Tiếng Việt | English

18/05/2022 - 19:40

Nguy cơ mắc bệnh sán lá gan do ăn sống các loại rau thủy sinh

Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau thủy sinh như: Rau muống, rau cần, rau cải xoong, rau rút, ngó sen... hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1203/QĐ-BYT Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn.

Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh sán lá gan lớn là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, ổ áp xe tại gan hoặc các cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ.

Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau thủy sinh như: Rau muống, rau cần, rau cải xoong, rau rút, ngó sen... hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.

Người mắc sán lá gan ở giai đoạn cấp tính thường có sốt, đau hạ sườn phải và đau bụng. Giai đoạn mãn tính thường có các triệu chứng không còn điển hình nên dễ nhầm với bệnh khác với các dấu hiệu như: Khó chịu vùng dạ dày, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, viêm mật, đường mật, sỏi túi mật và gan luôn luôn to, có thể không đau khi sờ.

Hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ rõ 4 triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh này chủ yếu là đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu hoặc đôi khi đau thượng vị; có thể kèm theo tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài. Một số trường hợp rối loạn tiêu hóa, kém ăn, sụt cân, sẩn ngứa/mề đay, Có trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe hay khám bệnh khác, sau đó mới xác định do sán lá gan lớn.

Với người mắc bệnh ở thể nhẹ, triệu chứng lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn thường không đặc hiệu, có trường hợp không có triệu chứng, chỉ khi khám sức khỏe mới phát hiện tổn thương. Người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu.

Đối với người mắc ở thể trung bình có các biểu hiện như đau bụng, đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau (chiếm 70-80 % các trường hợp), hoặc đau vùng thượng vị hoặc mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, đau từng cơn, đau tức; sốt cao, rét run đôi khi sốt kéo dài; thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt) gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài; rối loạn tiêu hóa (người bệnh có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn).

Đối người mắc bệnh sán lá gan ở thể nặng, một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng gồm tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa... Bên cạnh đó là các biểu hiện như: Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau; phản ứng viêm: đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da; có mẩn ngứa ngoài da, dị ứng da gặp ở 20-30 % người bệnh, biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, bứt rứt, khó chịu; ho, khó thở; mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút; sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc chỉ sốt thoáng qua rồi hết, đôi khi sốt kéo dài; tràn dịch màng phổi.

Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân hoặc các cơ quan khác, có trường hợp vỡ gan (Việt Nam đã gặp 1 trường hợp năm 2014).

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

Người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước, không uống nước lã. Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan lớn tại vùng lưu hành bệnh.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết