Tiếng Việt | English

25/12/2023 - 09:44

Người kể chuyện lịch sử bằng mô hình

Có một người đã dành gần 10 năm làm khu vườn nhằm sưu tầm, phục dựng khoảng 50 công trình lịch sử - văn hóa Việt, trong đó có Quảng trường Ba Đình gắn với hình ảnh Ngày Quốc khánh 02/9. Khu vườn Kỳ Duyên có diện tích 3.000m2 luôn rộng cửa đón khách đến tham quan, thưởng lãm, chụp ảnh hoàn toàn miễn phí. Để khi ra về, ai cũng có cảm giác “sơn hà in vào tim”.

Khu vườn thu hút khách tham quan

Chuẩn bị kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2023, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu (Trưởng ban Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Long An, thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh) khá bận bịu khi ngoài công việc cơ quan, ông còn chuẩn bị đón nhiều khách đến chơi, tham quan khu vườn Kỳ Duyên của ông ở thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước. Trong cuốn sổ tay nhỏ, ông ghi chi chít lịch hẹn và các việc cần chuẩn bị.

Trong đó, ngày 29/8/2023, tiếp đoàn khách của thầy giáo về hưu Nguyễn Văn Định (Hội Di sản văn hóa TP.HCM). Thầy Định có lần được học trò cũ đưa đến chơi tại khu vườn của ông Đấu và rất tâm đắc với không gian văn hóa - lịch sử nơi đây. Thầy đã đóng góp nhiều ý kiến để khu vườn hay hơn, trong đó có bảng liệt kê các quốc hiệu của nước ta suốt chiều dài lịch sử và “lược đồ dòng chảy văn học” của đất nước.

Khu vườn Kỳ Duyên tái hiện lịch sử và văn hóa Việt qua các mô hình, cách tạc tượng, đề thơ,...

Đúng dịp 02/9/2023, ông Đấu đón nhóm bạn học cũ từ thời đại học (khoảng 10 người) từ TP.HCM về chơi. Một năm trước, nhóm bạn này từng đến chơi, năm nay rủ nhau trở lại khu vườn. Họ có một đêm lửa trại trong không gian văn hóa - lịch sử nước nhà.

Còn cô giáo Lê Thị Bạch Tuyết (Trường Tiểu học Tân Lân, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) cũng dự định đưa một số học trò đến tham quan khu vườn của ông Đấu nhằm giúp các em có thêm kiến thức về lịch sử - văn hóa. Ông Chung Văn Tư - chủ tiệm vàng Hiệp Tài (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước), thì đưa con cháu ở xa về thăm quê đến dạo chơi khu vườn để thêm hiểu, thêm yêu quê hương.

Tái hiện lịch sử - văn hóa Việt

Cách đây hơn 10 năm, từ khu đất 3.000m2 do cha mẹ cho ở thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, ông Đấu bắt tay đào ao, trồng cây,... Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2015, khi về thăm mẹ (cha ông đã mất) và khu vườn, ông chợt nảy sinh ý tưởng biến nơi đây thành không gian lịch sử - văn hóa Việt. Rồi ông bỏ công phục dựng các công trình văn hóa - lịch sử của đất nước mà ông từng được chiêm nghiệm. Công trình đầu tiên là bản đồ Việt Nam dài 10m được tạo từ những viên gạch màu, nằm ở trung tâm khu vườn. Tại vị trí Thủ đô Hà Nội trên bản đồ, ông phục dựng cảnh Quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông dành hết những ngày nghỉ cuối tuần cho khu vườn, tự tay làm hầu hết các công trình, tác phẩm, chỉ những việc đòi hỏi chuyên môn cao như tạc tượng, xây dựng, gò hàn, ông mới thuê thợ. Cứ vậy, mỗi tháng một ít, mỗi năm thêm năm ba công trình - tác phẩm. Ông tái hiện lịch sử và văn hóa Việt bằng cách làm mô hình, tạc tượng, hiện vật, đề thơ,... Có những mô hình bằng hoặc lớn hơn kích thước thật, có cái thu nhỏ, ước lệ,... Bằng cách ấy, ông trình bày lịch sử - văn hóa Việt một cách trực quan, dễ tiếp nhận và khó quên.

Bước vào khu vườn, khách thấy ngay không gian các vua Hùng với bức tượng bán thân vua Hùng bằng kích thước người thật mà ông đã nhờ một người bạn là điêu khắc gia dày công tạc nên. Trên nền cảnh núi non hùng vĩ là đàn chim lạc bay cao và tên 18 đời vua Hùng cùng các truyền thuyết ở thời đại Hùng Vương như Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm, Bánh chưng Bánh dày,... Kế bên là “Cột cờ Quốc gia Lũng Cú - Hà Giang” bằng bêtông cao 4m với tấm biển chú thích: “Cột cờ Quốc gia Lũng Cú thuộc tỉnh Hà Giang, cực Bắc nước ta. Cột cờ có từ thời Lý Thường Kiệt, hiện cao trên 33m, lá cờ rộng 54m2, là biểu tượng của chủ quyền quốc gia”.

Ông Đấu còn làm một bản đồ Việt Nam khác tái hiện quá trình ông cha ta mở cõi về phương Nam với 2 câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Nhìn vào đây, một người ít hiểu biết lịch sử cũng dễ dàng xác định vào năm nào, đời vua (hoặc chúa) nào mở mang bờ cõi đến đâu; bên cạnh là Quốc kỳ và Quốc hiệu nước ta qua các triều đại.

Giữa khu vườn, cái ao rộng 400m2 được ông Đấu làm “hồ Gươm” với mô hình Tháp Rùa cao 1,5m và cầu Thê Húc bắc ngang. Ông còn cất công tìm mua “cụ Rùa” nặng 7kg để thỉnh thoảng rùa bò lên nằm bên Tháp Rùa. Trên bờ ao là “Bến Nhà Rồng” cao 3m cùng chiếc tàu Amiral Latouche Treville in bóng xuống mặt nước nhắc về cuộc hành trình vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải từng chia cắt đất nước cũng có vị trí trang trọng trong khu vườn bằng mô hình 3D với tấm biển “Nước Việt Nam thống nhất”. Trên sân thượng ngôi nhà nhỏ xinh là phiên bản Trống đồng Đông Sơn bằng kích thước thật, bao quanh là 3 bản Tuyên ngôn Độc lập được in rất đẹp - “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo” và “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được tái hiện bằng mô hình Hầm Đờ-Cát kích thước 3mx5m với lá cờ đỏ kiêu hãnh cắm trên nóc hầm.

Ông Đấu tái hiện chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy bằng cái giếng sâu đề “Giếng Trọng Thủy” là nơi Mỵ Châu từng tắm gội, cũng là nơi Trọng Thủy quyên sinh, chết theo vợ. “Sự tích Trầu Cau” cũng được tái hiện với cây cau non, bên cạnh là tảng đá vôi màu trắng cùng dây trầu sum suê quấn quanh thân cau và bò trên tảng đá vôi,...

Là người rất ngưỡng mộ Nguyễn Du, ông Đấu dành một góc trang trọng cho Đại thi hào với pho tượng nàng Kiều rất đẹp gần bằng kích thước người thật, ngồi trong tư thế đang tắm, bên cạnh là khạp nước ngâm hoa lan, phía sau cảnh rèm the che hững hờ và 2 câu thơ nổi bật dễ làm nao lòng những người yêu Truyện Kiều: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

Chiếc xuồng ba lá chở cây bút dài 2m, bên mạn thuyền ghi 2 câu thơ được viết thư pháp rất đẹp: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà như một cách tôn kính cụ Đồ Chiểu khá độc đáo. Nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi cũng có không gian riêng trong vườn, như: Tố Hữu (tác phẩm Theo chân Bác), Chế Lan Viên (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng), Lưu Trọng Lư (Tiếng thu), Hàn Mạc Tử (Gái quê), Nam Cao (Chí Phèo), Viễn Phương (Viếng lăng Bác), Đoàn Giỏi (Đất rừng phương Nam), Thế Lữ (Nhớ rừng), Chính Hữu (Đồng chí),... Trịnh Công Sơn và một số nhạc sĩ có tiếng cũng có không gian riêng trong khu vườn.

"Sơn hà in vào tim"

Khu vườn được chia làm 2 khu tách biệt, ngăn cách bởi hào rộng 10m, khu bên ngoài trồng cây xanh và hoa, khu bên trong trồng cây ăn trái. Liên kết 2 khu là cây cầu dây văng “Mỹ Thuận” bắc ngang sông Tiền. Bên kia cầu hiện lên sừng sững “mũi Cà Mau” cùng chiếc thuyền cao 3,1m đang ra khơi. Thắng cảnh một thời Hòn Phụ tử Hà Tiên từ lâu đã đổ mất hòn Phụ, chỉ còn hòn Tử nhưng trong khu vườn Kỳ Duyên, thắng cảnh Hòn Phụ tử Hà Tiên vẫn còn nguyên như đã từng với mô hình cao 2m nổi bật trên mặt nước. Bên cạnh là mô hình Đảo Hải Tặc huyền bí một thời ở vùng biển Kiên Giang,...

Dịp 30/4 năm rồi, họa sĩ Lê Đương (TP.HCM) đến chơi khu vườn và ký họa bức tranh kích thước 2x4m cảnh Dinh Độc Lập thời khắc trưa ngày 30/4/1975. Chủ khu vườn đã cho làm mô hình 2 chiếc xe tăng (số hiệu 390 và 483) đặt trước bức họa để thêm phần sinh động. Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu (TP.HCM) tình cờ biết đến khu vườn qua một người bạn, đã cùng nhóm bạn học đến thăm nơi này. Khi ra về, nhà thơ viết tặng khu vườn bài thơ, trong đó có đoạn: Cùng em về Cần Đước/Thăm khu vườn thân thương/Dạo một vòng đất nước/ Sơn hà in vào tim - Đây cột cờ Lũng Cú/ Hiên ngang chốn địa đầu/ Ba Đình thu năm cũ/ Đất nước đã khai sinh/Đứng bên chùa Thiên Mụ/ Nhớ ơn chúa Nguyễn Hoàng/ Thuở ban đầu Nam tiến/ Cho bờ cõi mở mang… Về Cà Mau đất mũi/ Ngàn năm sóng vỗ bờ/ Dòng phù sa mở cõi/ Rừng đước xanh dáng thơ…

Để thực hiện khu vườn Kỳ Duyên, người đồng hành và gợi cho ông Đấu nhiều ý tưởng thực hiện là Thạc sĩ sử học Nguyễn Văn Đông - nguyên giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, nguyên Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An. Theo ông Đông, đây là công trình văn hóa - lịch sử không nhằm mục đích kinh doanh phong phú nhất mà ông từng biết. Ngoài góp phần giáo dục văn hóa - lịch sử cho học sinh huyện Cần Đước, ông Đông mong muốn khu vườn còn là điểm tham quan của du khách khi đến thăm Cần Đước.

Còn ông Võ Trường Kỳ - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Long An (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mong muốn khu vườn còn là nơi gặp gỡ của giới văn, nghệ sĩ tỉnh với những hoạt động như đêm thơ; tác giả, tác phẩm; triển lãm tranh ảnh;... để thêm lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử của khu vườn./.

Nguyễn Võ

Chia sẻ bài viết