại buổi tọa đàm, một sự tri ân của Hội Nhà văn TP.HCM cũng như các thế hệ đi sau đối với tài năng và nhân cách của ông!
Cuộc đời mỗi con người đều có lúc vui, lúc buồn, lúc đúng, lúc sai, lúc thăng hoa, lúc mệt mỏi, ưu phiền. Điều quan trọng là sau khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta để lại gì có ích cho cuộc sống. Bằng tài năng, nhân cách và trải nghiệm phong phú, nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ để lại một di sản văn học tương đối đồ sộ của một tác giả lớn Nam bộ mà còn để lại một tấm gương lao động sáng tạo không biết mệt mỏi, càng lớn tuổi, viết càng nhiều, càng hay cùng tấm lòng nhân hậu, bao dung và tình yêu thương đối với mọi người, trong đó có sự nâng niu thầm lặng đối với các bạn viết trẻ!
Vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Thảo Cập Nhật 21-10-2016 Nhà văn Lê Văn Thảo - cây bút gạo cội trong dòng văn học Nam bộ vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng lúc 1g ngày 21-10, giã biệt văn đàn ở tuổi 77 sau một thời gian dài lâm bạo bệnh. |
Phan Hoàng