Tiếng Việt | English

11/09/2023 - 15:16

Người anh hùng hiên ngang trước máy chém của địch

Trong khuôn viên đình thần Hòa Khánh (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), có bức tượng và bia tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Lê Văn Cảng - người hiên ngang trước máy chém của kẻ thù, quyết hy sinh chứ không khuất phục.

Chuyện người anh hùng

Trở về nhà sau buổi làm đồng, bà Huỳnh Thị Coi (71 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) mang nải chuối vừa mua đặt lên bàn thờ giữa nhà. Bà Coi nói: “Tôi đang thờ ông nội chồng, cha chồng là liệt sĩ, AHLLVTND Lê Văn Cảng và chồng tôi. Chồng tôi là con trai trong nhà nên thờ phụng ông bà, khi ông ấy mất thì tôi thay ông làm việc đó”.

Bà Huỳnh Thị Coi là người trực tiếp thờ cúng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Cảng

Bà Coi kể, AHLLVTND Lê Văn Cảng hy sinh khi các con còn nhỏ nên hình ảnh về cha chồng khá mờ nhạt. Vợ chồng bà Coi chỉ biết về cha qua lời kể của người thân, đồng đội của ông. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được niềm tự hào của bà về sự anh hùng của cha chồng. “Cha chồng tôi tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Ông được kết nạp Đảng và hoạt động bí mật tại Chi bộ xã Đức Lập. Đến lúc bị xử chém, ông vẫn hiên ngang không sợ hãi. Ở vùng này, ai cũng biết chuyện đó” - bà Coi từ tốn kể.

Vào cuối năm 1950, chính quyền ngụy tăng cường càn quét các vùng căn cứ cách mạng, truy lùng cán bộ kháng chiến cũ. Lúc này, chủ trương của ta là chôn súng, tài liệu, rút vào hoạt động bí mật vì cán bộ đa số là đi tập kết. Tháng 3/1959, có 3 tên cảnh sát từ Sài Gòn xuống Đức Lập truy lùng đảng viên và đánh phá cơ sở cách mạng. Tổ Đảng ấp Tân Hòa (thuộc chi bộ mật của xã Đức Lập) bàn bạc xin ý kiến cấp trên tiêu diệt bọn cảnh sát. Đồng chí Lê Văn Cảng đề xuất kế hoạch tiêu diệt 3 tên này. Kế hoạch bị lộ, bọn chúng bỏ chạy nhưng đồng chí Cảng và đồng đội dùng gậy tầm vông, dao, mác đuổi theo truy bắt, đánh giáp lá cà gần 1 giờ và diệt được 3 tên này.

Sau cái chết của 3 tên cảnh sát, địch ra lệnh truy nã, truy tìm ráo riết 3 đồng chí Cảng, Thì, Dấy. Ngày 10/10/1959, chúng bắt được đồng chí Cảng tại thôn Vườn Trầu, Hóc Môn, Sài Gòn. Hơn 5 tháng giam cầm, đánh đập, khảo tra dã man và dụ dỗ nhưng không khai thác được gì, ngày 06/3/1960, địch thi hành bản án tử hình đồng chí Lê Văn Cảng theo đạo luật 10/59 của Ngô Đình Diệm bằng máy chém ở tại ngã ba Hòa Khánh, Đức Hòa (nay thuộc xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa). Bị bịt kín miệng dẫn ra máy chém nhưng đồng chí Cảng vẫn hiên ngang, ung dung ngẩng cao đầu đi từ nơi giam giữ bước lên máy chém, nhìn và chào đồng bào, đồng chí trước lúc hy sinh.

Tấm lòng người ở lại

Để tưởng nhớ sự hy sinh của AHLLVTND Lê Văn Cảng, chính quyền địa phương xây dựng bia truyền thống tại đình thần Hòa Khánh (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa) - nơi giặc giết hại đồng chí. Bà Coi cho biết: “Trước đây, ở đình chỉ có bia, bây giờ đình được xây dựng mới, chính quyền xây dựng tượng của cha chồng tôi ở đó. Năm nào giỗ cha, tôi cũng đến đình thần để thắp hương”.

Bà Coi cho biết, chính quyền địa phương hết sức quan tâm, chăm lo cho gia đình bà. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết đều có nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho gia đình bà. Chế độ, chính sách cũng được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

“Không chỉ có chính quyền địa phương, bác Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang) cũng rất quan tâm. Hầu như năm nào bác cũng ghé thăm gia đình, không tới thăm, bác cũng gửi quà tặng. Không chỉ gia đình tôi, các gia đình liệt sĩ khác cũng vậy!” - bà Coi chia sẻ.

Tượng và bia tưởng niệm sự hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Cảng tại đình thần Hòa Khánh (xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa)

Xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa có 340 liệt sĩ, 53 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc chi trả trợ cấp theo quy định, địa phương còn tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà thân nhân Mẹ Việt Nam Anh hùng, AHLLVTND (từ trần), thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gia đình thân nhân liệt sĩ.

Vùng đất Đức Lập ngày xưa, nay là xã Đức Lập Thượng và Đức Lập Hạ có nhiều thay đổi. Phát huy truyền thống anh hùng, chính quyền và người dân địa phương đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương./.

Biện Cường - Quế Lâm

Chia sẻ bài viết