Di sản viên Phan Thị Kim An đọc lại ghi chép trước khi làm lý lịch hiện vật
1. Cầm chiếc yếm trẻ em trên tay, di sản viên Phan Thị Kim An say sưa kể về câu chuyện xung quanh chiếc yếm, về người đã tặng yếm cho chị. Chị An kể: “Đây là một trong những hiện vật chúng tôi sưu tầm được trong quá trình sưu tầm chuyên đề tù chính trị Côn Đảo ở Long An. Cô đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đầy cảm xúc. Chiếc yếm này cô thêu tặng cháu mình khi cô đang bị giam ở Côn Đảo. Chiếc yếm thêu đẹp cả 2 mặt. Lúc đến gặp cô, nghe cô kể chuyện, tôi càng cảm thấy trân quý hiện vật mà cô tặng. Nhìn nó, tôi có cảm giác mình nhìn thấy một phần quá khứ hào hùng của ông cha”.
Vừa trở về từ đợt sưu tầm hiện vật về tù chính trị ở Côn Đảo, chị An gần như vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc về chuyến đi của mình. Suốt hơn 1 tháng, chị cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp các huyện trong tỉnh, đến nhà cựu chiến binh từng là tù binh chính trị tại Côn Đảo để hỏi thăm và sưu tầm hiện vật. Đi sớm, về khuya là chuyện bình thường dù hành trình chỉ có 2 cô gái trẻ. Chị An chia sẻ: “Vì chuyên đề này thời gian thực hiện ngắn nên chúng tôi phải tranh thủ làm thật nhanh. Khi nhận được chuyên đề sưu tầm, chúng tôi gần như chẳng có chút manh mối nào, vừa phải tìm đọc tài liệu để có thêm thông tin, vừa liên hệ các huyện để xin danh sách các cựu tù Côn Đảo. Sau khi lọc danh sách, chúng tôi có hơn 100 điểm cần đi trong khoảng 1 tháng ở tất cả huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh nên phải tranh thủ thời gian nhiều nhất có thể”.
Hiện vật chiếc yếm thuộc chuyên đề tù chính trị Côn Đảo ở Long An
Ngoài sưu tầm, chị An còn lắng nghe câu chuyện của người gửi tặng, thu thập thông tin cần thiết để làm lý lịch hiện vật. Mỗi câu chuyện chị đều ghi chép kỹ, tất cả chi tiết thu thập được đều không thể bỏ qua, bởi đó hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn tạo nên giá trị của hiện vật được trưng bày. Sau đó, chị đối chiếu thông tin với hồ sơ, sách vở, văn tự để có được thông tin chính xác, cảm xúc.
Trong suốt hơn 1 tháng đến thăm trên 100 cựu tù Côn Đảo, chị An và đồng nghiệp sưu tầm được gần 50 hiện vật. Chị An nói: “Có nhiều cô, chú giữ rất kỹ các vật kỷ niệm nhưng cũng có người không giữ lại gì vì những hiện vật như vỏ gối, lược chải tóc chỉ có giá trị về mặt tinh thần. Đối người làm công tác bảo tàng thì hiện vật đó là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử nhưng với gia đình, đó là vật kỷ niệm. Nếu các cô, chú qua đời, có thể người thân muốn gửi hiện vật ấy theo người đã mất thì sẽ không thể nào tìm lại được”.
2. Công tác sưu tầm hiện vật được xem là hoạt động thường xuyên của chị An và đồng nghiệp. Theo Trưởng phòng Bảo tàng (Bảo tàng - Thư viện tỉnh) - Thạc sĩ Bảo quản di sản văn hóa Nguyễn Phương Thảo, mỗi năm, Bảo tàng - Thư viện tỉnh đều có những chuyên đề sưu tầm riêng.
Song song đó, hoạt động sưu tầm luôn được mọi người kết hợp trong các hoạt động khác. Đó được xem là công việc thường xuyên, liên tục của người làm công tác bảo tàng.
