Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng thì trong 1 ly trà sữa sẽ có khoảng 340 calories. Do thành phần gồm trà, sữa, hạt trân châu, đường và một số phụ liệu như thạch, pudding trứng, kem phô mai, cacao,… nên trà sữa trở thành thức uống thơm ngon, bổ dưỡng cung cấp năng lượng và mang lại cho cơ thế những lợi ích sau:
Trà (có thể là trà đen, trà xanh, trà ô long) chứa chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe. Trà đen là trà lên men hoàn toàn rồi sấy khô, trà xanh là trà tươi không lên men và trà ô long là trà xanh lên men nửa chừng. Nhờ quy trình bán lên men, lượng men trong trà ô long rất tốt cho những người bị mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp cũng như các vấn đề về gan và thận. Trong trà còn ướp thêm hương liệu thơm kích thích khứu giác như hương sen, nhài, bạc hà.
Sữa để làm trà sữa thường là sữa tươi thanh trùng, không mùi, vị béo. Trong sữa có chứa canxi, phospho, protein, vitamin (A,B,D) tốt cho cơ, xương và răng giúp tăng cao, tăng cân cho trẻ. Việc bổ sung canxi từ sữa còn giúp chống loãng xương ở phụ nữ tiền mãn kinh và người già.
Hạt trân châu chế biến từ tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn dây (chứa khoảng 17 - 20% amylose) giúp thanh nhiệt, giải độc, kích thích thị giác, tạo cảm giác đẹp mắt gây thèm ăn, giúp tiêu hóa, do tinh bột sắn dây không chứa chất béo bão hòa nên giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đường (có thể là đường tinh luyện, đường nâu, đường vàng, đường mía, đường phèn) tạo khoái cảm cho vị giác, đồng thời cung cấp năng lượng giúp não bộ hoạt động, làm tăng trí nhớ, thông minh trong một thời điểm nhất định.
Các phụ liệu thêm vào trà sữa như thạch, pudding trứng, kem phô mai, cacao với liều lượng vừa phải cũng giúp cho thành phẩm thơm ngon hơn.
Tuy nhiên nếu chế biến không đúng công thức, trà sữa cũng có thể là nguy cơ đưa đến các bệnh béo phì, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng chức năng sinh sản và chức năng gan thận vì những nguyên nhân sau:
Trà chứa tanin sẽ tương tác với sữa gây kết tủa protein làm đầy bụng, khó tiêu. Các hương liệu ướp vào trà nếu không phải hương liệu thiên nhiên mà chỉ là chất tạo mùi có nguồn gốc hữu cơ như penzylacetat, P - dimethoxy penzin sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nếu sử dụng kem béo (chứa nhiều dầu thực vật bị hydro hóa) thay sữa sẽ có nguy cơ tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu. Trong kem béo hàm lượng canxi, vitamin, protein thấp hơn sữa làm người dùng bị thiếu chất bổ. Trẻ em trong độ tuổi học sinh cần canxi để tăng trưởng chiều cao, nếu uống nhiều trà sữa gây no lâu không ăn được các thức ăn khác sẽ thiếu chất dinh dưỡng để phát triển.
Thành phần của dầu thực vật hydro hóa ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản làm chất lượng tinh trùng bị giảm do chất này ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố nam. Ngoài ra, phụ nữ cũng phải đối mặt nguy cơ vô sinh hoặc ung thư và các bệnh tim mạch khác nếu dùng sai liều lượng.
Hạt trân châu có ít giá trị dinh dưỡng mặc dù có thể cung cấp cho cơ thể tới 100gr calories. Trẻ dưới 3 tuổi và người già không được dùng ống hút để hút hạt trân châu sẽ có nguy cơ nghẹn và sặc nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo Hiệp Hội tim mạch Hoa Kỳ, lượng đường tiêu thụ tối đa cho 1 người mỗi ngày không quá 37,5gr đối với nam giới và không quá 25gr đối với nữ giới, trong khi đó 1 ly trà sữa có thể chứa đến 50gr đường. Đường thừa sẽ không tốt cho sức khỏe.
Lượng chất phụ gia được thêm vào vượt quá ngưỡng an toàn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Lập lại thường xuyên các chất này tích lũy trong thời gian dài sẽ là gánh nặng của gan và thận, làm suy giảm chức năng của các bộ phận này. Nếu uống trà sữa chế biến không vệ sinh với nguyên liệu kém chất lượng sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Vì thế, mọi người nên chọn lựa các cửa hàng trà sữa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, uống trà sữa tối đa 2 lần mỗi tuần, không uống trước khi đi ngủ và tích cực tập thể dục mỗi ngày, dinh dưỡng điều độ, tự kiểm soát cân nặng chiều cao và huyết áp để duy trì lối sống lành mạnh./.
DSCKII. Lý Thị Nhất Định