Tiếng Việt | English

03/04/2017 - 09:37

Người dân vùng hạ vẫn “khát” nước

Mặc dù nhiều dự án cấp nước sinh hoạt đến các xã vùng hạ được triển khai, nhằm từng bước đẩy lùi cơn “khát” nước sạch, hợp vệ sinh (HVS) thế nhưng, đến nay, nhiều hộ dân ở các xã vùng hạ của tỉnh còn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, vẫn phải dùng nước mưa hoặc mua nước ngọt với giá đắt đỏ. Để đa số người dân được sử dụng nước HVS, cần thêm giải pháp căn cơ và nguồn lực đầu tư thích đáng với quyết tâm cao của các cấp chính quyền.


Đến nay, nhiều hộ dân ở xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước vẫn gặp khó khăn về nước sinh hoạt, phải dùng nguồn nước từ ao, kênh, rạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày

Nhiều nơi vẫn “khát” nước sinh hoạt

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi về các xã vùng hạ của huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, tỉnh Long An vốn xưa nay khó khăn về nguồn nước HVS và vào mùa khô, nhiều người dân phải mua nước từ các ghe, xe tải chở từ nơi khác về với giá đắt đỏ. Một số hộ dân khác phải tiết kiệm chi tiêu, xây hồ chứa nước mưa để sử dụng.

Như nhiều hộ dân khác, ông Trần Văn Gai, ngụ ấp Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, hàng tháng phải bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua nước HVS giá cao để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của gia đình.

Ông Gai cho biết: “Những năm trước, người dân trong xã vẫn sử dụng nước từ các ao, kênh, rạch và xây hồ trữ nước mưa. Nhưng vài năm trở lại đây, nguồn nước ao, kênh, rạch bị ô nhiễm, có màu vàng, nhiễm phèn, nhiễm mặn không thể sử dụng được. Tôi cũng nghe nói địa phương đang gấp rút triển khai công trình đấu nối ống dẫn nước về cho dân nhưng đến nay vẫn chưa có nước HVS để sử dụng, nhiều hộ dân vẫn đang chờ nguồn nước này”.

Theo tìm hiểu, ở thời điểm này, bên cạnh việc sử dụng nước mưa được trữ từ các hồ chứa, người dân phải mua nước HVS với giá xấp xỉ 100.000 đồng/m3.

Theo người dân xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, chính quyền đang có chủ trương xây dựng hệ thống nước HVS phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân nhưng vẫn chưa biết chính xác đến bao giờ mới được sử dụng nước với giá cả hợp lý. Do vậy, giải pháp trước mắt vẫn là xây dựng bể chứa nước mưa hoặc mua nước HVS. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện và nhận thức được tác hại của việc sử dụng nguồn nước không HVS. Vẫn còn những hộ dân sử dụng nước từ ao, hồ, kênh, rạch trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cùng với xã Phước Vĩnh Đông, các xã Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông của huyện Tân Trụ cũng đang trong tình trạng thiếu nước HVS. Nguồn nước phụ thuộc vào mạch nước ngầm nhưng ở các xã này, nếu khai thác sâu thì bị nhiễm mặn, còn khai thác cạn thì không đủ công suất; trong khi đó, nguồn nước sử dụng phải dẫn từ địa phương khác về. Do tình trạng xâm nhập mặn kéo dài và sự ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng nên việc khai thác mạch nước ngầm để tìm ra nước ngọt cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt ngày càng khó khăn.


Dự án đầu tư cấp nước sinh hoạt do Công ty TNHH MTV Cầu Nổi thực hiện với tổng kinh phí 3,95 tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 4 sẽ hạ thế điện và kéo đường ống cung cấp nước cho hơn 1.000 hộ của ấp Tây và Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu 98% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 100% dân số đô thị được dùng nước sạch. Với những khó khăn về nguồn nước sinh hoạt mà người dân đang đối mặt hiện tại, đòi hỏi chính quyền huyện cần có nhiều giải pháp mang tính căn cơ và nguồn lực đầu tư thích đáng mới đạt mục tiêu này.

Nỗ lực đem nước về cho dân

Trở lại Long Hựu Đông, Long Hựu Tây trong những ngày nắng nóng này, chúng tôi vui cùng niềm vui của người dân nơi đây vì nỗi lo nước sinh hoạt giảm đi nhiều. Được biết, huyện Cần Đước đầu tư và đưa vào vận hành trạm trung chuyển cấp nước tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông với kinh phí trên 1 tỉ đồng, đưa nước sinh hoạt đến người dân của ấp và những ấp lân cận.

Ông Nguyễn Văn Nên, ngụ ấp Long Ninh phấn khởi: “Nhớ lại những ngày tháng sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi mua nước từ ghe để nấu ăn, còn những sinh hoạt khác đều phải dùng nguồn nước ao, hồ, kênh, rạch bị nhiễm mặn. Nay có nước ngọt để dùng rồi, người dân ở đây ai cũng vui mừng. Những năm trước, nước ở đây cực kỳ quý. Vào mùa khô, tôi phải đi lấy nước nhiều lần, dùng can, thùng xách nước về để sử dụng. Bây giờ, người dân trong ấp không sợ thiếu nước nữa rồi!”.

Tình trạng thiếu nước HVS đang là vấn đề bức xúc của các xã vùng hạ. Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tân Trụ - Lâm Văn Hùng cho biết: “Chính quyền huyện đang rất quan tâm đến vấn đề này, đề ra nhiều giải pháp tích cực, ưu tiên đưa nước HVS về các xã vùng khó khăn. Cụ thể, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An đầu tư gần 15 tỉ đồng lắp đặt đường ống đưa nước ngọt từ nhà máy nước về các xã Bình Trinh Đông, Tân Phước Tây và một phần xã Nhựt Ninh, phục vụ hàng ngàn hộ dân."

Với những nỗ lực như vậy, song ông Hùng cũng thừa nhận, vấn đề nước HVS đối với người dân vùng hạ vẫn hết sức khó khăn, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành.

Hiện nay, mục tiêu lâu dài của huyện là chủ động cung cấp nước sinh hoạt, nhất là cho người dân các xã vốn thiếu nước vào mùa khô trên địa bàn.


Dự án cấp nước hợp vệ sinh tại ấp Vĩnh Thạnh,xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc với kinh phí trên 4 tỉ đồng sẽ phục vụ cho 680 hộ dân tại ấp dự kiến sẽ hoàn thành và được vào vận hành trong tháng 4

Để giải quyết bài toán nguồn nước sinh hoạt cho người dân các xã vùng hạ, cần đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Quyết định 131/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, ưu tiên hỗ trợ vốn cho các công trình đấu nối, mở rộng các dự án từ nhà máy nước hiện có; đồng thời, chú trọng đầu tư các dự án cấp nước quy mô lớn, liên xã, hạn chế đầu tư manh mún nhằm giảm thiểu diện tích đất xây dựng, dễ kiểm soát chất lượng nước, giảm chi phí quản lý, vận hành.

Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước

Nhằm giải quyết bức xúc về nước sinh hoạt cho người dân, nhiều công trình nước sạch đã và đang được triển khai thực hiện. Một số công trình chuẩn bị vận hành đưa nước về đến từng xóm, ấp mang lại niềm vui lớn cho người dân ở những vùng thiếu nước.

Hiện nay, toàn huyện Cần Đước có 659 giếng khoan khai thác nước ngầm nhưng chỉ có 146 giếng phục vụ kinh doanh với chất lượng nước sau xử lý chưa đạt yêu cầu và thường thiếu nước vào mùa khô. Một số xã vùng hạ Long Hựu Đông và Long Hựu Tây thiếu trầm trọng nước sinh hoạt vào mùa khô.

Để giải quyết vấn đề trên, công trình cấp nước cho các xã vùng hạ đang thi công tuyến ống cấp nước dọc theo Quốc lộ 50 từ ngã tư chợ Trạm đến Công ty Công trình đô thị Cần Đước và đấu nối đến các xã vùng hạ của huyện; dự án đầu tư cấp nước sinh hoạt tại ấp Tây và Hựu Lộc, xã Long Hựu Tây do Công ty TNHH MTV Cầu Nổi thực hiện với tổng kinh phí 3,95 tỉ đồng.

Công trình thực hiện xong các hạng mục giếng khoan và hệ thống xử lý nước. Dự kiến trong tháng 4, sẽ hạ thế điện và kéo đường ống cung cấp nước cho hơn 1.000 hộ dân. Theo đó, xã vận động người dân 2 ấp kéo nước từ đường ống nước chính đến hộ gia đình với chi phí 2,5 triệu đồng/hộ, hợp đồng trong 5 năm với mức thu giá nước 10.000 đồng/m3.

Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đầu tư dự án cấp nước HVS tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc. Dự kiến trong tháng 4, trạm cấp nước sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành, được đấu nối từ Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè (TP.HCM) đến ấp Vĩnh Thạnh với kinh phí trên 4 tỉ đồng, phục vụ 680 hộ dân có nước sinh hoạt trên địa bàn ấp”.

Từ thực tế cho thấy, những năm qua, tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí và nguồn vốn từ các chương trình, dự án xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt HVS bảo đảm sức khỏe cho người dân, nhất là các xã vùng hạ, tuy nhiên, tiến độ triển khai chậm. Mong rằng, các dự án sớm hoàn thành để người dân vùng hạ không còn khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết