Tiếng Việt | English

22/05/2017 - 12:13

Nhà máy không phép vẫn “hành” dân

Báo Long An nhiều lần phản ánh Nhà máy Xay xát (NMXX) Ngọc Long, đóng tại ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xây dựng không phép, gây ô nhiễm môi trường, “hành hạ” cuộc sống người dân xung quanh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chiều ngày 17/5/2017, ông Lê Hoàng Phúc, ngụ ấp 4, xã Nhị Thành lại liên tục gọi điện cho phóng viên Báo Long An thông tin nhà bị ngập vì nước mưa từ mái NMXX Ngọc Long đổ xuống. Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận toàn bộ nền nhà đều bị ngập nước.

Nhà ông Lê Hoàng Phúc lại tiếp tục bị ngập do nước mưa từ mái Nhà máy Xay xát Ngọc Long đổ xuống

Theo quan sát, mái tole NMXX ở trên cao, trong khi đó, nhà ông Phúc thì thấp; vì vậy, thời gian gần đây, cứ mỗi lần mưa lớn thì nước từ mái NMXX Ngọc Long lại đổ trực tiếp lên mái nhà ông Phúc rồi chảy vào trong nhà gây ngập nước. Thậm chí mùa mưa năm 2016, có lần, các máng xối ở mái nhà ông Phúc bị đổ sập do nước từ mái tole NMXX Ngọc Long dội xuống. Sau lần đó, chủ NMXX phải bồi thường.

Ông Phúc cho biết: “Có những lần, nhà tôi bị nước tràn vào ngập lên đến 30cm; các đồ dùng như tủ lạnh, tivi,... đều bị nước tạt, ngập ướt. Mỗi lần như thế, tôi đều phải cắt nguồn điện. Dù nhiều lần "kêu cứu" đến ngành chức năng nhưng 3 năm qua, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Sống thế này chịu sao nổi!?”.

Còn ông Nguyễn Văn Quang, người dân có nhà ở gần nhà máy này, bức xúc không kém: “Nhà máy gây tiếng ồn cả ngày lẫn đêm, gây bụi bặm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân xung quanh. Mặc dù kêu cứu nhiều lần đến ngành chức năng nhưng đâu vẫn vào đó, nhà máy vẫn hoạt động ầm ầm!”.

NMXX Ngọc Long là nhà máy không phép. Cụ thể, năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Long xin thỏa thuận đầu tư nhà kho chứa hàng nông sản và đến ngày 25/3/2014 được UBND huyện Thủ Thừa chấp thuận tại Quyết định 974/QĐ-UBND trên thửa 1323, tờ bản đồ số 2 với diện tích 5.516m2, tại ấp 4, xã Nhị Thành.

Sau đó, ông Long lập hồ sơ xin phép xây dựng và được UBND huyện Thủ Thừa cấp phép xây dựng số 110/GPXD-UBND, ngày 12/8/2014 với mục đích công trình nhà kho mua bán hàng nông sản, diện tích được phép xây dựng 3.826m2, với mật độ xây dựng 69,37% diện tích.

Kết quả kiểm tra hiện trạng nhà máy của ngành chức năng cũng chỉ rõ, ông Nguyễn Ngọc Long có nhiều sai phạm khi không thực hiện đúng giấy phép được cấp. Cụ thể, ông Long xây dựng trên diện tích 5.319m2, với mật độ xây dựng 96,4% diện tích; đồng thời, công trình không phải là nhà kho mà lại là NMXX với công suất 10 tấn lúa/giờ và có 18 lò sấy.

Từ những vi phạm trên, UBND huyện Thủ Thừa tiến hành xử phạt chủ nhà máy là ông Nguyễn Ngọc Long. Với vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, từ ngày 31/3/2015 đến 17/6/2015, UBND huyện ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Long với số tiền 42,5 triệu đồng. Còn trong lĩnh vực môi trường, ngày 18/6/2015, ông Long bị UBND huyện xử phạt 5 triệu đồng; đồng thời có thêm hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nhà máy trong 6 tháng.

Mặc dù có xử phạt, thế nhưng huyện Thủ Thừa lại nói rằng, do mật độ xây dựng dày, máy móc, trang thiết bị được bố trí cố định, trị giá lớn nên doanh nghiệp không thể khắc phục được nữa. Nếu tổ chức cưỡng chế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất.

Vì sao Nhà máy Xay xát Ngọc Long không phép này vẫn còn tồn tại thời gian qua?

Về vụ việc này, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Thủ Thừa báo cáo kết quả xử lý nhà máy Ngọc Long xây dựng trái phép ngay trong tháng 8/2016, đồng thời nêu rõ kết quả xử lý.

Theo đó, UBND huyện Thủ Thừa báo cáo về tỉnh rằng, ngành nghề sấy lúa, xay xát, đánh bóng gạo xuất khẩu là ngành nghề được khuyến khích đầu tư tại huyện; đồng thời, vị trí hiện nay mà nhà máy đang hoạt động cũng phù hợp với quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2020. Từ những cơ sở này, UBND huyện đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành liên quan cho chủ trương để giải quyết trong thời gian tới.

Qua báo cáo đó cho thấy, UBND huyện Thủ Thừa "nhờ" tỉnh giải quyết. Thế nhưng qua thời gian, nhà máy này cứ tồn tại và tiếp tục “hành hạ” người dân xung quanh. Người dân bức xúc, tại sao nhà máy không phép này lại chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, trong khi đó vẫn chưa bị tháo dỡ? Phải chăng, chính quyền và những đơn vị liên quan “bó tay”?./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết