Tiếng Việt | English

17/05/2022 - 13:00

Người chăn nuôi gặp khó do giá thức ăn tăng

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, người nuôi heo lại phải tiếp tục đối mặt với bài toán chi phí sản xuất tăng cao, nhất là giá thức ăn gia súc. Trong khi đó, giá heo hơi lại không tăng dẫn đến tình trạng người nuôi heo bị thua lỗ, ngại tái đàn.

Nhiều nông dân chỉ nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn

Xuất bán lứa heo 10 con hơn 1 tấn với giá 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Bùi Tấn Đạt (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) chỉ huề vốn. Hơn nữa, giá thức ăn cho heo đồng loạt tăng từ 20.000-30.000 đồng/bao (loại 25kg) khiến anh ngại tái đàn. Anh Đạt cho biết: “Người chăn nuôi gặp khó đủ bề, dù giá heo hơi tăng nhẹ nhưng thức ăn gia súc lại tăng cao hơn. Heo xuất chuồng, gặp lúc giá cao thì còn có lãi thấp, ngược lại thì lỗ nặng”.

Theo nhiều người nuôi heo, nuôi một con heo đạt trọng lượng từ 90-100kg, phải tốn công 4 tháng chăm sóc và khoảng 8 bao thức ăn. Trước đây, thức ăn ở mức 250.000-300.000 đồng/bao, con giống 500.000-600.000 đồng/con, người nuôi heo có lợi nhuận. Hiện tại, giá heo giống từ 1-1,2 triệu đồng/con, thức ăn dao động từ 520.000-570.000 đồng/bao (loại 25kg), tính ra để heo đạt trọng lượng 100kg thì chi phí hơn 5 triệu đồng, chưa tính đến yếu tố rủi ro bị dịch bệnh thì coi như mất trắng.

Bà Đặng Thị Liên (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết: “Đầu tư nuôi 10 con heo giống, chỉ cần hao hụt 1 con là người nuôi đã lỗ. Còn nếu tỷ lệ đầu con đạt nhưng giá thức ăn tăng như hiện nay thì cũng không có lãi. Vì vậy, người nuôi heo hiện rất ngại tái đàn”. Để giảm chi phí sản xuất, nhiều hộ nuôi heo áp dụng các biện pháp như cho ăn độn thêm các loại rau, củ, thức ăn thừa hay nấu rượu lấy hèm cho heo ăn. Tuy nhiên, những cách làm này tiềm ẩn rủi ro xảy ra dịch bệnh”.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Lê Văn U Thanh, toàn huyện còn khoảng 260 hộ nuôi heo với tổng đàn 5.400 con, giảm khoảng 10% so cùng kỳ. Nguyên nhân là giá heo hơi tăng nhẹ nhưng chi phí thức ăn tăng cao; dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc đặc trị nên rủi ro rất cao, đa phần người chăn nuôi heo đều không có lợi nhuận. Thời gian tới, ngành khuyến cáo người dân nuôi theo kiểu liên kết với các công ty để được đầu tư về con giống, thức ăn, khi xuất bán sẽ mua lại với giá ổn định, tạo điều kiện cho nông dân có lợi nhuận.

Theo nhận định, nếu giá thức ăn chăn nuôi còn duy trì ở mức cao như hiện nay thì tình trạng “treo chuồng” sẽ phổ biến. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi. Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh cho biết: Giá thức ăn chăn nuôi tăng không chỉ tác động đến chăn nuôi heo mà cả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, để tiết giảm chi phí, ngành khuyến cáo người dân tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro.

Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng nhiều lần khiến lợi nhuận của người chăn nuôi giảm mạnh bởi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất. Do đó, ngành chăn nuôi tỉnh đề nghị các địa phương và các đơn vị trực thuộc thực hiện đồng bộ giải pháp để tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh,... để giảm rủi ro, tăng lợi nhuận cho người nuôi./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết