Với nhạc sĩ Trịnh Hùng, văn học dân gian, mà cụ thể là những điệu hò, khúc hát ru mang đậm giá trị truyền thống tốt đẹp rất cần được gìn giữ, kế thừa
“Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát”
(Xuân Quỳnh)
Những tưởng tiếng mẹ ru hời đang dần vắng bóng giữa guồng quay cuộc sống ngày nay. Nhưng không, vẫn có người âm thầm chắt chiu từng trang ký ức và gìn giữ những tinh hoa văn hóa của cha ông - người đi “nhặt” lời ru!
Chúng tôi đang nhắc đến nhạc sĩ (NS) Trịnh Hùng, người nhiều năm sưu tầm, ghi chép lại những câu hát đưa em, những điệu hò trên đất Long An, chỉ với ước mong duy nhất là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian ở địa phương nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc nói chung.
Với hầu hết người Việt Nam chắc không còn lạ gì âm điệu ngọt ngào trong tiếng “ầu ơ...” của bà, mẹ.
“Ầu ơ... Ví dầu cầu ván
đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh
khó đi…”
Đó là những âm thanh dìu dặt nhất, yêu thương nhất, là cội nguồn dân tộc mà mãi đến khi lớn lên, đi khắp nẻo chân trời, người ta vẫn không thể nào quên được. Có lẽ chính vì thế nên dù sống hết đời người, chuyện nhớ, chuyện quên nhưng câu hát, lời ru thì luôn sống mãi trong ký ức những người bà, người mẹ.
NS Trịnh Hùng kể, để sưu tầm được 1.000 câu hát đưa em, ông đi khắp các địa phương trong tỉnh, gặp những người lớn tuổi lắng nghe, ghi âm, ghi chép lại từng câu hát.
Ông nói: “Người nhỏ tuổi nhất tôi gặp cũng hơn 50 tuổi. Có những nghệ nhân ngoài 80 tuổi, sức yếu, giọng nói run run nhưng vẫn nhớ rất nhiều câu hát đưa em, như thể lời hát ấy đã thấm sâu vào máu, vào cuộc sống của các bà, các mẹ rồi!”.
Nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ cũng khẳng định: “Tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, với nhịp võng đưa kẽo kẹt hòa lẫn giọng hát ầu ơ và những người thân yêu trong mái ấm gia đình,... Những câu hát đưa em được cất lên gợi lại trong tôi nỗi nhớ nhung da diết về một làng quê yêu thương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình”.
Vì thế, nhà nghiên cứu đánh giá rất cao tác phẩm 1.000 câu hát đưa em của NS Trịnh Hùng. Theo ông, NS Trịnh Hùng phải có lòng nhiệt huyết và sự đam mê vô hạn đối với dòng âm nhạc dân gian mới có thể một mình khắc phục khó khăn, thực hiện được công trình.
Những khó khăn đó được thể hiện bằng danh sách gần 100 nghệ nhân, người lớn tuổi trên toàn tỉnh mà NS gặp gỡ trong hành trình sưu tập của mình. Gần 10 năm là khoảng thời gian đủ để nói lên sự nghiêm túc và kỳ công của NS trong hành trình “trả nợ ân tình”.
NS Trịnh Hùng kể rằng, chính mẹ ông là người cung cấp hàng trăm câu hát cho ông. Đó là những giai điệu mà ông được nghe từ lúc mới lọt lòng và mãi đi theo ông trong suốt những năm tháng sau này. Đối với ông, câu hò, lời ru không chỉ là giai điệu đưa nôi mà còn là lời non nước, nghĩa tình, lời răn dạy của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu. Đó cũng là ước mơ giản dị, là cuộc sống hàng ngày gần gũi được gửi gắm một cách chân thành vào từng câu hát “ầu ơ...”.
“Ầu ơ... anh đừng đặng cá quên nơm
Đặng chim bẻ ná mà quên ơn người...”.
Chính vì điều đó, NS Trịnh Hùng quyết định bỏ ra từng ấy năm sưu tầm, lưu giữ từng câu hát đưa em, từng điệu hò mái dài êm ái.
Năm 2007, quyển sách 1.000 câu hát đưa em của NS Trịnh Hùng được Nhà Xuất bản Văn Nghệ xuất bản. Hiện, NS tiếp tục hoàn chỉnh công trình Những câu hò trên quê hương Long An. Với NS Trịnh Hùng, văn học dân gian, mà cụ thể là những điệu hò, khúc hát ru mang đậm giá trị truyền thống tốt đẹp rất cần được gìn giữ, kế thừa. Cầm trên tay quyển sách 1.000 câu hát đưa em, chúng tôi biết đó không chỉ là tâm huyết của một người NS mà còn là những giá trị khó lòng tìm được trong cuộc sống hiện đại./.
Phương Phương