Tiếng Việt | English

03/01/2025 - 18:22

Người nhạc sĩ triệu views nhưng ‘mù’ nhạc

Anh Phạm Hưng có hàng chục bản nhạc được các ca sĩ nổi tiếng ở TP.HCM hát, phát trên mạng xã hội và phát karaoke, bài nào cũng có hàng triệu views. Hàng tháng, anh đều nhận được tiền triệu tác quyền từ các tác phẩm của mình nhưng anh lại “mù” nhạc, một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết.

Tài xế, nhạc sĩ Phạm Hưng và một bài hát được đăng ký tác quyền của Phạm Hưng

Nhạc sĩ “mù” nhạc

Chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm Google tên các bản nhạc Gánh thị phi, Hai thước đất, Lẽ đời,..., người tìm sẽ nhận được hàng chục kết quả là những MV của các ca sĩ nổi tiếng ở TP.HCM trình bày. MV nào cũng có trên dưới triệu views, cùng nhiều clip karaoke các bài hát. Tác giả các bài hát nói trên là Phạm Hưng, hiện sống và làm nghề tài xế tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước.

Anh tên thật là Phạm Trần Hoàng Hưng, SN 1986, xuất thân trong gia đình gốc nông dân nghèo. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ, phải lao vào cuộc mưu sinh. Anh trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, từ làm công trên sà lan chở vật liệu xây dựng quanh năm lênh đênh trên sông nước đến làm công nhân trong một công ty ở tỉnh Bình Dương. Đến khi học được nghề lái xe thì anh trở về quê nhà làm tài xế, lập gia đình. Cuộc sống dần ổn định cho đến nay.

Vừa làm tài xế, anh vừa để tâm tìm hiểu công việc của nghề môi giới bất động sản, ở quê anh gọi là “cò đất”. Cũng trong quá trình ấy, chứng kiến những chuyện vui, buồn vì đất đai, sẵn trong người có máu văn nghệ kết hợp với khiếu viết văn, khiếu ca hát từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Phạm Hưng tập tành “sáng tác nhạc” để tự hát, tự nghe. Không hề biết nhạc lý, anh sáng tác nhạc bằng cách chọn điệu nhạc bolero mà mình yêu thích, rồi nghĩ ra ca từ, giai điệu, ghép chúng lại với nhau, đặt tên bài hát là Hai thước đất.

Thành công ngay từ bài hát đầu tiên

Anh Phạm Hưng hát bài Hai thước đất cho bạn bè nghe, được mọi người khen hay, khuyến khích anh gửi cho ca sĩ chuyên nghiệp hát. Vì không biết nhạc lý, anh mang bài hát được ghi âm giọng ca của chính mình nhờ người rành nhạc ký âm giúp, xong đem bài hát lên TP.HCM nhờ các nhạc sĩ hòa âm, phối khí. Bài hát may mắn được ca sĩ Lê Minh Trung chú ý bởi hợp giọng, hợp với hiện trạng xã hội.   