Thạc sĩ Bảo quản di sản văn hóa Nguyễn Phương Thảo sưu tầm hiện vật chén sứ cho chuyên đề về đời sống người Long An xưa
Hiện tại, Bảo tàng - Thư viện tỉnh trưng bày trên 14.200 hiện vật, trong đó có 68 hiện vật quý, 1.800 hiện vật lịch sử, trên 3.800 hiện vật khảo cổ,... thuộc nhiều chuyên đề khác nhau: Khảo cổ tiền sử, khảo cổ Óc Eo, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ,... Các chuyên đề đều đã kết thúc đợt sưu tầm trong nhiều năm trước nhưng đến hiện tại, các di sản viên, người làm công tác sưu tầm vẫn kết hợp sưu tầm hiện vật liên quan những chuyên đề đó trong quá trình công tác. Bà Thảo chia sẻ: “Công tác sưu tầm được xem là nhiệm vụ thường xuyên ở bảo tàng. Mỗi người chúng tôi khi làm việc ở đây đều biết rõ bảo tàng hiện có những chuyên đề nào, cần những hiện vật gì. Trong quá trình đi công tác hoặc sưu tầm cho các chuyên đề khác, nếu gặp hiện vật phù hợp các chuyên đề hiện có tại bảo tàng, chúng tôi đều sưu tầm về bổ sung cho bảo tàng”.
Bức ảnh Đội nữ pháo binh Đức Huệ vừa được bổ sung của người phụ nữ lau súng cối, đội khăn trắng và người đàn ông duy nhất trong ảnh
Hiện tại, dù đã làm công tác quản lý, không thường xuyên trực tiếp đi sưu tầm hiện vật nhưng bà Thảo cũng luôn quan tâm đến việc sưu tầm. Bà Thảo kể: “Đi đến đâu, người sưu tầm cũng để tâm xem có hiện vật nào cần cho bảo tàng hay không, đặc biệt là các hiện vật về văn hóa, đời sống cư dân Long An qua các thời kỳ”. Trong kho của phòng bảo tàng hiện có nhiều chum, vại, chén sứ,... vốn là vật dụng thường ngày của người dân trước đây, ngoài ra còn có cặp rồng của đình làng xưa. Đó đều là những vật dụng “hết thời” không còn giá trị với người dân nhưng với người làm bảo tàng lại là những hiện vật có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và khoa học. Nâng niu những chiếc chén, dĩa sứ, bà Thảo nói: “Đây là vật dụng thường ngày thời trước. Bây giờ cũng có nhiều nơi làm mới sản phẩm này nên khi sưu tầm, chúng tôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kiến thức của bản thân để thẩm định, thường là thông qua hoa văn, khối lượng, chất lượng sản phẩm,...”.
Có được hiện vật, công tác làm lý lịch hiện vật cũng đòi hỏi nhiều công sức. Với các hiện vật thu thập được thông tin chi tiết thì mọi việc tương đối dễ dàng, với các hiện vật là hình ảnh, việc tìm kiếm thông tin hết sức khó khăn. Có những hiện vật phải làm lý lịch trong suốt nhiều năm và vẫn phải tiếp tục tìm thông tin cho đến khi hoàn thiện. Bức ảnh Đội nữ pháo binh Đức Huệ là một minh chứng. Mặc dù đã có thông tin về người tặng ảnh, thời điểm chụp ảnh nhưng để có thêm thông tin chi tiết, bà Thảo cùng những người làm việc tại bảo tàng phải tiếp tục tìm hiểu và bổ sung thông tin về họ tên, quê quán một vài nhân vật có mặt trong ảnh cách đây không lâu.
Hiện vật rồng trên mái đình xưa được cất giữ trong kho của phòng Bảo tàng
Bà Thảo nói vui, người làm công tác sưu tầm thường đi “nhặt nhạnh, xin xỏ” hiện vật. Nhưng đâu chỉ có vậy, để những gì “nhặt nhạnh” được trở nên giá trị, để những thứ tưởng chừng “không biết làm gì” có thể “kể được câu chuyện” phía sau thì phải có bàn tay và khối óc của người làm công tác sưu tầm./.
Quế Lâm