Người dân có thêm thu nhập từ cắt lục bình
Về các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cây lục bình được người dân cắt đem về phơi. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà Nguyễn Thị Vy (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) bơi xuồng ra con kênh phía trước nhà để cắt lục bình. Do quá quen với công việc này nên chỉ khoảng 30 phút đã đầy một chiếc xuồng nhỏ.
"Mùa kia thì làm ruộng, mùa này nước lên thì làm thêm nghề cắt lục bình. Ngày cắt 2,3 tiếng, kiếm thêm khoảng 100.000 đồng. Ngày nào dư thời gian thì làm nhiều, ít thì làm ít", bà Vy nói.
Bà Vy cho biết, con cái đi làm và học xa nhà. Hai vợ chồng bà Vy ở nhà mưu sinh bằng nghề trồng lúa. Đời sống gia đình cũng không nghèo nhưng cố gắng cắt lục bình để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bà Vy cắt lục bình những khi rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống
Hiện hầu hết tuyến kênh ở Tân Hưng đều bị phủ kín lục bình. Nghề cắt lục bình vừa có thể kiếm thêm thu nhập vừa tốt cho môi trường. Riêng ở xã Vĩnh Thành cũng có vài chục người làm nghề cắt lục bình, chủ yếu là người già vì công việc này nhẹ. Khi nào rảnh thì mình cắt, cứ bơi xuồng ra cắt đầy lại mang vào phơi rồi cắt tiếp, làm năm này qua năm khác nên cũng quen.
Để lục bình dài theo ý muốn, bà Vy dùng một đoạn lưới ngăn lục bình vào một góc kênh. Khoảng 1 - 2 tháng, lục bình dài khoảng 70 - 80cm là có thể cắt được. "Lúc trước người mua mua lục bình ngắn nhưng giờ không ai mua nữa. Giờ nhà nào cũng phải nuôi lục bình một thời gian để lục bình vừa dài, vừa tròn để phù hợp với yêu cầu của thương lái. Mình cứ ngăn nhiều nơi, cắt nơi này xong thì cắt nơi khác, quanh năm cứ vậy", bà Vy tâm sự.
Bà Vy cho biết, sau khi cắt lục bình phải mang lên phơi khoảng 4,5 ngày thì sẽ khô. Khoảng 10kg lục bình tươi phơi khô sẽ còn 1kg. Mỗi kg sẽ bán được khoảng 15.000 đồng. Tuy vậy, công việc này cũng khá nhiều rủi ro. Nếu đang phơi khô mà gặp nước mưa thì lục bình sẽ bị thâm đen, như vậy phải bỏ đi, không bán được, mỗi khi phơi phải có người canh chừng để gần mưa là mang vào liền, tối cũng phải đem vào vì sợ sương xuống sẽ làm hư lục bình.
Mỗi ngày ông Phon cắt được từ 100- 150kg lục bình, thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng
Khác với bà Vy, ông Trần Văn Phon (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) chọn nghề cắt lục bình làm nghề chính để mưu sinh. Dù tuổi cao và sức yếu nhưng mỗi ngày, ông Phon vẫn cắt khoảng 100 - 150kg lục bình.
"Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thấy gì làm nấy. Tôi làm nghề cắt lục bình khoảng hơn năm nay rồi. Ngày nào khoẻ thì cắt từ hơn 10 - 15 bó (mỗi bó khoảng 10kg lục bình tươi), ngày ít thì cắt khoảng 10 bó", ông Phon nói.
Ông Phon cho biết, hiện thương lái đang mua lục bình khô với giá 15.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, ông cũng có thể thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng. Số tiền trên ông dùng cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Theo những người mưu sinh từ nghề cắt lục bình, sau khi cắt lục bình về sẽ bỏ hết phần lá, chỉ giữ lại phần thân. Phần thân đem phơi ngoài nắng độ vài hôm cho lục bình héo khô sau đó được các thương lái đến tận nhà để thu mua. Để có được 1kg lục bình khô cần khoảng 10 - 12kg lục bình tươi. Giá bán 1kg lục bình khô dao động từ 15.000 - 20.000 đồng.
Lục bình khô được các cơ sở thu mua về để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Túi, giỏ xách đến những sản phẩm cao cấp hơn như bàn, ghế, tủ, giường,…/.
Văn Đát