Tiếng Việt | English

28/09/2018 - 14:42

Nguồn sống từ những trang hồi ký

Giữa hàng loạt những cuốn hồi ký của các ca sĩ, nghệ sĩ, doanh nhân trên thị trường sách hiện nay, 2 tác phẩm cùng thể loại Những năm tháng không quên và Khi Tổ quốc gọi ra đời có phần lặng lẽ hơn. Tuy nhiên, khi đọc 2 tác phẩm này, độc giả, nhất là những người trẻ như được truyền thêm khát vọng sống bởi những giá trị chân thật mà 2 tác phẩm mang lại.

Tác giả Nguyễn Long Trảo giao lưu, giới thiệu cuốn hồi ký với khán giả trẻ tại Đường sách Nguyễn Văn Bình

Trong buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách Những năm tháng không quên (NXB Thông Tấn) của bà Mai Thị Trình tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM vào tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Nguyên - người con trai của bà Trình, thổ lộ nếu còn sống, mẹ của ông sẽ không đồng ý thực hiện buổi giới thiệu trước công chúng như thế này vì tính bà không thích phô trương, ồn ào, nhưng gia đình vẫn quyết định giới thiệu cuốn sách không phải vì lợi ích cá nhân nào đó mà gia đình hy vọng cuộc đời đáng quý của bà cùng những bài học chuẩn mực dành cho con cháu sẽ có thêm nhiều sự đồng cảm, chia sẻ từ phía độc giả.

Bà Mai Thị Trình là nhà báo, một tri thức, chiến sĩ cộng sản, nhà hoạt động xã hội có nhân cách đặc biệt và vô cùng mạnh mẽ. Những năm tháng không quên là hồi ức của bà về cuộc đời chính mình. Bà viết xong từ năm 2004 và chỉ lưu hành trong gia đình hoặc tặng người thân, bạn bè như một thứ di sản mà bà để lại cho những người mình yêu thương. Hồi ức ấy bắt đầu từ tuổi thơ của một cô gái Hậu Giang được mẹ đặt cái tên hết sức con trai là Trình, được cho ăn mặc và đi học như con trai. Bà sống nhiều ở quê ngoại - vùng Rạch Giá và may mắn được mẹ cho theo nghiệp đèn sách dù thời ấy, tư tưởng phong kiến trọng nam, khinh nữ vẫn còn nặng nề. Người con gái với tính tình bộc trực Mai Thị Trình trải qua thời niên thiếu rồi theo học tại thành phố Paris, nước Pháp. Chính tại thủ đô ánh sáng này đã đánh dấu những thay đổi lớn trong cuộc đời bà. Tại đây, bà đã gặp người bạn đời của mình và hai người đã có thời gian dài hoạt động sôi nổi trong các phong trào yêu nước của kiều bào ta ở Pháp, khi nước nhà đang bị thực dân Pháp đô hộ và giày xéo.

Vào cuối thập kỷ 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến đấu đối mặt trực tiếp với bọn xâm lược và tay sai ở miền Nam nước ta bước vào giai đoạn quyết liệt, vợ chồng bà Mai Thị Trình - Trần Thanh Xuân tình nguyện trở về miền Nam để tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau ngày giải phóng đất nước, bà Mai Thị Trình tiếp tục cống hiến cho đất nước ở nhiều vai trò, lĩnh vực khác nhau.

Dù làm gì, ở vị trí nào, bà vẫn luôn thể hiện sự đam mê, nhiệt huyết của mình. Trong quyển hồi ức Những năm tháng không quên, độc giả còn thấy được một mối tình đẹp, trong sáng của bà, bắt gặp hình ảnh một người mẹ luôn quan tâm, dạy bảo con từ cái ăn, cái uống. Đọc hồi ức này, ta không chỉ thấy được một nhân cách sống đáng quý mà còn hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.

Có điểm giống nhau của cuốn hồi ký Khi Tổ quốc gọi của ông Nguyễn Long Trảo (NXB Tổng hợp TP.HCM) với cuốn hồi ức Những năm tháng không quên của tác giả Mai Thị Trình, đó là tác phẩm được hình thành khi tác giả ở vào tuổi “xưa nay hiếm” và đều không có ý định phát hành ra đại chúng.

Ông Nguyễn Long Trảo cho biết, ông viết hồi ký theo mong muốn của con gái Bạch Dương và cũng là cách để ông giải khuây trong thời gian rảnh rỗi ở tuổi hưu. Nhưng sau khi hoàn thành, những câu chuyện về cuộc đời ông “vô tình” đến tay nhà xuất bản và trở thành cuốn hồi ký gây nhiều xúc cảm cho người đọc. Hơn 500 trang sách có thể khiến độc giả e ngại khi cầm trên tay, nhưng theo nhà văn Trầm Hương, khi đã bước vào câu chuyện của người con Đồng Tháp này, độc giả sẽ “bị lôi cuốn, không thể rời mắt” vì đó là cuộc đời hơn 80 năm của một người lính được “tích tụ bằng tầng tầng lớp lớp phù sa”.

Tác giả Nguyễn Long Trảo giao lưu, giới thiệu cuốn hồi ký với khán giả trẻ

Qua giọng kể chuyện tỉ mỉ, chân thành, khách quan, tác giả Nguyễn Long Trảo mang đến cho thế hệ hôm nay những câu chuyện gần gũi, bình dị, chân thật về những hy sinh, gian khổ của một thế hệ anh hùng, bất khuất đã dâng hiến trọn tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ kể về những trận ném bom của Mỹ, lần một mình với chiếc xe đạp đi khảo sát những trận địa radar bị Mỹ ném bom đánh phá đến tận vĩ tuyến 17, hay câu chuyện về chiến tranh biên giới Tây Nam, những nỗ lực xây dựng lại thành phố sau ngày giải phóng, độc giả còn bắt gặp những câu chuyện cảm động khi ông nhắc về những người thân trong gia đình. Đặc biệt, trong hồi ký, ông Nguyễn Long Trảo đã dành nhiều trang để nói về người em vợ dễ thương Ca Lê Hiến, tức nhà thơ Lê Anh Xuân, mà mỗi lần nhắc lại, ông đều rơi nước mắt.

Khi ra mắt độc giả, cả 2 cuốn sách đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều bạn trẻ. Những chàng trai, cô gái thế hệ hôm nay bị lôi cuốn bởi những câu chuyện chân thật nhưng vô cùng cao đẹp của những người đã cống hiến cả đời mình vì độc lập dân tộc, vì tương lai của đất nước. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng gạt tình riêng để đi theo tiếng gọi non sông, sống hết mình với lý tưởng cao đẹp. Những trang hồi ký ấy chẳng khác nào những viên ngọc lấp lánh, khơi dậy bao nguồn sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay./.

Bảo Linh

Chia sẻ bài viết