Tiếng Việt | English

26/10/2018 - 10:27

Người kể chuyện Nam bộ

Từ hơn 5 năm nay, giới viết văn ở TP.HCM hay gọi ông Trần Bảo Định (74 tuổi) là người kể chuyện Nam bộ, vì tác phẩm nào của ông khi ra mắt cũng đậm đà tình đất, tình người phương Nam.

Năm nay, ông Trần Bảo Định sẽ tiếp tục cho ra mắt 3 tác phẩm

Sáng nào, ông cũng đi bộ trên tuyến đường Hoàng Sa, sau đó ghé vô quán cà phê quen thuộc để cùng những người bạn già “trà dư tửu hậu”. Nhìn vóc dáng khỏe khoắn cùng giọng nói rôm rả, đặc sệt Nam bộ, không ai nghĩ ông Bảo Định mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo gần 10 năm nay. Ông kể, khi phát hiện bệnh vào năm 2009, ông chưa bao giờ để mình rơi vào trạng thái tuyệt vọng mà vẫn sống vui vẻ, lạc quan. Chỉ khi cơn đau xuất hiện, ông phải làm một việc gì đó để quên nó đi. Và ông chọn viết văn. “Mỗi lần tập trung viết, tôi cảm thấy không còn đau nữa. Chỉ nghĩ đến viết ra thật nhanh những câu chuyện đang chất chứa trong đầu mình” - ông tâm sự.

Thế là những truyện ngắn, tạp bút lần lượt ra đời. Ông Trần Bảo Định gởi đến tòa soạn các báo và nhanh chóng, những câu chuyện bình dị xuất hiện ở nhiều chuyên mục với bút danh Cao Thị Hoàng, Lê Kim Phượng. Thời gian trôi qua, sáng tác trở thành phương thuốc hiệu nghiệm để ông quên những cơn đau đang hành hạ cơ thể mình. Những bài viết của ông xuất hiện trên báo nhiều hơn. Độc giả của Kiến Thức Ngày Nay, Văn Hóa Phật Giáo, Sài Gòn Giải Phóng,... ngày càng quen với những câu chuyện về con người và cảnh sắc Nam bộ cùng giọng văn chân thật, không nhiều dụng công mà cứ thủ thỉ như người kể chuyện.

Năm 2014, tập bút ký đầu tiên của ông ra đời với Kiếp Ba khía (NXB Văn hóa Văn nghệ). 2 năm sau đó, ông tiếp tục giới thiệu đến độc giả 2 tập Đời bọ hung và Phận lìm kìm, đều của NXB Văn hóa Văn nghệ. Đến năm 2017, tác giả quê Long An cho ra mắt đến 4 tác phẩm mới: Đất phương Nam ngày cũ, Ông già Nam bộ nhiều chuyện (2 tập, NXB Hội Nhà văn) và tạp bút Chim phương Nam (NXB Văn hóa Văn nghệ). Mỗi tác phẩm như một phần ký ức của ông về những vùng đất Nam bộ mà ông đã sống và chiến đấu. Đó không chỉ là những ký ức về con người mà ngay cả những loài sinh vật của miền đất mênh mông sông nước miền Tây cũng để lại cho ông nhiều thương nhớ.

Trong “bộ sưu tập” về vùng Nam bộ ấy, ông Trần Bảo Định luôn dành cho vùng Đồng Tháp Mười, Long An một tình cảm đặc biệt. Có lẽ vùng đất này đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất trong những ngày còn đi đánh giặc hay giai đoạn đầu khai hoang khi ông công tác tại Nông trường Lúa Vàng. Không nói chuyện gì cao xa, ông già “nhiều chuyện” Trần Bảo Định cứ nhẩn nha kể những câu chuyện đời thường. Vậy mà những câu chuyện tưởng chừng như không có gì đáng để kể ấy lại trở nên sinh động, ẩn chứa nhiều nỗi niềm của tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc. Điều đó dễ dàng thấy được trong quyển tạp bút Chim phương Nam, một trong những tác phẩm của ông được bạn đọc yêu thích trong 2 năm qua. Ông viết về loài chim sẻ, le le, mỏ nhác, giang sen, bìm bịp,... một cách tự nhiên nhưng đầy tinh tế. Mỗi loài đều có đặc tính khác nhau, đều mang một tính cách điển hình để có thể duy trì, bảo vệ nòi giống của mình. Như câu chuyện cánh chim thằng chài, đây là sáng tác đầu tiên của ông về loài chim miền sông nước Nam bộ và cũng là một lát cắt của tuổi thơ ông. Ông kể, hồi nhỏ ông rất thích rình bắn thằng chài bằng cái ná thun. Một lần bắn thằng chài rớt bến sông, ông bị má đánh đòn. Má ông nói: Sao con cướp đi sự sống của nó? Rồi, ai cướp sự sống của con? Má kêu ông ra vớt con chim vừa bị thương lên. Ông làm theo lời má. Nhưng vừa ra bến sông, ông đã thấy hai thằng chài khác đã đưa bạn mình qua bên kia mé rạch. Ông chăm sóc vết thương và cho nó ăn. Nhưng đút thứ gì, con chim vẫn không thèm ăn. Ít lâu sau, vết thương thằng chài đã lành nhưng nó vẫn không bay được. Ông liền đem nó ra vườn. Và một sớm tinh mơ, ông đã nhìn thấy một cảnh tượng mà ông không bao giờ quên được. Bầy thằng chài bu quanh bạn nó đút mồi. Thằng chài bỗng vươn đôi cánh rồi bay theo lũ bạn. Nó hót mấy tiếng như cảm ơn ông. “Thằng chài chính cống “thú diện nhơn tâm”” - ông Trần Bảo Định cười đắc ý.

Trong 27 câu chuyện Chim phương Nam, độc giả đều nhận thấy, tuy nói về loài chim nhưng thật ra ông đang nói chuyện con người. Những điều ông muốn chia sẻ cứ bật ra tự nhiên, thấm vào lòng người đọc lúc nào không hay.

Mỗi ngày ông già “nhiều chuyện” Trần Bảo Định vẫn viết đều đặn như một nhà văn chuyên nghiệp, dù ông không nhận mình như thế và từ chối tất cả hội hè hay giải thưởng lớn nhỏ. Ông sẽ cho ra mắt tiếp 3 tác phẩm nữa trong năm nay, vẫn là những câu chuyện dung dị về vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Và ông sẽ còn tiếp tục kể nhiều câu chuyện Nam bộ nữa với tấm lòng chân thành của mình cho đến ngày hết nợ với kiếp người./.

Bảo Linh

Chia sẻ bài viết