Tiếng Việt | English

01/03/2022 - 19:55

Nghiên cứu chỉ ra nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron là rất thấp

Trong một nghiên cứu tại Mỹ, trong 187 trường hợp tái nhiễm COVID-19 chỉ có 47 trường hợp tái nhiễm biến thể phụ BA.2, hay còn gọi là "Omicron tàng hình," sau khi nhiễm biến thể gốc Omicron lần đầu.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 24/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, các nhà khoa học và người dân đều đang băn khoăn về nguy cơ tái nhiễm biến thể này.

Theo tạp chí Newsweek, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn gọi là "Omicron tàng hình" đã được phát hiện tại tất cả 50 bang của nước Mỹ và đây cũng là biến thể đang khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại.

Các nghiên cứu cho thấy biến thể phụ BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 30% so với biến thể gốc BA.1. Như vậy, liệu con người có nguy cơ tái nhiễm BA.2 cao hơn so với BA.1 hay không?

Tiến sỹ Suneet Singh, Giám đốc công ty CareHive Health (Mỹ), gần đây đã đề cập về khả năng tái nhiễm biến thể Omicron thấp trong cùng tháng với lần lây nhiễm đầu tiên.

Theo Tiến sỹ Singh, phản ứng miễn dịch trong quá trình phục hồi là rất mạnh và giúp bảo vệ con người cực tốt trong những ngày đầu tiên sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ rất nhỏ các bệnh nhân bị tái nhiễm sớm tương tự như các căn bệnh hô hấp khác.

Về nguy cơ tái nhiễm biến thể phụ BA.2, trong nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 1,8 triệu ca mắc COVID-19.

Trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, đã có 187 trường hợp tái nhiễm được phát hiện trong vòng 20-60 ngày sau lần lây nhiễm đầu tiên.

Trong số này, biến thể phụ BA.2 chiếm 47 trường hợp sau lần lây nhiễm biến thể gốc BA.1 lần đầu tiên. Phát hiện này cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể phụ BA.2 sau khi nhiễm biến thể gốc Omicron là rất nhỏ.

Bất kể là biến thể phụ BA.2 hay biến thể gốc BA.1, các nhà nghiên cứu đều chỉ ra rằng phần lớn các ca tái nhiễm có triệu chứng nhẹ là những người trẻ và chưa tiêm phòng COVID-19.

Giải thích về kết quả này, Tiến sỹ Daniel Gluckstein, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết việc tái nhiễm biến thể phụ BA.2 hay biến thể gốc BA.1 đều có xu hướng xuất hiện nhiều ở những người trẻ chưa tiêm vaccine, điều này chứng tỏ các vaccine rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm so với việc chỉ nhiễm virus lần đầu.

Mặc dù mọi người đều có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron nhiều hơn một lần, các nhà khoa học cho rằng các ca tái nhiễm nhiều khả năng liên quan đến biến thể phụ BA.2 hơn là biến thể gốc BA.1.

Bên cạnh đó, tải lượng virus trong các ca tái nhiễm biến thể BA.2 thường thấp hơn những ca lần đầu nhiễm biến thể gốc BA.1./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết