Tiếng Việt | English

20/03/2019 - 09:46

Người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm heo đã kiểm dịch

Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang lan rộng tại các tỉnh miền Bắc, các địa phương trong tỉnh Long An chủ động phòng, chống dịch bệnh để người tiêu dùng an tâm chọn mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và được bảo đảm về chất lượng.

Tăng cường công tác kiểm tra tại hộ chăn nuôi và cơ sở giết mổ

Chủ động phòng bệnh

Toàn huyện Thủ Thừa hiện có 588 hộ chăn nuôi heo với trên 20.000 con. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện - Phan Văn Tới, để bảo vệ đàn heo trên địa bàn, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, đồng thời xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh DTHCP và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và những biện pháp phòng, chống dịch bệnh này; kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm heo trên địa bàn theo quy định.

TP.Tân An hiện có khoảng 500 hộ chăn nuôi heo. Để chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả bệnh DTHCP, UBND thành phố xây dựng kế hoạch với những tình huống cụ thể khi chưa phát hiện dịch bệnh và biện pháp xử lý khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; lập 2 chốt kiểm dịch tại xã Lợi Bình Nhơn và phường Tân Khánh. Hiện các chốt tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm heo vào địa bàn thành phố; bố trí các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an cùng các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, sản phẩm heo.

Còn tại huyện Cần Đước, các hộ chăn nuôi chủ yếu nhỏ, lẻ và có khoảng 8.000 con heo. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Nguyễn Hồng Chương, trước tình hình bệnh DTHCP diễn biến phức tạp, huyện chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Theo đó, huyện tăng cường tuyên truyền đến người dân về những tác hại của bệnh DTHCP cũng như các biện pháp phòng, chống bởi biện pháp phòng bệnh chủ yếu là thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Khi thấy biểu hiện bất thường trên đàn heo, người chăn nuôi cần báo ngay cho cơ quan chức năng qua đường dây nóng để kịp thời xử lý.

Trên địa bàn huyện Châu Thành, đến thời điểm hiện tại, có trên 20.000 con heo, 2 cơ sở giết mổ heo ở xã Phước Tân Hưng và Bình Quới với công suất giết mổ từ 50-100 con heo/ngày. Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, Phó Chủ tịch UBND huyện - Võ Thanh Hồng cho biết: “UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, thú y viên đẩy mạnh tuyên truyền về kỹ thuật phòng, chống DTHCP, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và thực hiện việc kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập về, kiểm dịch vận chuyển xuất ra ngoài huyện và kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm tại các chợ. Kiên quyết tiêu hủy đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện đầy đủ các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh khi có dịch bệnh”.

Người dân an tâm dùng sản phẩm đã kiểm dịch

Trước việc một số người tiêu dùng có tâm lý e ngại dùng thịt heo khi đang trong giai đoạn DTHCP xuất hiện ở một số tỉnh, thành phía Bắc, cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo về việc DTHCP không lây sang người. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh: “DTHCP không lây sang người nên người dân cần tránh hoang mang, quay lưng với loại thực phẩm thiết yếu dùng hàng ngày này. Để bảo đảm nguồn heo sạch, an toàn cho người dân, các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh, có kế hoạch cụ thể trong năm 2019. Trong đó, phải tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với heo có dấu hiệu bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ hoặc trong quá trình vận chuyển, các sản phẩm thịt heo đông lạnh, giăm bông, xúc xích,... và dự trù kinh phí phòng, chống dịch khi dịch bệnh xảy ra (dự toán trên 4,1 tỉ đồng). Đồng thời, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, nhân viên thú y xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại địa phương; tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng chuồng trại, vệ sinh tiêu độc, khử trùng người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Chị Bùi Ngọc Yến (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Kể từ khi các tỉnh phía Bắc có DTHCP, tôi thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài và biết dịch không lây sang người. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, tôi chuyển sang mua thịt heo tại các cơ sở bán thịt có thể truy xuất nguồn gốc để nấu ăn cho gia đình chứ không tẩy chay hoàn toàn”. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Út (phường 2, TP.Tân An) nói: “Dịch bệnh đang bùng phát nhưng hiện nay trên địa bàn các huyện, thành phố, ngành chức năng kiểm soát chặt lắm. Thịt heo không bảo đảm chất lượng sao ra được đến chợ chứ! Giờ mà tẩy chay thịt heo thì đúng là rất khó, bởi đó là nguồn thực phẩm phổ biến, dễ chế biến hơn tất cả những món ăn làm từ thịt động vật khác. Theo tôi, hiện nay, người tiêu dùng nên tìm nguồn cung ứng thịt heo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng chứ không nên tẩy chay thịt heo”. Cùng với đó, nhiều chủ cửa hàng thịt heo tại chợ phường 2, TP.Tân An, cho rằng, hiện nay, nguồn hàng cung ứng cho các sạp thịt ở đây là thực phẩm đã qua kiểm dịch và từ những trang trại nuôi heo sạch, có tem mác kiểm định đàng hoàng.

Người dân an tâm sử dụng sản phẩm thịt heo đã qua kiểm dịch

Để bảo đảm người tiêu dùng an tâm dùng sản phẩm an toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo: “UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát, trực ban 24/24 giờ tại các trạm chốt, ngăn chặn mọi hình thức buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo trái phép vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra các lò giết mổ vì giết mổ là khâu có nguy cơ xảy ra mất an toàn, vệ sinh thực phẩm nhiều nhất, cũng là khâu khó quản lý nhất. Vì vậy, hoạt động giết mổ heo trong tình hình có DTHCP càng được thắt chặt hơn. Ngành thú y cần tăng cường giám sát, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm, kiểm tra mẫu heo sống trước khi đưa vào lò giết mổ và hậu kiểm sản phẩm thịt trước khi cho xuất lò”.

Ngày 19/3/2019, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền làm Trưởng đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống DTHCP tại Đức Hòa.

Hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện Đức Hòa có hơn 17.000 con và 4 cơ sở giết mổ quy mô lớn. Trước tình hình DTHCP, huyện tăng cường phòng, chống, thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ, các trang trại chăn nuôi; phối hợp Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tiếp nhận các loại vắc-xin phục vụ tiêm phòng theo kế hoạch. Các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tích cực vận động người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên theo hướng dẫn của cơ quan thú y; tiêm phòng các loại vắc-xin khác như lở mồm long móng, tai xanh,...

Đoàn kiểm tra thực tế các chốt chặn kiểm dịch tạm thời trên Đường tỉnh 823 và 824. Các chốt chặn này được thành lập từ ngày 13/3 nhằm kiểm soát các xe vận chuyển heo và sản phẩm từ heo lưu thông qua địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Truyền đề nghị huyện cần tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra nguồn gốc động vật, sản phẩm từ động vật được tiêu thụ trên địa bàn và nhập về từ nơi khác; tăng cường kiểm soát tại các cơ sở giết mổ tập trung...

Thảo Nguyên-Nhật Huy

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết