Tiếng Việt | English

03/05/2018 - 14:44

Người lính Cụ Hồ ngày ấy - bây giờ

Thấm thoát 43 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, người lính Cụ Hồ năm xưa nay cũng đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Mặc dù sức khỏe suy giảm dần nhưng trong tâm trí ông vẫn đầy ắp kỷ niệm về một thời hoa lửa, được kề vai, sát cánh cùng đồng đội trên chiến trường.

Vì lý do sức khỏe, hiện nay, ông Trần Kim Trọng không còn tham gia công tác. Niềm vui của ông bây giờ là chăm sóc cây cảnh và tận hưởng cuộc sống  bình yên bên người vợ hiền gắn bó với ông hơn 43 năm qua

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại huyện Cần Đước, gặp cựu chiến binh (CCB) Trần Kim Trọng. Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở ấp 2A, xã Tân Ân với vườn cây trái rợp bóng mát. Nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen được treo trang trọng ở phòng khách. Bên tách trà thơm, ông Trọng bùi ngùi kể chuyện xưa, những câu chuyện mà có lẽ suốt cả cuộc đời này, ông không thể nào quên. 

Ông Trần Kim Trọng tên thật là Trần Văn Nhì (còn gọi là Tám Oanh), sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Tháng 4/1947, mới 17 tuổi, ông tham gia cách mạng ở Ban Công tác số 2, Trung đoàn 115 của tỉnh Long Châu Sa (tỉnh Đồng Tháp ngày nay). Xông xáo, nhiệt tình trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tháng 9/1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước khi tập kết ra Bắc vào tháng 9/1954, ông Trọng có hơn 7 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Đồng Tháp. Tại đây, ông cùng đồng đội đối đầu với những thử thách ác liệt, gánh chịu những làn bom, mũi đạn, chất độc hóa học của kẻ thù. Thế mà, người chiến sĩ ấy vẫn nêu cao khí tiết, chiến đấu ngoan cường, lập nên nhiều chiến công. “Tôi nhớ nhất trận Tân Phú (thuộc huyện Tân Hồng), lúc đó, tôi là trinh sát đặc công. Tổ của tôi chỉ có 3 người nhưng phải chiến đấu với một đại đội của địch. Tình thế lúc ấy như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng tôi và đồng đội quyết tâm không lùi bước. Sau một ngày chiến đấu 
hết sức cam go, cuối cùng phần thắng cũng thuộc về ta” - ông tự hào kể.

Năm 1960, sau 6 năm được học tập, rèn luyện ở Trung đoàn 658, Sư đoàn 338 đóng ở Ba Vì (Hà Tây), ông được điều động vào Nam nhận nhiệm vụ Trưởng ban Bảo vệ nội bộ tỉnh Kiến Tường. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt khi Mỹ đem quân viễn chinh tham chiến trên chiến trường miền Nam, ông Trọng được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn 520 hoạt động ở huyện Cần Đước. Trong những năm tháng chiến đấu tại đây, dù nhiều lần bị thương nặng, có lúc tưởng chừng hy sinh nhưng ông vẫn kiên cường cùng đồng đội chiến đấu đến ngày thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, ông được Quân khu điều về Trường Quản huấn Đồng Tháp. Sau đó, ông tiếp tục chuyển công tác đến Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 9 (đóng ở Cần Thơ), rồi làm Chính trị viên Huyện đội Cao Lãnh (Đồng Tháp). Thời điểm năm 1977, bọn phản động Pol Pốt-Ieng Sary mở cuộc tiến công với quy mô lớn dọc biên giới Campuchia - Việt Nam, tàn sát nhân dân ta, phá hoại nhiều làng mạc, tài sản,... Với kinh nghiệm trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Trọng cùng đồng đội tiếp tục cuộc chiến bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam. 

Tháng 02/1979, ông Trọng là một trong số những cán bộ đợt đầu tiên được chọn thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Sau hơn 5 năm chiến đấu, ông Trọng được cấp trên điều về làm Phó Chủ nhiệm Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, rồi làm Chủ nhiệm Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An cho đến ngày nghỉ hưu. Ông Trọng nhẩm tính, trong 39 năm binh nghiệp, ông tham gia gần 30 trận tránh lớn và vô số trận đánh nhỏ mà ông không thể nào nhớ hết. Với sự dũng cảm, mưu trí và lòng yêu nước, ông cùng đơn vị giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần đưa cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc đi đến ngày toàn thắng.

Năm 1986, ông xuất ngũ, dù cơ thể không còn lành lặn do vết thương chiến tranh, thương binh 2/4 Trần Kim Trọng vẫn tích cực tham gia sản xuất. Năm 1990, ông được đồng đội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cần Đước. Đến năm 2000, ông chuyển về công tác tại ấp với vai trò Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh. Ông Trọng chia sẻ: “Điều tự hào nhất với tôi cho đến bây giờ là giữ trọn khí chất của người lính Cụ Hồ và gia đình đầm ấm, hạnh phúc với người vợ hiền, con cháu ngoan ngoãn, thành đạt”. 

Chiến tranh lùi xa 43 năm nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khó nhưng rất đỗi tự hào vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính già. 88 tuổi đời, 69 tuổi Đảng, hiện nay, dù không còn tham gia công tác nhưng ông Trọng luôn sống có trách nhiệm với gia đình, địa phương, được mọi người xung quanh kính trọng./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết