Giáo viên Trường Tiểu học Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa an tâm công tác vì được đáp ứng nhu cầu về nơi ăn, chốn ở
Hiện các điểm trường trên địa bàn huyện Thạnh Hóa đều có NCV cho GV. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Thiện thông tin: "Toàn huyện có 7 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng NCV với 47 phòng, mỗi phòng có từ 2-3 GV. Nguồn kinh phí xây dựng từ vốn kiên cố hóa trường, lớp học và NCV cho GV của tỉnh cùng nguồn vốn xã hội hóa. Nhiều năm qua, NCV đáp ứng nhu cầu của GV, giúp họ an tâm công tác".
Xã biên giới Tân Hiệp được ưu tiên xây dựng NCV với 11 phòng, mỗi phòng có từ 2-3 GV. Cô Dương Hải Âu - GV Trường Tiểu học Tân Hiệp chia sẻ: "Quê ở phường 6, TP.Tân An, tôi về công tác ở trường này từ năm 2010 đến nay. Thật may mắn khi về đây giảng dạy thì NCV vừa được xây dựng xong. Phòng ở khá đầy đủ tiện nghi, an ninh, trật tự xã hội bảo đảm nên dù xa nhà nhưng tôi không lo lắng nhiều về nơi ăn, chốn ở, yên tâm gắn bó với nghề, với trường".
Bên cạnh những điểm sáng thì việc xây dựng NCV cho GV còn lắm gian nan. Từ nhiều năm nay, NCV chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống GV, đặc biệt là những điểm trường vùng sâu, vùng xa, nhiều GV xa nhà có nhu cầu về nơi ăn, chốn ở.
Ở Cần Giuộc, hiện toàn huyện chưa có điểm trường nào được đầu tư xây dựng NCV. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc - Võ Tây Phiên, một số trường ở vùng sâu như Tân Tập, Phước Vĩnh Đông do không có nhà trọ nên tận dụng nhà kho, các lớp học cũ sửa chữa lại cho GV ở tạm. Các địa phương còn lại, ngoài tận dụng nhà kho cải tạo thành nơi ở tạm cho GV, số đông còn lại phải thuê nhà trọ để ở.
Toàn huyện có khoảng 1.800 GV, cán bộ quản lý và nhân viên, trong đó, hiện có 68 GV có nhu cầu về NCV. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện góp ý đề án xây dựng NCV của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng do nguồn vốn còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng nhà ở cho GV chưa được triển khai.
Có mặt tại Trường THCS Trương Văn Bang (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) và được chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của các thầy, cô giáo nơi đây, chúng tôi càng hiểu hơn về những thiếu thốn, vất vả khi phải sống trong một căn phòng tạm bợ được tận dụng từ lớp học cũ, dành cho 3 GV. Đây cũng là điều mà lãnh đạo nhà trường bấy lâu nay luôn trăn trở. Hiện tại, trường chỉ có 1 phòng để GV ở tạm, các GV còn lại ở trọ hoặc đi về hàng ngày, lượt đi, lượt về hơn 50km.
Cô Trần Thị Phương Anh - GV Trường THCS Trương Văn Bang cho biết: "Quê tôi ở tận Đồng Nai. Khi mới về đây công tác, tôi thuê phòng trọ ở được 2 năm. Do hoàn cảnh khó khăn nên năm 2014, tôi được nhà trường tận dụng phòng học sửa chữa lại để ở tạm. Tuy nhiên, nơi đây cũng xuống cấp, mưa lớn thì bị dột, không có chỗ nấu ăn. Vì vậy, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt".
Quyền Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Long An - Hồ Văn Hậu cho biết: Hiện toàn tỉnh có khoảng 330 phòng, tổng diện tích 10.234m2, thuộc NCV kiên cố, bán kiên cố, nhà tạm cho GV, với 859 GV ở. Trong đó, có 60 phòng kiên cố được đầu tư xây mới theo Đề án Kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008-2012. Riêng nhà tạm, nhà bán kiên cố do được xây dựng lâu năm (từ năm 2001 đến nay) và chưa được sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp rất nhiều.
Cần quan tâm xây nhà công vụ để giáo viên an tâm công tác. Ảnh: Ngọc Thạch
Trước thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Đề án "Xây dựng NCV cho GV" giai đoạn 2016-2020 trình UBND tỉnh xem xét và phê duyệt. Mục tiêu đề án nhằm giúp đội ngũ GV đang công tác xa nhà và ở lại trường học được ổn định đời sống, sinh hoạt, góp phần cùng ngành nâng cao chất lượng giáo dục ở từng địa phương.
Xây dựng nhà công vụ là yêu cầu cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề. Vì vậy, cần có sự quan tâm, đầu tư nhà công vụ để giáo viên thật sự an tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. |
Khi đề án được phê duyệt, việc xây NCV được ưu tiên đối với các địa phương chưa có NCV nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của GV hiện nay. Dự kiến số lượng và cơ cấu NCV cần được xây dựng giai đoạn 2016-2020 cho GV công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng biên giới là 1.555 GV, số phòng cần xây dựng 801 phòng, diện tích 24m2/phòng, mỗi phòng 2 GV, với tổng mức đầu tư trên 134,5 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh trên 103 tỉ đồng; từ nguồn vốn xổ số kiến thiết, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung,... đầu tư xây dựng 616 phòng, chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 2016-2017 là 326 phòng; giai đoạn 2018-2020 là 290 phòng). Ngân sách địa phương: Từ nguồn vốn địa phương hoặc vốn xã hội hóa là 185 phòng, với số tiền trên 31 tỉ đồng.
Riêng đối với các cơ sở trường học có nhu cầu NCV cho GV từ 1-3 phòng thì sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa để đầu tư.
Xây dựng NCV là yêu cầu cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ GV gắn bó với nghề. Vì vậy, cần có sự quan tâm, đầu tư NCV để GV thật sự an tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh./.
Ngọc Mận