Người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do giá tôm liên tục giảm
Giá tôm xuống thấp
Vừa thu hoạch 0,6ha tôm thẻ, anh Nguyễn Văn Công (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Từ đầu năm 2023 đến nay, thời tiết không thuận lợi cho nuôi tôm. Dù không phát sinh dịch bệnh nhưng tôm chậm lớn. Cùng với đó, chi phí nuôi tôm tăng trong khi giá tôm lại giảm nên dù vụ nuôi này khá suôn sẻ nhưng tôi không có lãi”. Chi phí anh Công đầu tư cho ao tôm từ lúc thả giống đến khi thu hoạch khoảng 150 triệu đồng nên dù thu hoạch được trên 2 tấn tôm, bán 70.000 đồng/kg nhưng anh Công vẫn không có lãi.
Còn anh Võ Thành Trung (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) và nhiều người nuôi tôm lân cận đang “treo ao”, chưa dám thả nuôi vụ mới. “Hiện nay, 10 người nuôi tôm thì hết 4 người “treo ao”, số còn lại chỉ thả nuôi cầm chừng, không dám đầu tư. Nếu giá tôm tiếp tục neo ở mức thấp như hiện nay thì sẽ ngày càng có nhiều hộ “treo ao” vì không còn vốn để thả nuôi vụ mới” - anh Trung cho biết.
Đối với người nuôi tôm, việc ngừng nuôi, “treo ao” đồng nghĩa với nguồn thu nhập chính của gia đình bị cắt đứt. Ông Nguyễn Văn Đông (xã Tân Ân, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Dù biết sẽ gặp khó khăn do giá tôm ở mức thấp nhưng nếu không thả nuôi, để ao trống thì lại tiếc nên tôi thả nuôi vụ mới. Vụ này, tôi thả lượng con giống ít hơn, chỉ bằng một nửa so với các vụ trước. Hy vọng, giá tôm những tháng cuối năm sẽ được cải thiện”.
Nhiều người nuôi tôm cho biết, hiện nay chỉ thả nuôi cầm chừng hoặc chuyển từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang tôm sú để giảm chi phí, kéo dài thời gian, chờ giá tôm thẻ phục hồi.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin: “Những tháng qua, giá tôm trên thị trường khá thấp. Vì vậy, người nuôi cần chọn thời gian và phương án phù hợp. Nhìn chung, việc nuôi tôm năm nay gặp khá nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường. Đến nay, huyện có trên 6ha ao nuôi tôm bị thiệt hại do sốc môi trường và bệnh đốm trắng, gan tụy cấp”.
Kỳ vọng thị trường cuối năm
Giá tôm thẻ chân trắng đang ở mức rất thấp, chỉ từ 55.000-75.000 đồng/kg (loại 100-110 con/kg)
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, lũy kế đến nay, diện tích tôm nuôi toàn tỉnh khoảng 5.400ha (tôm sú khoảng 405ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 4.995ha), bằng 80% kế hoạch, bằng 105% so cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch trên 4.545ha, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha; sản lượng trên 15.728 tấn, đạt 80,3% kế hoạch và bằng 123,9% so cùng kỳ. Tổng diện tích thiệt hại trên tôm 64,17ha (tôm sú khoảng 7,72ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 56,45ha), chiếm 1,3% diện tích thả nuôi.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá tôm bắt đầu tăng trở lại tuy không nhiều nhưng cũng là tín hiệu tích cực để người nuôi có thêm động lực, tiếp tục vụ nuôi với hy vọng giá tôm sẽ dần phục hồi trong những tháng cuối năm. Hiện giá tôm thẻ loại 100-110 con/kg dao động từ 55.000-75.000 đồng/kg, loại 60-80 con/kg dao động từ 90.000-105.000 đồng/kg, loại 30-40 con/kg dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg. Giá tôm sú loại 50 con/kg trở lên dao động từ 130.000-145.000 đồng/kg, loại 30-40 con/kg dao động từ 170.000-180.000 đồng/kg.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn, với tình hình hiện nay, người nuôi tôm cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thả nuôi vụ mới; đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp các địa phương cần chủ động liên kết người nuôi tôm lại với nhau, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để mua chung, bán chung và tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Hiện nay, giá cả thị trường đang là thách thức nhưng cũng là cơ hội để người nuôi tôm tổ chức lại sản xuất, cải thiện môi trường nuôi; tìm hiểu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng con tôm./.
Minh Tuệ