Bài hát Hai thước đất của Phạm Hưng qua phần trình bày của ca sĩ Lê Minh Trung sau khi được phát trên mạng xã hội đã được đông đảo người yêu nhạc tán thưởng, đến nay có khoảng 35 triệu views trên YouTube và hàng chục triệu views trên các nền tảng mạng xã hội khác. Bài Hai thước đất với những ca từ da diết "Đêm nằm suy tư, ngẫm chuyện nhân thế sự mà thấy trong lòng đau xót. Đốt điếu thuốc nhìn thời gian đếm ngược. Từng giây phút trôi nhanh thấy đời sao quá mong manh. Hôm qua tình cảm chân thành, giờ quay lưng ngoảnh mặt xem nghĩa tình thua mảnh đất..." trên nền nhạc bolero trữ tình đã tạo thiện cảm trong lòng người yêu nhạc gần xa. Cũng theo lời khuyên của bạn bè, Phạm Hưng nhờ luật sư làm thủ tục đăng ký tác quyền bài Hai thước đất ở Cục Bản quyền Tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thành công từ bài hát đầu tay Hai thước đất đã tạo động lực để anh “viết” thêm nhiều bài khác với những chủ đề khác nhau, theo cùng một cách như đã kể. Về sau, khi các tác phẩm của Phạm Hưng nổi tiếng trên mạng, anh không còn phải nhờ ca sĩ hát mà các ca sĩ chủ động đến xin hát bài của anh. Đến nay, anh có gần 30 nhạc phẩm, hầu hết đều được đăng ký tác quyền. Nhiều bài được ca sĩ phát trên mạng xã hội, trong đó bài hát Lẽ đời với phần trình bày của ca sĩ Hiệp Vịt đã thu hút hơn 5 triệu views trên YouTube và hàng chục triệu views trên các nền tảng mạng xã hội khác. Bài Lẽ đời cũng trên nền nhạc bolero với những ca từ nghe mà thấm thía: “Ngày xưa... khi còn trắng đôi tay, mình chung một nẻo đường, sương gió đi qua. Chia nhau... từng manh áo vá. Giữa mùa đông buốt giá. Tuy nghèo mà đậm nghĩa tình. Anh em bọn mình nguyện suốt đời không toan tính... Trần gian... kiếp người vốn trôi nhanh, lá rồi cũng xa cành, cuộc sống mong manh. Hư danh... rồi đây cũng mất. Chỉ còn hai thước đất. Cát bụi trở về cát bụi. Cô đơn ngậm ngùi nhắm mắt lại chôn vùi mồ sâu”.

Tự hào là người Cần Đước

Trong số các bài hát đã đăng ký tác quyền, Phạm Hưng có nhiều bài viết về quê hương và gia đình như Xuân yêu thương trên quê hương Cần Đước, Tâm tình người Cần Đước, Đêm trăng nhớ mẹ, Nợ mẹ lối đi về, Hoa trắng mùa Vu Lan, Gửi cha lời chưa nói,... Anh Phạm Hưng chia sẻ: “Chính quê hương Cần Đước - cái nôi của đờn ca tài tử, đã gieo vào tâm hồn tôi tình yêu âm nhạc từ nhỏ. Quê hương anh hùng và xinh đẹp, hình ảnh người Cần Đước cần cù, nghĩa tình đã tạo cảm xúc và khơi gợi cho tôi nhiều ý tưởng sáng tạo”.

Thật dễ hiểu khi tác phẩm anh yêu thích nhất là Xuân yêu thương trên quê hương Cần Đước với ca từ mộc mạc mà sâu lắng: “Mùa xuân về trên quê hương Cần Đước. Là mùa xuân đẹp nhất lòng tôi. Ở nơi đó có gia đình, có bạn bè và những người thân. Có cha ông năm tháng dài tảo tần. Có cây mai bên hiên trổ bao lần. Có ai ngồi, chờ mong ai... Lời ca này mong quê hương Cần Đước. Một mùa xuân nguyện ước thành công. Cùng nhau đón tết sum vầy, phước lộc đầy may mắn tràn tay. Gió xuân lay tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Trắng đêm nay vui giao thừa không ngủ. Có nơi nào tết vui như Cần Đước quê mình!”. Bài hát đã được Trung tâm Văn hóa Thông tin và Truyền thanh huyện Cần Đước phát liên tục trong dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024 vừa qua.

Dù không biết về nhạc lý nhưng bằng cách riêng của mình, anh Phạm Hưng đã sáng tác gần 30 bài hát, đăng ký quyền tác giả, được những ca sĩ nổi tiếng hát và phát hành rộng rãi như Lâm Hùng, Lê Minh Trung, Đạt Võ, Hồng Yến, Viên Nghiệp, Lê Thị Dần, Hiệp Vịt, Trần Đức Tuấn, Phi Bằng, Như Hoa,... Trong 2 năm gần đây, Phạm Hưng đều đặn nhận tiền tác quyền cho các tác phẩm của mình, cứ 3 tháng 1 lần, mỗi lần đôi ba triệu đồng. Hiện Phạm Hưng tìm thầy theo học nhạc lý, học đàn ghi ta để trợ giúp cho việc sáng tác của mình./.

Nguyễn Phấn Đấu

Chia sẻ bài viết